Việt Nam Thời Báo

Hãy đặt mình là công nhân, sẽ hiểu…

Lần đầu tiên có số đông ĐBQH thấy có lỗi với người lao động vì trước đó bấm nút thông qua dự luật Điều 60. Họ cho rằng đã đến lúc cần thay đổi khi chính sách không sát thực tiễn.
Công nhân có tiếng nói riêng
Mấy ngày hôm nay, sau khi ĐBQH thảo luận về tờ trình của Chính phủ theo hướng sửa Điều 60, trên các phương tiện truyền thông tràn ngập những dòng tít: Quốc hội phải xin lỗi người lao động; Quốc hội cần một lời xin lỗi…; Không tước quyền lựa chọn của người dân; Đại biểu Quốc hội thấy “xấu hổ”, có lỗi…chứng tỏ một điều luật đã được thông qua, nhưng không được người lao động có đồng lương thấp, nghề nghiệp bấp bênh.. đồng thuận.
Dù rằng, người lao động ai cũng hiểu Điều 60 thể hiện chính sách an sinh xã hội để người lao động có lương hưu khi hết tuổi làm việc. Nhưng, xin thưa với các ĐBQH còn đang dùng giằng không muốn sửa Điều 60- như lời của ĐBQH Phạm Ý Nhi :“Vì sao luật thể hiện quan điểm tiến bộ mà phải sửa? Nếu sửa thì người hưởng trợ cấp một lần sẽ tăng lên, số người không có lương hưu tăng, làm mất đi sự đúng đắn của chính sách hưu trí và an sinh xã hội…”. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người công nhân lao động, ắt sẽ hiểu vì sao hàng ngàn công nhân đã ngưng việc, xuống đường tuần hành phản ứng Điều 60 vào những ngày cuối tháng 3 vừa qua.
 - 1
Công nhân luôn là đối tượng chịu nhiều vất vả trong xã hội
Con số mà Bộ trưởng Bộ LĐTBXH công bố đã chứng minh điều ấy: Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2006, hàng năm số người lao động hưởng BHXH 1 lần gấp 4,5 lần số người hưởng lương hưu hàng tháng, chiếm tỷ lệ 80% tổng số người được giải quyết chế độ bảo hiểm, đa số là người lao động có thời gian đóng bảo hiểm từ 1 đến 3 năm (chiếm 72%), tập trung vào các khu doanh nghiệp tư nhân, liên doanh, ở các ngành nghề như dệt, may, da giày và khu công nghiệp.
Ông Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nói rằng: Khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Tổng LĐLĐVN đề nghị giữ nguyên điều này, vì để cho người lao động có quyền được lựa chọn, nhưng đa số ý kiến không đồng ý nên dự án luật đã được thông qua. Theo đánh giá về lâu dài, Điều 60 được quy định như tại luật năm 2014 là phù hợp, có lợi cho người lao động vì lĩnh một lần là ít, không có lợi. Nhưng có những người lao động vì hoàn cảnh gia đình, không tiếp tục lao động được nữa và họ cần một khoản tiền để mưu sinh, làm một nghề nghiệp khác. Do vậy, chúng ta phải giải quyết nguyện vọng cho phù hợp.
Theo Điều 60, đối tượng được nhận BHXH 1 lần phải là những người mắc bệnh nguy hiểm như ung thư, bại liệt, lao nặng, phong, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS… và các bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Người lao động cho rằng, nếu quy định như Điều 60 thì công nhân lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp sẽ rất hiếm người “đeo đuổi” để đóng bảo hiểm đủ 20 năm, để được nhận lương hưu. Người công nhân lao động trực tiếp ngoài việc phải chấp nhận thời gian và cường độ lao động rất cao, cộng với chính sách tuyển dụng ngặt nghèo của các chủ doanh nghiệp nên sức khỏe người lao động chỉ phù hợp ở một độ tuổi nhất định, nhất là với lao động nữ.
Hơn nữa, người lao động đa phần chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn từ 1 đến 3 năm, việc gắn bó lâu dài với doanh nghiệp là điều rất khó khăn. Lao động nữ ở tuổi từ 35 trở lên nếu mất việc sẽ là rất khó có cơ hội để xin việc làm ở các doanh nghiệp khác. Ông Trần Thanh Hải- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khẳng định rằng, rất ít công nhân hiện đang làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất có điều kiện để về hưu.
Đồng lương mà người công nhân nhận với người có thâm niên cao lắm cũng chỉ ngót nghét 3,5 triệu đồng, hết thời hạn hợp đồng, đâu phải ai cũng dễ tìm được việc trở lại. Vì vậy, họ muốn nhận BHXH một lần, âu cũng là điều chính đáng.
Chính sách phải sát với thực tiễn
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đến ngày 1.1.2016 mới có hiệu lực thi hành, việc sửa đổi Điều 60 không có gì là khó khăn cả. Nhiều ĐBQH bày tỏ ân hận khi bấm nút thông qua toàn văn luật này, để rồi hàng ngàn công nhân phản ứng. Nói như ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Thực tế không phải ĐBQH nào cũng am hiểu thực tiễn. Phản ứng của công nhân liên quan đến Điều 60 Luật BHXH, theo tôi là một điều tốt. Người lao động không đồng ý với sự áp đặt của chủ trương, chính sách pháp luật. Họ phản ứng để bảo vệ quyền lợi của mình. Chính phủ đã thực sự lắng nghe”.
Bà cũng kể lại câu chuyện của một nữ công nhân đã đóng BHXH được 18 năm, chỉ cần đóng thêm 21 tháng nữa là đủ điều kiện nhận lương hưu. Nhưng, tiền lương hưu chỉ có 943 đồng/ tháng thì có sống được không? Có đủ hấp dẫn với người lao động có mức lương thấp để theo đuổi…được đến ngày được nhận lương hưu?
Tôi còn nhớ, cũng đã lâu lắm rồi, những bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã có lời mời các nhà làm chính sách, chuyên viên Bộ Tài chính hãy đến bệnh viện ngủ một đêm để hiểu hơn công việc của bác sĩ trong ca trực, khi phụ cấp không bằng tiền vá một miếng săm xe máy.
Chính sách không sát thực tiễn, không đảm bảo quyền lợi cho người lao động thì sửa có sao đâu mà phải ngần ngại, đắn đo, cân nhắc. Có thể nói, lần đầu tiên có số đông ĐBQH thấy ân hận, day dứt, xấu hổ, có lỗi với người lao động khi bấm nút thông qua dự luật mà bị người lao động phản ứng quyết liệt đến vậy.
Lê Nguyễn
Khám phá

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo