* Tựa đề do VNTB đặt
VNTB: Sau thời kỳ mở cửa thả người khá thoáng từ cuối năm 2011 đến cuối năm 2013, chính quyền Miến Điện lại bắt đầu chập choạng sa chân vào con đường độc tài cũ. Có thể xem Aung Thaung là trường hợp quan chức Miến Điện đầu tiên mà chính quyền Mỹ phải trừng phạt về hành động chống dân chủ ở quốc gia đang nửa vời về dân chủ này.
Đi sau Miến Điện đến hàng chục năm về dân chủ hóa, giới chính khách Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro cho cá nhân từ dự luật chế tài nhân quyền VN, mang số hiệu HR 4254, đang được vận đông để Quốc hội Mỹ thông qua. Trong mấy tháng qua, một số thành phố ở Mỹ như Garden Grove đã thông qua tuyệt đối HR 4254. Nếu thời gian tới dự luật này được Quốc hội Mỹ chấp thuận, nhiều quan chức VN cả cao lẫn thấp vi phạm nhân quyền sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ và đương nhiên còn bị phong tỏa tài sản ở bất kỳ ngân hàng và tổ chức tín dụng nào mà người Mỹ vươn tay tới.
Trong tâm lý quan chức VN, có lẽ “an toàn tài sản” và “an toàn sinh mạng” là cao cả nhất. Bài học mùa xuân Ả rập là quá đắt giá: chẳng có mấy “lãnh tụ” thoát khỏi bàn tay hồi tố của đám đông dân chúng cuồng nộ.
“Kinh nghiệm” nào đây dành cho giới lãnh đạo VN?
————————–
Hoa Kỳ trừng phạt một dân biểu Miến Điện chống dân chủ hóa
Tổng thống Thein Sein sau cuộc họp với lãnh đạo các đảng phái Miến Điện tại Naypyidaw ngày 31/10/2014.REUTERS/Aung Myin Yezaw
Vì có hành động bị xem là « phá hoại » tiến trình dân chủ, dân biểu Miến Điện Aung Thaung bị Hoa Kỳ đưa vào « sổ bìa đen » những kẻ bị cộng đồng quốc tế tẩy chay.
Trong một bản thông cáo công bố hôm qua, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định « Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ các cuộc cải cách tại Miến Điện liên quan đến dân chủ và hòa giải dân tộc. Tuy nhiên chúng tôi (Mỹ) rất lo ngại khi thấy một số phần tử tìm cách chống lại các nỗ lực này ».
Bộ Tài chính Mỹ cho biết rõ thêm phần tử này là dân biểu Miến Điện Aung Thaung, đã tìm cách cản trở cải tổ chính trị và kinh tế tại Miến Điện và đã can dự vào những vụ « tấn công » đối lập.
Viên chức Mỹ đặc trách trừng phạt quốc tế trong Bộ Tài chính Hoa Kỳ là Adam Szubin, khẳng định Aung Thaung là phạm các tội sử dụng bạo lực, trấn áp, và tham nhũng.
Bị đưa vào danh sách trừng phạt được thông báo vào hôm qua 31/10, tài sản của dân biểu Miến Điện này, nếu có ở Mỹ, sẽ bị phong tỏa. Giới doanh nghiệp và công dân Mỹ bị cấm không được quan hệ làm ăn buôn bán với kẻ bị trừng phạt.
Trong bản thông cáo, Bộ Tài chính Mỹ cẩn thận nhắc rõ là các biện pháp trừng phạt trên đây không liên quan đến chính phủ tại Miến Điện, quốc gia mà Washington tái lập bang giao một cách ngoạn mục sau khi chính quyền quân sự tự giải thể vào năm 2011.
Cũng vào ngày hôm qua 31/10, Tổng thống Thein Sein triệu tập « thượng đỉnh chính trị » tại Naypyidaw giữa các chính đảng và giới tướng lãnh với sự tham gia của lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Kết quả là Quốc hội sẽ thảo luận tu chính bản Hiến pháp 2008 nhất là điều khoản ngăn cấm giải Nobel Hòa bình 1991 ra tranh cử tổng thống.
Đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Tổng thống Thein Sein thúc giục Miến Điện cởi mở thật sự, tổ chức bầu cử 2015 một cách tự do, dân chủ. Tổng thống Miến Điện cam kết sẽ thực hiện.
RFI