Hạnh Ly
BBC Tiếng Việt
Nhà báo Phan Lợi và blogger Đoan Trang tại Việt Nam đưa ra cách nhìn khác nhau về Luật Tiếp cận Thông tin trong hai cuộc phỏng vấn với BBC hôm 06/04.
Luật Tiếp cận Thông tin được đa số Quốc hội Việt Nam tán thành và thông qua hôm 06/04, với những quy định cụ thể những quyền và điều cấm liên quan tới việc tiếp cận thông tin của công dân.
Nhà báo Phan Lợi cho việc cụ thể hóa quyền cơ bản của công dân “là quyền tự do báo chí tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin quy định ở điều 25 hiến pháp 2013 là việc vô cùng cần thiết.”
Một người có thông tin sử dụng thế nào là việc của người ta, miễn là việc đấy không xâm hại đến quyền và lợi ích của người khác hoặc tổ chức khác.
Nhà báo Phan Lợi
“Có luật thì người dân mới có thể khởi kiện hoặc khiếu nại phía nhà nước mỗi khi quyền này của mình không được tôn trọng.
“Còn không có luật thì không biết lấy cơ sở nào để khiếu nại? Chẳng lẽ lôi Hiến pháp ra, mà Việt Nam tổ chức bộ máy tòa án hiến pháp chưa có,” Chủ tịch Hội đồng Khoa học của MEC (Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng Đồng) nói.
Tuy nhiên blogger Đoan Trang nhận xét, cả Luật Tiếp cận Thông tin và Luật Báo chí sửa đổi được thông qua gần đây chỉ mang tính “ghi nhận thực tế” đã tồn tại.
“Nhưng về bản chất nó vẫn chỉ là ghi nhận một thực tế thôi chứ không cổ vũ hay tạo điều kiện thực sự cho người dân.
“So với Luật Báo chí hiện giờ thì tôi thấy nó có vẻ hiện đại hơn, cập nhật hơn cho cuộc sống, đã ghi nhận quyền của người dân được tiếp cận thông tin, được sử dụng mạng xã hội…
“Nhưng về bản chất nó vẫn chỉ là ghi nhận một thực tế thôi chứ không cổ vũ hay tạo điều kiện thực sự cho người dân.
“Việc sử dụng luật báo chí để hạn chế tự do báo chí, đây là điểm không biết bao giờ họ mới thay đổi,” nhà báo tự do Đoan Trang nói.
‘Vừa đá bóng vừa thổi còi’
Bình luận về việc bỏ chương V quy định về quản lý của nhà nước đối với báo chí, ông Phan Lợi cho biết trong Luật sửa đổi vẫn có 13 điều cấm liên quan đến thực hiện luật báo chí.
“Trong 13 điều cấm này so với luật báo chí cũ thì cụ thể hơn rất nhiều, và có tăng. Điều đấy có nghĩa rằng nhà nước không quy định rõ quyền quản lý của họ nhưng với những điều cấm họ liệt kê ra thì phạm vi hoạt động của báo chí hẹp hơn.
“Tuy nhiên chúng tôi cho rằng trong bối cảnh báo chí Việt Nam tương đối lộn xộn mà các nhà báo hành nghề chưa có các bản quy tắc đạo đức nghề nghiệp chi phối thì biện pháp đưa ra nhiều điều cấm hơn ở luật báo chí cũng là biện pháp mới hơn.”
…luật đối với họ không phải là công cụ để bảo vệ quyền lợi của người dân.
Blogger Đoan Trang
Chủ tịch Hội đồng Khoa học của MEC cũng giải thích về các điều cấm công dân tiếp cận thông tin, rằng theo ông, điều khoản này dành cho cán bộ công chức nhiều hơn, để giúp họ có cơ sở khi từ chối cung cấp thông tin cho công dân.
“Một người có thông tin sử dụng thế nào là việc của người ta, miễn là việc đấy không xâm hại đến quyền và lợi ích của người khác hoặc tổ chức khác.”
Nhà báo Phan Lợi gợi ý Việt Nam cần có một tổ chức phán quyết về xâm phạm quyền tự do báo chí, “tức là quy định công dân có quyền A, quyền B nhưng ai là người phán quyết”.
Trả lời câu hỏi liệu cơ quan độc lập này nếu có, sẽ đe dọa sự quản lý của chính quyền đối với báo chí, ông Lợi nói: “Tôi nghĩ là có cơ quan độc lập này còn tốt hơn cho chính quyền.
“Bởi vì các phán quyết của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước hiện tại đối với các tranh chấp liên quan đến thông tin đều gây tranh cãi.
“…Đặc biệt là trong trường hợp chính cơ quan nhà nước là đối tượng được báo chí phản ánh thì trong trường hợp ấy Nhà nước lại đồng thời là người phán quyết thì tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi diễn ra.
“Tôi cho rằng có cơ chế độc lập phán quyết như vậy tốt hơn cho nhà nước. Quyết định đúng hay sai thì nhà báo sẽ tâm phục khẩu phục hơn.”
‘Thiếu cụ thể’
Hai ý kiến cùng chia sẻ rằng một số điểm, điều khoản trong cả hai bộ luật cần được cụ thể hóa.
Blogger, nhà báo tự do Đoan Trang lấy ví dụ, “như thế nào là bí mật quốc gia, bí mật quân sự, cơ quan nào là cơ quan được quyền quyết định đâu là bí mật, đâu là thông tin mà báo chí và người dân không thể tiếp cận?”
“Tôi cũng đồng tình với ý kiến rằng các khái niệm được nêu trong hạn chế tiếp cận hoặc cấm, cần phải được cụ thể hóa vì có những thông tin khá trừu tượng. Chứ không thì sẽ có áp dụng tùy tiện trong việc từ chối cung cấp thông tin liên quan tới những cụm từ như vậy,” nhà báo Phan Lợi, quản trị của Diễn đàn Nhà báo trẻ nói.
Hai nhân vật phỏng vấn của BBC dường như cùng quan điểm đối với vấn đề thi hành luật không đồng nhất ở Việt Nam, nhưng trong khi nhà báo Phan Lợi cho rằng Việt Nam đã nhận ra vấn đề này và đưa ra “nhiều biện pháp và chế tài khá mạnh cho việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ của những quy định đã có”, thì blogger Đoan Trang lại có ý kiến khác biệt.
Nhận xét về câu hỏi của BBC về quy định trong Luật tiếp cận Thông tin rằng “mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin,” blogger Đoan Trang tỏ ra không mấy bị thuyết phục.
Chị cho rằng ngay trong giới báo chí với nhau còn không có sự bình đẳng, khi một số tòa báo được các quan chức ưu tiên hơn, “thoáng hơn”, và tuy trên lý thuyết, “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật nhưng thực tế lại không hề như vậy”.
Biên tập viên của trang Luatkhoa.org nói, “luật ở Việt Nam là một chuyện nhưng thi hành luật lại đi một đằng”.
“Luật đối với nhà nước Việt Nam là công cụ để quản lý, làm sao để tạo sự thuận tiện trong công tác quản lý, siết chặt sự tự do của người dân chứ luật đối với họ không phải là công cụ để bảo vệ quyền lợi của người dân.”
Hạnh Ly
BBC Tiếng Việt
(BBC)