Việt Nam Thời Báo

GS Nguyễn Đăng Hưng: Cây ngay không sợ chết đứng

Không ít người bảo tôi “ai biểu về Việt Nam làm gì, ở bên Bỉ có yên lành hay hơn không”. Nay anh cũng có ý đó. Thú thật tôi chưa có gì phải ân hận. Ngay những ngày đầu những năm 90 khi quyết định lao vào công việc giúp Việt Nam đào tạo nhân lực đại học, tôi biết sẽ gặp nhiều khó khăn, ách tắc.
 

GS Nguyễn Đăng Hưng

Nguyễn Đắc Xuân: Vụ Hiệu trưởng ĐH TDT kiện GS Nguyễn Đăng Hưng ngã ngũ ra sao rồi?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Vụ kiện đã bị đình chỉ theo quyết định của Toà Án quận 9 (Tp. HCM) vào ngày 22/8/2014.
Vụ tranh chấp khởi đầu từ cuối tháng tư trên không gian học thuật quốc tế rồi kéo về Việt Nam bằng vụ kiện ở Toà án quận 9, vụ tố giác hình sự song song tại Quận 7 cũng đã làm tôi có ấn tượng như một trận càn của một thế lực hung hãn. 
Sau gần 4 tháng, mới đây, Hiệu Trưởng ĐH Tôn Đức Thắng nộp lại đơn, tiếp tục kiện tôi và Tòa Án nhân dân Q9 vừa gởi cho tôi một giấy triệu tập. Vì đang ở Bỉ, tôi đã viết thư xin hoãn lại cho đến sau Tết, khi tôi đã về Việt Nam.
Tôi dùng thời gian tại Bỉ để chuẩn bị một số bài phân tích có chứng cớ khoa học và có tính thuyết phục cao, dùng cho ngày tự biện hộ tại Tòa và kịp thời thông tin cho công luận là nội dung nguyên đơn không có cơ sở thậm chí còn có chỗ sai trái.
Những câu trả lời của tôi có kèm theo chú thích [n] đặt ở cuối bài. Đó là những tài liệu minh chứng cho lời tôi nói.
Nguyễn Đắc Xuân: Qua anh Đặng Tiến ở Pháp, tôi biết anh nguyên là một GS đại học có tiếng ở Liège (Bỉ), một nhà khoa học đã đào tạo nên nhiều thạc sĩ, Tiến sĩ cho đất nước, nhưng giờ lại bị dính vào một vụ kiện kèm theo một vụ tố cáo với khả năng có thể thân bại danh liệt. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh đang suy nghĩ  gì?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Việc tôi đã bỏ ra gần 20 năm cho Việt Nam, liên tục đi về để đề xướng và điều hành các Trung tâm đào tạo thạc sỹ tại TP HCM và Hà Nội được đông đảo công luận biết tới. Từ ngày có vụ kiện, có nhiều thông tin trên mạng cho rằng, thời gian trên tôi đã làm “cò giáo dục”. Thông tin đó đã phủ nhận công sức, nhất là tấm lòng của gần 100 nhà khoa học cao cấp từ Bỉ, Pháp, Ý, Hà Lan, Thụy Điển .. cùng tôi về Việt Nam giảng dạy mà không hưởng lương.
Tôi nghĩ tôi chỉ là một giáo sư, một nhà khoa học thường thường bậc trung thôi. Tôi không bao giờ dám nhận mình là người nổi tiếng. Nhất là tháng 8/2014 vừa qua cũng cái từ này mà nhà báo Lê Thanh Phong đã đăng trên tờ Lao Động một bài viết bôi nhọ tôi [1]. Ông ta cố tình bỏ đi một dòng trong bài phỏng vấn của tôi trên Dân Trí (GS Hưng trên Dân Trí [2]) rồi “dựng lên chi tiết giả này (GS Nguyễn Đăng Hưng tự nhận mình là nhà khoa học lừng danh), sau đó lặp đi lặp lại nhiều lần khiến người đọc ấn tượng xấu về cá nhân tôi! Tôi đã phải vất vả, nhờ nhà báo Kim Dung cho đăng tải một bài phản bác vạch trần thủ thuật tệ hại [3], nói lên sự thật.
Sự thật là các chuyên gia của nhà xuất bản Springer đã gắn từ ấy cho tôi qua một thư điện tử [4] nói lên lý do tại sao đã ủng hộ chúng tôi cho ra đời tạp chí APJCEN. Và để xét đoán một cách khách quan vị trí khoa học của một nhà nghiên cứu, ngày nay thế giới đã có những công cụ truy lùng thống kê đáng giá ảnh hưởng qua những chỉ số chuyên môn. Tuy đã lấy hưu trí 8 năm rồi, gần như không còn hoạt động nghiên cứu khoa học nũa, tên tuổi tôi vẫn còn được chú ý trên mạng sau 40 năm giảng dạy và làm khoa học tại Bỉ. Website Researchgate.net  [5],một công cụ của Đức hiện nay rất được các nhà khoa học đánh giá cao, sẽ cho thấy vị trí khách quan, vô tư và khoa học về cá nhân tôi. Với 180 bài công bố khoa học, chỉ số ảnh hưởng (Impact number) của tôi là 86.3, chỉ số điểm tổng hợp của tôi là 29,3 và xếp tôi cao hơn 85% các nhà khoa học trên thế giới được công cụ này chiếu cố.
Ngạn ngữ Việt Nam có câu “Cây ngay không sợ chết đứng”, tôi không hề ưu tư lo ngại về sự tác hại tiêu cực của vụ kiện không có cơ sở này. Ngược lại, trong quá khứ gần đây và trong những ngày tháng sắp đến, vì phải hành động tự bảo vệ mình, tôi sẽ có dịp tỏ bày thêm cho công luận tấm lòng của tôi đối với việc phát triển giáo dục và khoa học nước nhà. Tôi không làm gì sai trái. Lương tâm tôi rất thanh thản.
Nguyễn Đắc XuânTừ những việc đã xảy ra, anh có ân hận gì về quyết định hồi hương  của anh không?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Không ít người bảo tôi “ai biểu về Việt Nam làm gì, ở bên Bỉ có yên lành hay hơn không”. Nay anh cũng có ý đó. Thú thật tôi chưa có gì phải ân hận. Ngay những ngày đầu những năm 90 khi quyết định lao vào công việc giúp Việt Nam đào tạo nhân lực đại học, tôi biết sẽ gặp nhiều khó khăn, ách tắc. Và trên thực tế trong khoảng thời gian dài 12 năm quản lý và điều động các chương trình đào tạo thạc sỹ do chính phủ Bỉ và Liện Hiệp Châu Âu tài trợ, tôi đã phải đối mặt với rất nhiều lực cản, quấy phá. Nhưng tôi đã qua được và thu thập được nhiều kinh nghiệm có đắng cay. Có lẽ lần này tôi sẽ phải đối mặt với một chủ trương hung hãn hơn, với những phương tiện tài chính, quyền uy đáng ngại hơn. Nhưng tôi tin là mọi chuyện sẽ sáng tỏ, lòng tôi trong sáng, tôi không làm gì không đúng mà phải ân hận…
Nguyễn Đắc XuânTừ khi nào anh chuyển qua cộng tác với trường ĐH TDT?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Tôi bắt đầu làm cố vấn học thuật cho trường ĐH Việt Đức từ năm 2011 và làm cố vấn cao cấp cho ĐH Tôn Đức Thắng từ cuối 2012. Đây là những hợp đồng nhẹ nhàng, không phải có mặt thường xuyên, chỉ tư vấn, góp ý khi có yêu cầu.
Nguyễn Đắc Xuân:Sao lại chưa chịu nghỉ, còn lao vào những hoạt động phức tạp như lăng xê tên tuổi mình làm tổng biên tập một tờ báo khoa học gì đó nữa?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Nếu có ý định lăng xê tên tuổi tại Việt Nam mà lao vào việc thành lập một tạp chí chuyên ngành như APJCEN thì quả là thiếu cân nhắc. Thậy vậy, đây là tạp chí chuyên ngành khá chật hẹp, độc giả là những nghiên cứu sinh. Cả nước có chừng chung quanh 200 người.
Tôi chỉ muốn tiếp tục đóng góp cho nền giáo dục và khoa học Việt Nam ở những hướng sở trường, làm nhịp cầu tiếp nối mà các bạn trẻ rất cần mà chưa có điều kiện nắm bắt. Tôi muốn giúp các nhà khoa học trẻ Việt Nam sớm vươn ra quốc tế. giúp họ có điều kiện công bố nhanh gọn các công trình khoa học.
Làm Tổng Biên Tập tạp chí này không có thù lao, chỉ là tình yêu khoa học thuần túy thôi. Ý định của tôi là hiện diện vài năm đầu, sau đó giao lại cho một nhà khoa học trẻ Việt Nam.
Nguyễn Đắc XuânNhư một tờ báo nào đó đã viết về Hợp đồng anh đã ký với ĐH Tôn Đức Thắng có nói đến việc ra báo mà Hiệu trưởng trường này muốn làm chủ một tờ báo. Khi đặt bút ký, anh có tiên liệu được những khó khăn về sau không?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Đúng là có một hợp đồng mà tôi đã ký với Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng, nói là cố vấn cao cấp sẽ “lên kế hoạch với sự hỗ trợ của Đại học Tôn Đức Thắng để  thực hiện một tờ báo khoa học”. Vì không biết mặt mũi đứa con ra sao, không có chi tiết nào nói đến ai là sở hữu chủ, ai là Tổng Biên Tập (TBT). Chính tôi cũng bất ngờ được tin vui là nhà xuất bản Springer đồng ý ủng hộ và đầu tư toàn bộ, chỉ giao cho Ban Biên Tập toàn quyền về nội dung tạp chí.
Trước thềm Tết Quý Tỵ, tôi đã thông tin ngay cho Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng về sự thành công sau khi thương thảo với Nhà xuất bản Springer.
Ngày 7/2/2013, Ông Lê Vinh Danh ( LVD) trả lời tôi [7] nói rõ APJCEN là không phù hợp và  LVD chỉ muốn “thành lập một tạp chí tiếng Anh có tầm quốc tế của Trường đại học Tôn Đức Thắng và tạp chí này thuộc về Trường đại học Tôn Đức Thắng”
Tôi đã ngồi viết một E-mail dài tối giao thừa (29 tết) [7] trong đó sau khi giải thích cặn kẽ về giá trị của sự ra đời của tờ báo khoa học quốc tế, có sự ủng hộ quý giá của Springer, điều kiện tiên quyết cho tương lai tạp chi. Phần kết thư này tôi cũng đã thẳng thắn khẳng định: “Không ai dại gì gỡ bỏ một lâu đài trên vùng đất cao ráo có tầm nhìn ra thế giới để trở lại xây dựng một căn nhà lá vách đất trên nền đất yếu, chật hẹp”.
Thành ra vấn đề không phải tôi không hoàn tất hợp đồng (hợp đồng chỉ nói lên kế hoạch) mà tôi đã thành công ra ngoài dự kiến: Ngay từ ngày ra mắt, APJCEN đã là một tạp chí quốc tế. Vấn để đặt ra là Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng đã bỏ qua những lời giải thích và tư vấn cặn kẻ của tôi, không thấy được lợi ích trước mắt là song hành cùng cố vấn cao cấp của mình để có được sự ủng hộ của Springer mà khăn khăn đòi làm chủ, làm nhà sáng lập có quyền bổ nhiệm TBT.  Lập trường này là nguyên nhân của sự đổ vỡ, vì nó tạo ra một tranh chấp không đáng có cho tờ báo. Trên thực tế chủ nhân tờ báo đã được xác định qua hợp đồng sáng lập [8] đó là Nhà xuất bản Springer! Và TBT là do Ban Biên Tập tín nhiệm và Nhà xuất bản chấp nhận.
Anh nói đúng, khi ký hợp đồng với họ, tôi đã không tiên liệu được vì trình độ nhận thức của đối tác, đã xuất hiện khó khăn và mâu thuẫn nảy sinh từ tham vọng làm chủ.
Nguyễn Đắc Xuân: Tại sao anh lại đi chọn trợ lý (TS Lê Văn Út) là một người đã có tiền án, một hành động thiếu cảnh giác?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Phải xem xét kỹ các hồ sơ, tôi mới xác định hành động đáng thất vọng của người trợ lý ấy. Đó là hồ sơ trong giai đoạn sửa soạn cho ra đời tờ báo. Và tôi phải đi đến kết luận:Vụ kiện đã phát xuất từ một sự ngộ nhận và trách nhiệm của tác giả đứng sau sự việc này đã được phơi bày với những chi tiết không thể phủ nhận được. Người đứng sau đó với tư cách chuyên gia khoa học của Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng là TS Lê Văn Út (LVU)”.
Khi chọn TS LVU làm trợ lý tôi có biết người này có tiền án ở Cần Thơ năm 2008. Tôi cũng nhận được thông tin lùm xùm về nội dung luận văn tiến sỹ mà TS LVU trình ở Phần Lan. Nhưng tôi đã bỏ qua tất cả vì tôi nghĩ đó là những sai lầm của thời trẻ, nên mở lối cho một thanh niên năng động, đam mê công việc.
Đây đúng là một hành động thiếu cảnh giác, tôi xin nhìn nhận. 
Nguyễn Đắc XuânCảm giác của anh như thế nào sau khi anh biết được ĐH TÔN ĐỨC THẮNG đã viết thư bài bác anh gởi cho các thành viên ban biên tập APJCEN cuối tháng tư vừa rồi?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Tôi rất bất ngờ và ngỡ ngàng. Các bạn khoa học của tôi cũng bất ngờ không kém.


Trong thư ấy, Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng đã cố tình xúc phạm tôi khi viết:

1. Tôi đặt vấn đề về đạo đức và tính trung thực của Tổng biên tập Nguyễn Đăng Hưng

2. Tôi không chắc là về bằng cấp của Tổng biên tập Nguyễn Đăng Hưng. Tôi chắc chắn là ông ta không có có bằng Tiến sỹ habil. Bằng tiến sỹ đặc biệt mà ông khoe trong lý lịch khoa học chẳng có ý nghĩa gì.

Hiệu trưởng một trường Đại học viết thư cho gần 60 nhà khoa học thế giới với nội dung nói xấu về cố vấn cao cấp của mình với những lời như thế đấy. Tôi đã rất buồn khi một vị Hiệu trưởng lại có thể viết những lời không có cơ sở như thế!
Trong thư trả lời, tôi đã thành thật nói lên cảm tưởng chung của chúng tôi: “Phần phụ lục (trong thư Le Vinh Danh [8]) là một sai lầm hệ trọng. Nó không xứng đáng với vai trò Giám đốc TDDU của ông. Thậy vậy, nó hạ thấp vị trí học thuật của ông!”
Nguyễn Đắc XuânTrong thư này, Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng khẳng định là anh chưa hề có bằng tiến sỹ đặc biệt?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Chính là vì ông ấy (Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng) chưa biết gì về chế độ bằng cấp tại Bỉ, phải nhờ “chuyên gia khoa học” truy lùng trên mạng tìm mãi không thấy tên bằng Special Ph.D. rồi khẳng định lung tung là không có, không đúng… Đó là một thái độ thiếu khoa học, đáng chê trách. Gần một chục nhà khoa học cao cấp đã phản ứng, có người nói thẳng một cách khá lịch sự nhưng rất đau [9].
Riêng về bằng Tiến sỹ đặc biệt, có thể tham khảo hai hồ sơ [10,11] với đầy đủ chi tiết để chứng minh điều đó, bao gồm toàn bộ 800 trang luận án.
Nguyễn Đắc Xuân: Ông ta cũng bảo khả năng khoa học của anh rất hạn chế ?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Đây phải chăng cũng là điều mà các “chuyên gia khoa học” gà nhà này mớm cho ông Lê Vinh Danh? Điều oái ăm là các nhà khoa học trong ban biên tập biết rất rõ về tôi, có người đã đọc công bố khoa học của tôi từ những năm 60, 70. Họ đã đồng loạt khẳng định sự tín nhiệm bất di bất dịch của mình đối với Tổng Biên Tập.
Nguyễn Đắc XuânCó người bảo anh bảo vệ luận án TS khá trễ năm 1984 mà sao anh lại khai trên CV của anh là đã đi thuyết trình khắp nơi trong thập niên 70, 80  và còn được mời về thỉnh giảng dài hạn tại VN năm 1977?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Giải thích việc này hơi dài dòng. Nó phát xuất từ tính cách cá biệt của lịch trình thăng tiến trong quá trình làm nhà giáo đại học của tôi tại Liège.
Có lẽ tôi cũng thuộc loại người giống như anh, thích nghiên cứu khoa học, nhưng không đặt chủ tâm vào chuyện bằng cấp!
Thật vậy, tôi vốn là một người đam mê nghiên cứu khoa học và trong giai đoạn sung mãn nhất của cuộc đời khoa học, tôi cứ mải mê khám phá rồi nhanh chóng công bố ra quốc tế mà không chịu dừng lại để đúc kết và tổng hợp các công trình của mình thành luận văn tiến sỹ. Tôi lại được thầy tôi ưu ái lập một hai lần lập thẩm định quốc tế xem xét toàn bộ công trình khoa học của tôi, cho phép tôi được bổ nhiệm làm giảng viên thường trực năm 1972, tuy tôi chưa chính thức bảo vệ luận án tiến sỹ. Tôi đã đi làm khoa học hàng chục năm (thuyết trình tại các đại học, công bố tại các hội nghị, làm chủ đề tài nghiên cứu có tài trợ…) với tư cách ấy.
Năm 1977 tôi được Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước Việt Nam mời về thỉnh giảng tại Hà Nội và TP HCM cũng với tư cách ấy. Tôi vẫn còn giữ cái thư mời chính thức này. Năm 1982 tôi được biệt phái đi thỉnh giảng dài hạn (3.5 năm) tại Congo (Bỉ) cũng với tư cách ấy. Mãi đến năm 1984, thời điểm thầy tôi GS Ch. Massonnet (sắp hưu trí) muốn tiến cử tôi lên làm giáo sư thực thụ, thay ông giảng dạy một số giáo trình. Tôi được thầy tôi triệu hồi gấp về Liège để nhanh chóng trình luận văn tiến sỹ.
Với Hội đồng thẩm định gồm những nhà cơ học lừng danh thế giới của giai đoạn 1975-1980 như các giáo sư: D.C Drucker (Illinois-Urbana Champaign, Hoa Kỳ), G. Maier (Milan, Ý), M. Save (Mons, Bỉ), sau hai tuần các báo cáo thẩm định được gởi về và đồng ý ra văn bản xác nhận tôi có trình độ tương đương cấp tiến sỹ qua thẩm định của các nhà khoa học chuyên ngành quốc tế.
Thế là tôi trở thành người đầu tiên tại Liège, được bảo vệ bằng cấp sau tiến sỹ mà chưa hề bảo vệ bằng tiến sỹ bình thường như thông lệ. Tại Bỉ bằng sau tiến sỹ dành cho người nước ngoài như tôi có tên: Doctorat Spécial. Bằng này tương đương với bằng Doctorat Habilitation ở Pháp, Ba Lan hay ở Đức.
Theo định nghĩa, bằng Doctorat Spécial phải là bằng xác định trình độ nghiên cứu khoa học thâm sâu của ứng viên. Bằng này dành cho các nhà khoa học có thâm niên nhưng tích cực hoạt động liên tục và có những thành quả nghiên cứu được giới khoa học quốc tế công nhận.
Nguyễn Đắc Xuân: Anh bị phê phán là thích nổ vì hay kê khai chức vị đầy đủ qua các e-mail ?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Tôi làm nhiều việc, ở nhiều nơi, đi nhiều chỗ. Việc kê khai không phải để khoe mà là để tiện bề liên lạc với bạn bè bốn phương. Tuy đã nghĩ hưu, nhưng tôi vẫn phải thường xuyên tiến cử các học trò cũ giúp họ xin học bổng, xin việc postdoc. Muốn việc làm này hữu hiệu, điều tiên quyết là phải tự giới thiệu mình một cách trung thực và thuyết phục.  Thí dụ khi tôi ghi chức danh tôi là “Giáo sư Danh dự Thực thụ” trường Đại Học Liège, tôi đã dịch nguyên văn chức danh này từ tiếng Pháp (Professeur ordinaire honoraire), một chức danh đã được Hội Đồng Quản Trị ĐH Liège ban cho tôi qua văn bản ngày 21/9/2006, trước ngày tôi về hưu một tuần và khuyến dụ tôi nên sử dụng chức danh này cho đến mãn đời. Tôi chỉ tự giới thiệu một cách chính xác cái gì mình có. Người đời không tin là quyền của họ. Nhưng khi chưa kiểm chứng nghiêm túc, xin đừng ác ý, gây phản cảm không hay cho tôi, bảo tôi tự phong, thích nổ.
Nguyễn Đắc Xuân: Dư luận chung quanh anh về vụ kiện diễn tiến ra sao?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Điều này có lẽ anh nên hỏi người thứ 3 khách quan hơn. Riêng tôi qua các mạng xã hội như FACEBOOK, tôi thấy tuy báo chí có đăng tải nguyên văn những cáo trạng năng nề về tôi, có cả một trang chuyên đăng tải những bài bôi nhọ tôi, chẳng có mấy người tin. Và những người hiểu vấn đề càng có cảm tình với tôi hơn…Những người hoài nghi sau khi đọc những bài tôi viết có nội dung khoa học, có tính thuyết phục cao, có bằng chứng hẳn hoi chứ không chung chung như những bài báo mà ta đã biết, đã hiểu đâu là sự thật, đâu là lẻ phải…
Nguyễn Đắc Xuân:  Vụ kiện có phản ứng tiêu cực đến báo APJCEN không?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Chẳng có ảnh hưởng nhỏ nào cả. Ban Biên Tập lại thêm quyết tâm sắp ra số đặc biệt. Vụ kiện đã quảng cáo tốt cho APJCEN và nhà xuất bản Springer!
Nguyễn Đắc Xuân:  Qua vụ này, việc gì làm anh thất vọng nhất?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Sự nông cạn về nhận thức khoa học và học thuật thường song hành với tính tham lam của con người!
Nguyễn Đắc Xuân:  Anh rút được bài học gì qua vụ này? Anh liệu có còn đủ sức lao tiếp vào những công việc mới nào nữa không?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Nếu tôi muốn cũng chẳng có cơ hội nữa anh ạ. Tôi sẽ rút về khu vườn riêng, hoàn thiện mấy trang bút ký và tìm cách xuất bản trước khi nhắm mắt xuôi tay.
Bài học ư? Đừng hoang tưởng ai cũng như mình. Đằng sau hợp đồng rất có thể là cạm bẫy nếu là hợp đồng gắn với những ham muốn không chính đáng và không bao giờ có thể đạt tới của một bên.

Chú thích
[1] Tác giả: Lê Thanh Phong, Lao động, ngày 15/8/2014
https://kimdunghn.wordpress.com/2014/08/15/thai-do-ung-xu-cua-tri-thuc/

[2] GS Nguyễn Đăng Hưng lên tiếng vể vụ  kiện

[3] Phản hồi về một bài báo

[4] E-mail sáng lập của Springer

[5] Trang Research về GS Nguyen Dang Hung

[6] Hợp đồng ĐH TĐT – NĐH

[7] Thư điện tử đêm giao thừa

[8] Thư LVD gởi cho BBT APJCEN

http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/TDTU-Letter-to-APJCEN-Board1.pdf

[9] E-mail phản đối của 3 nhà khoa học quốc tế.

http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/e_mail-phan-doi-của-GS-Ponthot-De-saxce-va-Bordas.pdf

[10] Chuyện đặc biệt về bằng cấp và bằng tiến sỹ đặc biệt.

http://www.ndanghung.com/bai-viet/2014/05/04/lay-bang-da-dac-biet-bang-cung-co-ten-dac-biet-thi-viec-du-luan-dat-cau-hoi-chang-co-gi-dac-biet-au-cung-la-cai-so-vay.html/#more-8571

[11] Thêm tài liệu về bằng tiến sỹ đặc biệt

Tin bài liên quan:

VNTB – Philiphines: Trung Quốc sẽ mất ảnh hưởng nếu không tuân theo quyết định của tòa án

Phan Thanh Hung

VNTB – Điện nước tăng nhanh, nhưng không tăng nhanh bằng học phí ĐH Tôn Đức Thắng?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.