Khúc Thừa Sơn
(VNTB) –Sáng 25/ 11/ 2014, tại tầng 2 nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế số 38 Kỳ Đồng Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi sinh hoạt tròn 1 năm thành lập của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam (HPNNQVN). Tại buổi sinh hoạt, HPNNQVN nêu bật lên vấn đề “phản đối bạo hành tra tấn” ở Việt Nam. Đây là một vấn nạn nan giải , nhức nhối và nóng bỏng nhất trong thời điểm hiện tại, và đây cũng có thể là một trong những lý do chính khiến rất nhiều hội đoàn lẫn cá nhân dân sự khác ở nhiều tỉnh thành Việt Nam quan tâm có mặt tham dự.
Một năm nhìn lại của HPNNQVN
Là một tổ chức độc lập, phi chính trị, phi lợi nhận nhằm mục tiêu bảo vệ và phát huy nhân quyền đặc biệt là quyền nữ giới, HPNNQVN đã lên tiếng bảo vệ những người phụ nữ bị xúc phạm nhân phẩm, bị xâm phạm nhân quyền, hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất cho những người phụ nữ là mẹ, vợ và con … của những nhà bất đồng chính kiến bị sách nhiễu và đàn áp, bảo vệ quyền lợi và thúc đẩy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong xã hội và phổ biến kiến thức về nhân quyền, đặc biệt là những phụ nữ không có điều kiện tiếp cận.
Nhìn lại lịch sử, sẽ không ai phủ nhận người phụ nữ Việt Nam luôn đóng một vai trò khá là quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Thế nhưng, người phụ nữ Việt Nam vẫn bị đối xử không công bằng, phải gánh chịu rất nhiều thiệt thòi so với những phụ nữ ở những nước văn minh khác. Nhân ngày tròn một năm thành lập, HPNNQVN nhìn lại một năm qua Hội đã gặt hái được những thành công nhất định qua lời chia sẻ của bà Trần Thị Hài – thành viên trong ban điều hành HPNNQVN: “Mới ra đời đã có nhiều trở ngại trước những hoạt động xã hội dân sự cho nên chị em phụ nữ cần học hỏi rất nhiều, qua việc học hỏi chúng tôi nỗ lực những việc cụ thể cho những phụ nữ Việt Nam vào thực tế cuộc sống, đi sâu vào những nhóm phụ nữ vùng sâu vùng xa kể cả thành phố tuyên truyền quyền của người phụ nữ phải được tôn trọng phẩm chất, quyền tự do trong công việc và đối xử xã hội phải được tôn trọng, giúp đỡ tinh thần và vật chất cho những phụ nữ bị tù tội do đi đòi công lý bị đánh đập bị tù oan sai” .
Bên cạnh những thành công gặt được, HPNNQVN nói chung và các thành viên trong HPNNQVN nói riêng đã gặp không ít khó khăn như mới những ngày đầu thành lập Hội đã bị các thế lực đánh phá quy chụp là tổ chức phản động lập ra để chống Đảng và Nhà Nước Việt Nam, thành viên của Hội bị bạo hành, bị sách nhiễu từ gia đình cho đến công ăn việc làm, đặc biệt nghiêm trọng hơn là bị xâm phạm danh dự và nhân phẩm ở mức độ ngày càng gia tăng và nặng nề hơn. Vì vậy việc phản đối bạo hành tra tấn là công việc bức thiết và cần thiết phải tiến hành ngay nhằm bảo vệ bản thân những phụ nữ là Hội viên của Hội nói riêng và phụ nữ cần giúp đỡ ở Việt Nam nói chung
Phản đối bạo hành tra tấn – hướng đi những năm kế tiếp
Ngày 7/11/2013 tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc ở Hoa Kỳ, đại diện thường trực Việt Nam ông Lê Hoài Trung đã thay mặt chính phủ Việt Nam ký công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác gọi tắt là Công Ước Chống Tra Tấn. Tiếp đến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII hiện tại cũng đang dự thảo thông qua Luật bạo hành tra tấn, cho thấy vấn đề bạo hành tra tấn đang là vấn đề nóng bỏng, nhức nhối và đáng quan tâm nhất hiện nay. Đặc biệt, đây hành động mà các cơ quan công an Việt Nam luôn mắc phải hoặc thường xuyên đem sử dụng cho các nhà hoạt động dân chủ, các phạm nhân ở các trại giam dẫn đến những vụ hành hung, những vụ án oan ngày một nhiều.
Tròn một năm thành lập, HPNNQVN đưa ra khẩu hiệu “Phản đối bạo hành tra tấn” đã nhanh chóng chiếm được sự quan tâm đáng kể của các Hội đoàn dân sự có mặt tham dự. Không chỉ HPNNQVN mà đại diện các Hội đoàn dân sự cũng đưa ra những nhân chứng tiêu biểu cho vấn nạn bạo hành tra tấn trong thời gian gần đây.
Dư luận sẽ chưa quên hình ảnh người phụ nữ có tên Trần Thị Nga ở Phủ Lý Hà Nam – thành viên của HPNQVN vì làm những công việc cổ vũ quyền con người đến người dân nói chung và phụ nữ nói riêng nên bị côn đồ đánh gẫy chân. Đến nay, dù được rất nhiều bạn bè và người dân giúp đỡ lẫn sự chạy chữa của các y bác sĩ nhưng vết thương ở chân bị đánh của chị Nga vẫn chưa lành. Rồi đến việc chị Nga bị những kẻ lạ rải những tờ đơn với nội dung xúc phạm danh dự nhân phẩm kèm những lời đe dọa thoá mạ ngay tại nhà.
Một nạn nhân bạo hành tra tấn khác là ký giả Trương Minh Đức, cách đây không lâu đã bị công an và côn đồ ở Bến Cát Bình Dương chặn đánh không rõ lý do khi ông Đức đang lưu thông trên đường, dẫn đến việc ông Đức bị chấn thương tích nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, có rất nhiều người dân bị chết hoặc bị thương tích liên quan đến ngành công an mà báo chí lẫn các trang mạng loan tải hằng ngày ở Việt Nam. Vấn nạn bạo hành tra tấn ở Việt Nam đang nóng bỏng và quá rõ, và một câu hỏi đặt ra là giải pháp nào khi mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết với quốc tế về công ước chống tra tấn nhưng chủ tịch nước Trương Tấn Sang lại có lời phát biểu Việt Nam sẽ thực hiện công ước chống tra tấn quốc tế phù hợp với luật pháp Việt Nam và hiện tại Quốc hội Việt Nam cũng chưa ban hành luật chống tra tấn?
HPNNQVN cùng nhiều Hội đoàn dân sự có mặt đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tự bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ thành viên trong Hội đoàn của mình rồi đưa đến thống nhất phương cách chung. Riêng HPNNQVN đã nêu những gỉai pháp phù hợp với vai trò người phụ nữ trong thời điểm hiện nay. Bà Hài chia sẻ tiếp “phụ nữ chúng tôi tập trung làm sao đấu tranh với chính quyền Việt Nam để họ thực hiện các kiến nghị mà họ đã ký với quốc tế và luật chống bạo hành tra tấn để hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn bạo hành cha tấn mà chính quyền Việt Nam đã áp dụng với phụ nữ và trẻ em . HPNNQVN sẽ đồng hành với các hội đoàn dân sự về phương pháp đấu tranh cho vấn nạn này”
Buổi sinh hoạt mừng một năm ngày thành lập HPNNQVN kết thúc trong tinh thần đoàn kết nhất trí cao giữa HPNNQVN với các Hội đoàn dân sự khác vì mục tiêu đấu tranh tự do dân chủ cho nước Việt Nam nói chung và chống bạo hành tra tấn nói riêng. Cuối buổi sinh hoạt , HPNNQVN còn đưa ra những hướng phát triển sắp tới của Hội như tuyên truyền kiến thức nhân quyền, mở rộng kết nạp thêm những phụ nữ trẻ có trình độ phù hợp trong các lĩnh vực xã hội để nắm bắt kịp xu thế mới của thời đại nhằm chuẩn bị cho một Nhà nước Việt Nam dân chủ sắp tới. Muốn làm được việc này, từng thành viên HPNNQVN phải làm sao cho các phụ nữ Việt Nam không chỉ ở các tỉnh thành mà còn ở các vùng sâu vùng xa biết được những quyền lợi của mình đang có và tự mình đi đòi khi bị cướp mất chứ không thể chờ đợi từ sự ban ơn hay ban phước của người khác như lời bà Hài chia sẻ.