Hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được, theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng vừa được Thanh tra Chính phủ hoàn thiện (để làm cơ sở cho các cơ quan thẩm định dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sắp trình Quốc hội).
Theo báo cáo này thì trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là 59.750 tỉ đồng và trên 400 héc ta đất; nhưng số tiền đã thu hồi cho nhà nước chỉ là 4.676 tỉ đồng (7,8%) và hơn 219 héc ta đất (54,7%).
Việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp là do việc điều tra án tham nhũng phức tạp và khó khăn, phải có thời gian để tổ chức xác minh, thu thập chứng cứ, giám định, chứng minh tội phạm. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản…
Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận các cơ quan chức năng chưa quyết liệt, triệt để trong việc kê biên, xử lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; một số vụ án gặp khó khăn khi phải thu hồi tài sản ở nước ngoài…
Báo cáo thừa nhận công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém; hiệu quả phát hiện vụ việc tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa cao; các cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế, không đủ để làm rõ hành vi tham nhũng trong trường hợp đã phát hiện dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.
Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở; nhiều vụ việc, vụ án có quy mô lớn chậm được phát hiện, khi phát hiện thì chậm được làm rõ, kết luận và xử lý. Công tác giám định tư pháp còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, có một số trường hợp tội phạm tham nhũng nhưng cho hưởng án treo chưa đúng với quy định của pháp luật.
Do đó, Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng kiến nghị sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng theo hướng tạo hành lang pháp lý để kịp thời phát hiện và xử lý tham nhũng hiệu quả hơn.
Liên quan đến với việc phát hiện, xử lý tham nhũng, báo cáo cho biết toàn ngành thanh tra đã triển khai 93.696 cuộc thanh tra hành chính, 834.640 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và đã phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nên đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 8.234 tập thể, 33.722 cá nhân; kiến nghị thu hồi 142.160 tỉ đồng, 993.978 đô la Mỹ và 51.515 héc ta đất; chuyển cơ quan điều tra 752 vụ, 1.143 đối tượng.
Ngành thanh tra cũng đã phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan là 1.022 tỉ đồng, 73,6 héc ta đất; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Đồng thời, qua giải quyết 86.463 vụ việc tố cáo về tham nhũng thuộc thẩm quyền đã chuyển cơ quan điều tra 653 vụ việc với 1.172 người có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.
Riêng Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 187.530 tỉ đồng, chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý tổng số 477 vụ việc (trong đó chuyển cơ quan điều tra 73 vụ với 159 người có hành vi tham nhũng).
Theo đó, các cơ quan chức năng đã khởi tố 2.530 vụ án tham nhũng với 5.447 bị can; truy tố 2.959 vụ với 6.935 bị can; xét xử 2.628 vụ với 5.870 bị cáo./.
|