Việt Nam Thời Báo

Hội thảo “20 năm Văn học miền Nam” – Phần 2

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-12-13

199344-vanhoc-622.jpg
Hội thảo chuyên đề 20 năm Văn học miền Nam tổ chức tại phòng họp của báo Người Việt và Việt Báo ở California, trong hai ngày 6 và 7 tháng 12 năm 2014

Trong hai ngày hội thảo chuyên đề 20 năm Văn học miền Nam tổ chức tại phòng họp của báo Người Việt và Việt Báo đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người tham dự. Một cử tọa gồm 16 cây bút hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật đã mang tới hai buổi hội thảo những sắc tố mới về cách tiếp cận nền văn học đã hầu như bị bỏ quên bởi nhiều lý do. Người trong nước quên, đã đành mà người sống xa tổ quốc cũng gần như quên bẵng miền Nam từng có một nền văn học sống động và đầy những nỗ lực làm mới mặc dù tuổi thọ của nó rất đáng buồn: vỏn vẹn hai mươi năm.

Một nền văn học bất hạnh?


Mở đầu là bài tham luận của nhà phê bình văn học, Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc với những phân tích về một nền văn học mà ông gọi là một nền văn học bất hạnh. Bất hạnh vì bị chế độ mới chà đạp và xem như kẻ thù của nền văn học xã hội chủ nghĩa. Bất hạnh vì bị bỏ quên, bị lăng nhục nhưng nền văn học ấy theo ông vẫn là một nền văn học lớn trong suốt chiều dài của văn học Việt Nam.


Tác phẩm của những tác giả trong 20 năm ấy của miền Nam được Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc trưng dẫn cho người tham dự thấy phần nào tính sáng tạo mà bất cứ một nền văn học nào cũng phải có ngoại trừ nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Sự loại trừ nó một cách đương nhiên của hệ thống dẫn tới nỗ lực của nhiều người đến việc tổ chức hai buổi hội thảo quan trọng này nhằm nhắc nhở cho người đã từng biết về nó cũng như khôi phục lại những di sản văn học qua việc in lại các tác phẩm đã một thời vang bóng.


Việc miền Nam chịu ảnh hưởng của Tây phương đã khiến cho họ đi trước văn chương của miền Bắc đến mấy chục năm. Đó là quan điểm của tôi.

-GS Hoàng Ngọc Tuấn

Trong tham luận của mình nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc tóm gọn vào kết luận tuy chỉ hai mươi năm ngắn ngủi nhưng nền văn học ấy hết sức quan trọng và chính là thước đo cần thiết để thấy rằng sự khác biệt của nó đối với nền văn học miền Bắc là một khoảng cách khó thể phản biện.


Giáo sư Hoàng Ngọc Tuấn có bài tham luận ở một góc nhìn khác. Ông chia sẻ sự phát triển trong hai mươi năm của nền văn học miền Nam qua việc nhìn lại những tác phẩm nước ngoài đã tương tác thế nào đối với nền văn học mà có người bi quan nhìn nó như một sự tha hóa hơn là nhân tố mới có thể sử dụng để bồi đắp cho chính mình. Giáo sư Hoàng Ngọc Tuấn chia sẻ:


“Trong tham luận tôi không đi sâu vào chi tiết bút pháp của các nhà văn hay đi sâu cụ thể vào từng tác phẩm để có cái nhìn chung về sự ảnh hưởng lối viết, suy nghĩ, đường lối sáng tác trong văn học. Ví dụ tiêu biểu thì mình có thể nêu một số người nổi bật như Phạm Công Thiện, Thanh Tâm Tuyền hay Bùi Giáng, những người có thể ảnh hưởng Tây phương nổi bật trong lối viết của họ, đặc biệt cách viết của tiểu thuyết mới ảnh hưởng của Pháp đặt lại vấn đề ảnh hưởng của Tây phương lên văn học của miền Nam lúc đó là tốt hay không tốt.


Ông Nguyễn Hiến Lê trong cuốn “Đời viết văn của tôi” có vẻ phàn nàn về chuyện ảnh hưởng đó. Ông ấy cho là ảnh hưởng không có tốt. Ông cho rằng những dịch phẩm hồi đó rất nhiều nhưng không có dịch phẩm nào có giá trị chỉ được ít năm thì phong trào chìm dần.


Phong trào tiểu thuyết mới thì ông cho rằng tiểu thuyết này thì mới thật nhưng không hấp dẫn vì không có truyện. Rồi phong trào chỉ ồn ào được ít năm nó tới nước mình vì ở Pháp không còn ai nhắc tới… đó là những điều không được chính xác.


Còn ông ấy nói việc ảnh hưởng cái mới của phương Tây thì ông viết rằng sau 5-6 năm hăng say cái mới của phương Tây chúng ta lấy văn minh của họ thì lợi cho ta thì ít mà hại cho ta thì nhiều. Thanh niên thành thị trụy lạc vì phim cao bồi, nhạc Jazz và tạp chí Playboy, đánh mất lý tưởng mà chỉ hưởng lạc… Theo tôi thì nhận định đó không nằm trong phạm vi văn học nữa và ảnh hưởng của văn học Tây phương đối với Việt Nam không phải nằm ở chỗ phim cao bồi, nhạc Jazz hay tạp chí Playboy, vả lại những loại này không phải là chuyện xấu. Chúng ta sống trong một đất nước tự do khi nhìn lại thì thấy nó không có vấn đề gì.


199344-vanhoc1-400.jpg

Quan khách tham dự Hội thảo chuyên đề 20 năm Văn học miền Nam tổ chức tại phòng họp của báo Người Việt và Việt Báo ở California, trong hai ngày 6 và 7 tháng 12 năm 2014. Photo courtesy of Người Việt.

Một số người khác thì có vẻ không quan tâm lắm chẳng hạn như trong cuốn “Tổng quan về văn học miền Nam” của Võ Phiến thì ông có vẻ không lưu tâm lắm về vấn đề dịch thuật vì vậy mình đặt lại vấn đề này để xem có thật sự chuyện đó là không tốt hay không. Tốt hay không tốt nó nằm trong nội dung, còn giá trị văn học nằm trong bút pháp và giá trị của tác phẩm. Quan điểm của tôi thì sự ảnh hưởng ấy nó mang lại cái tốt nhiều hơn và nó khiến cho văn chương thơ cũng như văn ở miền Nam đã thay đổi rất nhiều trong cách viết từ 54 tới 75, trong hai mươi năm đó thay đổi rất nhiều.


Đến mức sau 75 rồi, cả nước thống nhất rồi thì văn học miền Nam so với miền Bắc khác nhau rất xa. Đến năm 86 khi chế độ cộng sản Việt Nam đã mở cửa ra cho toàn quốc được tìm hiểu và “mở cửa ra biển lớn” gì đó thì lúc đó các nhà văn miền Bắc mới bắt đầu viêt văn, làm thơ và chịu ảnh hưởng văn thơ của miền Nam trong những thập niên 60-70.


Việc miền Nam chịu ảnh hưởng của Tây phương đã khiến cho họ đi trước văn chương của miền Bắc đến mấy chục năm. Đó là quan điểm của tôi.”


Nhà thơ Du Tử Lê nhìn 20 năm văn học miền Nam qua nhiều tác giả mà trong đó nét nổi bậc nhất của họ là không bị phụ thuộc vào bất cứ một thế lực nào nằm ngoài lĩnh vực văn học. Người lính cầm bút là một trong những nhận xét tích cực của ông:


“Mặc dù hầu hết anh em đến tuổi động viên hay quân dịch đều ở trong quân đội thế nhưng dù trong quân đội hay không chúng tôi không bị chi phối bởi luật lệ nào của chính quyền cũng như của thượng cấp, đó là cái thứ nhất và tôi cho đây là một điểm đặc biệt cần nói ra. Cái thứ hai là văn học 20 năm có một mảng mà trong bài nói chuyện của tôi có đề cập đến đó là sự đóng góp đáng kể của những cây bút trong quân đội thí dụ như đóng góp của anh Phan Nhật Nam với ký sự hay phóng sự. Tôi thí dụ cái đóng góp của anh Văn Quang hay Nguyên Vũ hay rất nhiều tác giả nữa như anh Tường Linh anh ấy rất nổi tiếng với những bài thơ viết về người lính. Tôi cho rằng nếu chúng ta bỏ quên những cái đó là một điều thiếu sót rất trầm trọng vì nó là một phần của 20 năm văn học miền Nam.”


Nhóm Sáng Tạo


Nói đến 20 năm văn học miền Nam mà không nhắc đến nhóm Sáng Tạo có lẽ là một thiếu sót không thể chấp nhận. Luật sư Trần Thanh Hiệp, thành viên quan trọng của nhóm đã tới buổi hội thảo như một chứng nhân để nói về những nổ lực mà những cây viết trong Sáng Tạo đã cùng nhau hợp sức trong những ngày đầu sau khi miền Nam đóng cánh cửa tại vĩ tuyến 17 không cho nền văn học mà ông cho là một nền văn học nô dịch.


Luật sư Trần Thanh Hiệp cho biết về những năm tháng ấy:


Anh em chúng tôi là những người mang trong mình cái hoài bão tạo dựng nên một nước Việt Nam mới và hoài bão ấy đã được thể hiện trong tờ Sáng Tạo.

-LS Trần Thanh Hiệp

“Thời gian chính thức hoạt động của Sáng Tạo là từ tháng 10 năm 1956 cho đến giữa năm 61 thì chúng tôi đình bản. Thời gian trong 5-6 năm đó không đủ để làm việc gì to lớn nhưng nếu bây giờ tính sổ thì tôi cũng xin phép nhắc lại vài điều mà chúng tôi đã cụ thể thực hiện được còn rất nhiều điều khác chưa làm và vẫn còn nằm trong mơ ước của anh em chúng tôi. Tôi xin nói việc cụ thể thứ nhất, là chúng tôi có một ý chí và có một số những lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là chúng tôi làm mới lại văn hóa nghệ thuật, văn học nghệ thuật tại miền Nam để thay thế nền văn nghệ của cộng sản miền Bắc đó là một điều rõ ràng chúng tôi nuốn làm mới lại và muốn đổi hẳn, bác bỏ hẳn cái nền văn nghệ gọi là xã hội chủ nghĩa hiện thực nhưng kỳ thực là một nền văn nghệ nô dịch ở miền Bắc và vì vậy miền Nam phải có một nền văn nghệ tự do dân chủ.


Cái tự do dân chủ đó chúng tôi trực cảm thấy trong hoàn cảnh lúc ấy cũng như quan sát trong đời sống xã hội với nhân dân trong xã hội để tìm ra hình ảnh của tự do và cho mọi người cùng rung cảm với chúng tôi cái sự tự do đó và coi tự do đó là một giá trị tuyệt đối trên cuộc đời này và nó cần dân chủ để có đất sống.


Điểm rõ rệt nhất mà chúng tôi đã làm được đó là chúng tôi nhất định chống lại nền văn nghệ toàn trị của cộng sản miền Bắc. Điềm thứ hai là chúng tôi khơi mở những rung cảm mới để thực hiện một nền văn nghệ tự do thực sự chưa được hiện rõ tại miền Nam Việt Nam. Điều thứ ba chúng tôi đã thực hiện những điều đó bằng những sáng tác về văn, thơ. kịch hay hội họa… chúng tôi cổ võ cho việc phải thay đổi văn phong, cách sáng tác. Chúng tôi tìm kiếm những nguồn tư tưởng hay nguồn rung cảm nào giúp cho mình đổi mới được cái văn phong của những nhà sáng tác Việt Nam thì đó là điều mà chúng tôi đã thực hiện được. Anh em chúng tôi là những người mang trong mình cái hoài bão tạo dựng nên một nước Việt Nam mới và hoài bão ấy đã được thể hiện trong tờ Sáng Tạo.”


Nói về những hoạt động xuất bản và phát hành sách tại miền Nam trong những năm ấy nhà văn Phạm Phú Minh cho người tham dự cái nhìn toàn cảnh về những gì mà hệ thống phát hành sách cũng như xuất bản đã thể hiện.


Những bài tham luận của các tác giả nữ cũng không kém phần đa dạng qua nhiểu góc nhìn khác nhau về nền văn học được cho là không hề thiếu sự đóng góp của những nhà văn nữ. Trang Đài Glassey với đề tài “ảnh hưởng của văn học miền Nam đối với các thế hệ trưởng thành sau năm 1975”, Trịnh Thanh Thủy với “ý thức nữ quyền trong tác phẩm của các nhà văn nữ từ 54-75.” Đặng Thơ Thơ với “khái niệm mẹ và di sản cho con trong một số tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh, Nhã Ca, Trùng Dương”… Đinh Từ Bích Thúy tiếp cận vấn đề giới tính và chính trị trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc.


Mỗi người một cách nhìn, một lối tiếp cận nhưng tính đa dạng của hai buổi hội thảo là rõ rệt và đáng trân trọng từ nỗ lực của ban tổ chức là hai tờ báo lớn: Người Việt và Việt Báo cũng như sự phối hợp của hai trang mạng văn học rất nổi tiếng hiện nay là Tiền Vệ và Da Màu.


20 năm văn học miền Nam thật ra vẫn âm ỉ sống trong trí nhớ nhiều người nhưng chính hai buổi hội thảo này mang đến cho những người từng biết nó cảm giác của người thân về lại căn nhà cũ nay đã rêu phong nhện giăng tứ phía. Những mạng nhện quá khứ ấy nếu được dọn sạch có lẽ sẽ hiện ra một viên gạch văn học tươi chong đỏ thắm, viên gạch đầu tiên lót đường cho một thời kỳ đáng trân trọng trong suốt chặng đường lịch sử văn học Việt Nam.


RFA

Tin bài liên quan:

Ông Nguyễn Thanh Chấn nộp 100 loại giấy tờ để chờ bồi thường

Phan Thanh Hung

Khởi tố vụ gỗ lậu bị nghi của Công ty Đại Nam: Bình Dương ‘vu hồi” Dũng ‘lò vôi’?

Phan Thanh Hung

VNTB- Dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi): Tiền là “kim bài miễn tử”?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo