Kế hoạch thoái vốn ngoài ngành vẫn chậm so với kế hoạch đã đề ra khi cả năm 2015 các đơn vị mới thoái được gần 5.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 20.000 tỷ đồng, như vậy vẫn còn hơn 15.000 tỷ đồng chưa được thoái.
Tại cuộc họp tổng kết năm 2015 diễn ra chiều 30/12, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, năm 2015 các đơn vị mới thực hiện thoái vốn khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản và quỹ đầu tư) với tổng vốn hơn 4.975 tỷ đồng.
Như vậy, số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực kể trên cần phải thoái tiếp lên đến hơn 15.000 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân khiến tiến độ thoái vốn chậm so với kế hoạch đề ra, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, một phần do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán làm cho nhu cầu sụt giảm.
Theo đó, kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các doanh nghiệp cổ phần hoá không đạt được kế hoạch đề ra, tỷ lệ bán thành công thấp, nhiều doanh nghiệp sau khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng vẫn còn số lượng vốn nhà nước lớn.
Trong khi đó doanh nghiệp phải thoái một lượng vốn lớn trong khoảng thời gian nhất định vì vậy ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn của doanh nghiệp.
Về tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tính tới hết tháng 11, số lượng doanh nghiệp đã cổ phần hóa là 173 đơn vị trên tổng số 289 đơn vị chưa cổ phần hóa trong năm 2015.
Tính chung trong giai đoạn từ năm 2011 tới năm 2015, số doanh nghiệp đã thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa là 422 đơn vị, đạt khoảng 78% kế hoạch.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, nguyên nhân tiến độ chậm như trên một phần do nhận thức của cán bộ cấp , ngành và các doanh nghiệp chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế, xã hội. Điều này khiến tại nhiều nơi, lãnh đạo chưa thật sự quan tâm, tập trung triển khai.
Tại cuộc họp Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo cần tiếp tục đẩu mạnh cổ phần hoá, thoái vốn ngoài ngành trong thời gian tới để nâng cao quản trị doanh nghiệp Nhà nước.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị thoái vốn ngoài ngành tiếp tục triển khai một cách “trật tự”.
Trước đó, Phó Thủ tướng trong kết luận tại hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 2015 từng đánh giá, một số bộ ngành, địa phương tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm.
Một số cơ chế, chính sách về tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được ban hành chậm so với kế hoạch. Việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn chưa kịp thời.
Trong đó, các đơn vị thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa còn chậm như: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. UBND các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Nam Định, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ninh, Tây Ninh, Đồng Tháp, Yên Bái, An Giang, Tiền Giang.
Do đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo, cần có giải pháp quyết liệt hơn để hoàn thành kế hoạch, xác định nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể, cá nhân không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa.
Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ đạo, tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo lộ trình hợp lý, không thoái vốn bằng mọi giá.
Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, càng để lâu càng mất vốn nhà nước thì lãnh đạo doanh nghiệp cần sớm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để xử lý ngay.
Theo bizlive