Việt Nam Thời Báo

‘Hoàng hôn nhiệm kỳ’: Vài tín hiệu đầu tiên về tách đảng cộng sản?

“Hoàng hôn nhiệm kỳ” là một cụm từ rất mới và “dùng văn học để nói chính trị” mà báo giới nhà nước Việt Nam, trong một cố gắng can dự nhằm thay đổi đời sống chính trị một chiều, đã sử dụng trong thời gian trước đại hội đảng 12 của đảng cầm quyền.

Cựu sĩ quan công an Lê Hồng Hà. Hình Internet
Trong những ngày qua, bài “Thương hiệu chính trị – Khắc tinh của hoàng hôn nhiệm kỳ” đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã thu hút nhiều bình luận của mạng xã hội. Nhưng nội dung và tinh thần của bài báo  này có lẽ còn gây hiệu ứng đặc biệt hơn trong dư luận giới về hưu và công chức ở Việt Nam.
Trong bài báo trên, ông Võ Trí Hảo, Giám đốc Chương trình Tư vấn doanh nghiệp, Công ty Khoa & Associate, giảng viên khoa Luật, Đại học Kinh tế ở Sài Gòn đã nêu ra vài triết lý đáng chú ý:
“Việc pháp luật Hoa Kỳ bảo đảm quyền tự do đảng phái không chỉ là hiện thực hóa quyền tự do chính trị, tự do bầu cử trong Hiến pháp, mà nó còn tạo ra tám hệ quả cho một nền chính trị lành mạnh”.
“Mỗi một sai lầm, thất hứa, tham nhũng của một đảng sẽ là cơ hội vô giá của đảng đối lập; bởi vậy, mỗi đảng phải hết sức giữ mình, và ngay lập tức yêu cầu đảng viên của mình từ chức, kể cả khi họ không vi phạm pháp luật, nhưng không làm cử tri hài lòng”.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn là một trong số khoảng một chục đầu báo có tính phản biện ở Việt Nam, so với hơn 800 tờ báo nhà nước.
Vào cuối năm 2015, Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng được xem là tờ báo nhà nước đầu tiên đề cập thẳng về Công đoàn độc lập, trong bối cảnh Bộ công thương và các cơ quan nhà nước Việt  Nam vẫn như trốn tránh trách nhiệm công bố về định chế đặc biệt thiết thân với quyền lợi công nhân này.
Bài viết “Thương hiệu chính trị – Khắc tinh của hoàng hôn nhiệm kỳ” trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn được cho là mượn chuyện bầu cử ở Hoa Kỳ để gợi suy nghĩ về thời sự theo hướng đa đảng tại Việt Nam.
Năm 2014, một cựu sĩ quan cao cấp của ngành công an là ông Lê Hồng Hà đã đề cập về khả năng thay đổi đảng cộng sản, trong đó có những nội dung:
Ðảng Cộng sản trong 1 – 2 năm tới phải tự sống bằng kinh phí của Ðảng viên. Không thể tùy tiện cắt ngân sách của Nhà nước.
– Trường Ðảng trung ương nên nhập sang Ðại học Hành chính Quốc gia.
– Các Ban của Đảng nên nhập sang các cơ quan tương ứng của Quốc hội và Chính phủ.
– Các ủy viên cấp ủy các cấp nên chuyển sang Hội ðồng Nhân dân và ứng cử vào các cấp ủy ban.
– Các cán bộ về hưu bên Đảng, cứ coi như cán bộ về hưu của viên chức Nhà nước hiện nay.
Như vậy, cuộc biến chuyển không xảy ra đổ vỡ gì lớn.
Đảng Cộng sản chuyển sang là 1 Đảng chính trị tham chính, 1 tổ chức dân sự trong xã hội.
Sẽ không có sự đàn áp, bắt bớ gì trong xã hội cả.
Xã hội vẫn hoạt động 1 cách hòa bình. Không trải qua bạo lực, đổ vỡ.
Đảng Cộng sản sẽ tìm mọi cách ngăn trở các công việc kể trên, nhưng sẽ rất khó khăn.
Cố giữ quân đội cùng đứng khách quan đối với các sự việc trên đây.
Gần đây, bắt đầu xuất hiện xu hướng một số đảng viên về hưu (không loại trừ cả đảng viên đương nhiệm) muốn đưa đảng cộng sản trở về tên cũ là đảng Lao Động, hoặc tách đảng cộng sản thành hai đảng: đảng cộng sản và đảng Lao Động.
Lê Dung / SBTN

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo