Tiền Phong
TPO – Từ vụ 7 bệnh nhân tử vong trong quá trình chạy thận tại bệnh viện đa khoa Hoà Bình, câu chuyện ông Trương Quý Dương, Giám đốc bệnh viện, từng bị kết luận có nhiều sai phạm trong thời gian dài nhưng vẫn “bình chân như vại” cũng đang được dư luận chú ý.
Ông Trương Quý Dương
Liên tiếp sai phạm
Khi còn làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi, Hòa Bình, ông Trương Quý Dương bị cán bộ nhân viên tố cáo về việc chi tiêu phung phí bằng tiền công quỹ và có một số hành vi sai trái khác.
Năm 2001, cơ quan thanh tra vào cuộc, kết luận: Ông Trương Quý Dương vi phạm chính sách về quản lý kinh tế, làm trái quy định, chi tiêu không đúng mục đích, buộc phải bồi thường công quỹ hơn 48 triệu đồng. Ông Dương bị kiến nghị kiểm điểm, xử lý kỷ luật.
Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, ông Dương được điều chuyển lên làm Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và Kế hoạch hoá gia đình (BVSKBMTE & KHHGĐ) tỉnh Hoà Bình. Được một thời gian ngắn, ông Dương lại bị cán bộ, nhân viên Trung tâm này làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.
Cuối năm 2004, Công an tỉnh Hòa Bình điều tra, xác minh theo đơn thư tố cáo, làm rõ một số sai phạm liên quan đến ông Trương Quý Dương. Cụ thể, năm 2002, Trung tâm BVSKBMTE&KHHGĐ bị thâm hụt trên 172 triệu đồng công quỹ do chi dùng sai mục đích, thu vén cá nhân.
Liên quan việc này, bà Nguyễn Thị Toàn – thủ quỹ Trung tâm đã phải nộp trả công quỹ 30 triệu đồng, ông Trần Văn Thắng – cán bộ Trung tâm nộp lại 30 triệu đồng, bà Quách Thị Phúc – kế toán chịu trách nhiệm nộp 40 triệu đồng. Riêng ông Dương bị kết luận “lỡ tay” ký, chi ứng sai nguyên tắc trên 113 triệu đồng.
Sự việc ở Trung tâm chưa được giải quyết xong, ông Dương lại có quyết định cất nhắc lên làm Giám đốc bệnh viện đa khoa Hòa Bình.
Mua thiết bị y tế không rõ nguồn gốc
Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình, nơi xảy vụ 7 bệnh nhân tử vong khi chạy thận.
Theo cơ quan chức năng, ở cương vị Giám đốc bệnh viện đa khoa Hòa Bình, ông Dương tiếp tục tiếp khách, quản lý chi tiêu lãng phí tương tự ở Trung tâm BVSKBMTE&KHHGĐ.
Ông Giám đốc còn bị kết luận không thực hiện công khai tài chính hằng quý, không công khai trong đấu thầu, tự chỉ định thầu mua sắm vật tư trang thiết bị y tế, khiến việc mua bán vật tư, hóa chất tiêu hao quá mức một cách khó hiểu, máy móc chỉ định thầu mua về kém chất lượng. Chẳng hạn, một chiếc máy điện giải đồ trị giá 149 triệu đồng không có tem nhãn, không lý lịch gốc, mới mua về đã hỏng.
Trong công tác tổ chức – nhân sự, ông Trương Quý Dương bị kết luận không lập hội đồng tuyển dụng, tự ý tuyển thêm 15 cán bộ biên chế và ký hợp đồng lao động với 78 trường hợp.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, trong số những người được ông Giám đốc nhận về, có hộ lý làm công việc hằng ngày ở mức độ bình thường lại được xếp lương cao hơn đồng nghiệp; có người thường xuyên vi phạm kỷ luật mà không bị xử lý; có cô hộ lý không có quyết định của bệnh viện, 2 năm tự bỏ nhiệm sở để đi học tại trường Trung học Y tế tỉnh Hoà Bình nhưng vẫn lĩnh lương từ bệnh viện.
UBKT TW đã kết luận kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và thi hành kỷ luật trong đảng đối với Ban Thường vụ và UBKT Tỉnh ủy Hòa Bình trong thi hành kỷ luật đối với đồng chí Nguyễn Luyện, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hòa Bình và xem xét, xử lý những vi phạm của đồng chí Trương Quý Dương, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Kết luận trường hợp đồng chí Dương có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình không xem xét, xử lý. UBKT TW rút hồ sơ để xem xét xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.Trích Thông báo ngày 5/7/2010 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về nội dung kỳ họp thứ 32 của Ủy ban.Xem thêm tại đây.
2 comments
Một bác sĩ vô cảm có thể làm chết một người, một giám đốc bệnh viện không có đạo đức có thể làm chết hàng trăm người khi ông cấu kết với sân sau mua thiết bị y tế không nguồn gốc với giá rẻ.
Lương Y như Kế Mẫu trong thời đại Hồ quang Vinh, đạo đức suy đồi trong một hệ thống đảng trị vô pháp vô thiên là điều tất yếu, nhưng chính nó lại cấu thành hệ thống nhà nước xã nghĩa.