Hồng Kông: Câu hỏi cho tuổi trẻ sinh viên Việt Nam

Thiên Điểu
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Phép thử

Thời gian này, cả thế giới chăm chú nhìn tới đảo quốc Sư tử bởi cuộc biểu tình dù do sinh viên Hồng Kông phát động. Sự quan tâm của thế giới không đơn giản chỉ vì độ nóng và các diễn biến của nó liên quan phong trào dân chủ mà điều quan tâm lớn nhất chính là sức ảnh hưởng của nó và thái độ của chính quyền Trung Quốc.

Sau khi Hồng Kông được trao trả về cho Trung Hoa đại lục theo Hiệp ước đã ký kết với Anh quốc, từ một đảo quốc về danh nghĩa là thuộc địa nhưng lại sống trong thể chế chính trị dân chủ, trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn bậc nhất nhì thế giới với nền kinh tế phát triển vượt bậc. Hồng Kông trở về với Trung Quốc là trở về với đất mẹ từ năm 1997. Việc thay đổi thể chế cầm quyền, sau 17 năm từ dân chủ chuyển qua phải lệ thuộc, chịu sự chi phối của một chế độ độc tài đảng trị dưới danh nghĩa là chế độ cộng sản là chính quyền Bắc Kinh, đặt ra cho người dân Hồng Kông những thiệt thòi vô cùng lớn.

Không chỉ phải chia sẻ quyền lợi kinh tế với Trung Quốc, các quyền lợi về chính trị cơ bản cũng bị hạn chế và có nguy cơ bị áp đặt hoàn toàn là lý do chính khiến đại đa số người dân Hồng Kông bức xúc. Việc áp đặt chính sách bầu cử do nhà nước trung ương Trung Quốc chỉ định đối với vị trí lãnh đạo ở Hồng Kông chỉ là một nguyên nhân trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình dữ dội suốt một tuần nay. Chính quyền Trung Quốc đã công khai tước đoạt quyền bầu cử dân chủ của người dân Hồng Kông. Người dân Hồng Kông vốn quen cơ chế chính trị dân chủ đã ngay lập tức nhận thức thấy mối nguy hiểm và nguy cơ bị tước đoạt các quyền con người vốn có nên lựa chọn phản kháng thay vì chờ đợi, tin vào các lý giải lừa mị, hứa hẹn của chính quyền Trung Quốc.

Cuộc biểu tình là phép thử đối với chính quyền Trung Quốc về minh chứng cho chính sách cải cách thể chế và “trỗi dậy hòa bình” mà Trung Quốc đang rêu rao. Nó cũng là phép thử cho người Hồng Kông về thách thức chính trị khó khăn nhất là quyết định dung hòa, chấp nhận hay kiên quyết bảo vệ những gì họ đã có và đang có.

Liều thuốc kích thích

Nhìn từ Việt Nam, cũng là đất nước mang danh nghĩa cộng sản, cũng một cách thức bầu cử và chính sách quản lý độc tài đảng trị, mất dân chủ, người dân Việt Nam đã quá quen với cam chịu và chấp nhận. Vì vậy những người đã và đang mong muốn được sống trong chế độ dân chủ nhìn vào Hồng Kông như một liều thuốc kích thích. Mong muốn sinh viên và người dân cùng học theo Hồng Kông đứng lên giành lại quyền con người, quyền dân chủ… Điều đó không có gì lạ và cũng hoàn toàn tự nhiên. Nhất là khi ai cũng hiểu phong trào dân chủ ở Trung Quốc nói chung và Hồng Kông nói riêng cũng là một yếu tố cơ hội cho Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn như thói quen muôn thuở thường thấy, những người cổ vũ cho dân chủ ở Việt Nam vẫn loay hoay với than thở: tại sao sinh viên Việt Nam chưa thức tỉnh? Tại sao phong trào dân chủ Việt Nam chưa mạnh, chưa đủ sức?.v.v. Vài người thì nôn nóng, những muốn hô hào sinh viên Việt Nam học theo sinh viên Hồng Kông một bước đứng lên. Tuyệt nhiên không thấy có ai đặt ra câu hỏi: Sinh viên Việt Nam đứng lên bằng gì? Đứng lên thế nào?…

Đấu tranh dân chủ là một hoạt động xã hội, giành lại quyền lợi cho toàn xã hội trong đất nước và cho từng cá nhân mỗi người. Nó xuất phát từ ý thức và nhận thức chứ không phải bởi những yếu tố khách quan. Yếu tố khách quan chỉ đóng vai trò dẫn dắt, tập hợp, khơi dậy ý thức.

Nhìn lại phong trào sinh viên Hồng Kông. Nó được hình thành bởi nhận thức vốn có từ cả trăm năm sống trong chế độ dân chủ. Sinh viên Hồng Kông được sinh ra, lớn lên trong môi trường đó, được gia đình và cả xã hội ủng hộ, giáo dục, được các nhà tổ chức, lãnh đạo đứng phía sau hậu thuẫn cả về tài chính lẫn tinh thần. Họ có cả một hệ thống tổ chức bài bản, thống nhất. Cả hoạt động lẫn chiến thuật đều được hoạch định kỹ càng, có sức lôi cuốn, tạo được sức tác động mạnh mẽ rất rõ rệt. Nhìn lại sinh viên Việt Nam có gì?

Việt Nam có gì?

Về tri thức, sinh viên Việt Nam được học, được giáo dục bằng một nền khoa học mà nhân loại đã bỏ đi từ 50-70 năm về trước. Về nhận thức, sinh viên Việt Nam được cha mẹ, thân thuộc dạy cho những bài học, những so sánh về một thời khốn khổ, đói nghèo từ 80-100 năm về trước. Khi mà cha ông họ phải làm thuê cuốc mướn, chỉ biết cúi đầu kiếm miêng ăn mà không nghĩ ra được cách đào bới tài nguyên, khai phá đất đai để làm giàu, khi mà con người phải tự trồng bông dệt vải để mặc thay cho mảnh vỏ cây che thân của thời nguyên thủy,..

Ngày nay, người dân Việt Nam có được miếng cơm ăn bằng cách cặm cụi làm việc để nhận lấy đồng tiền công. Phấn đấu bằng cách khoanh tay vâng dạ, luồn cúi để thăng quan tiến chức, mong tìm cơ hội quay lại móc túi anh em dòng họ xa gần của mình để giành cái sang giàu cho bản thân. Thói quen sống ích kỷ, vô tư hưởng thụ từ công sức lao động cực khổ của cha mẹ nuôi mình ăn học không dạy cho họ cách nhìn thấy thế nào là công bằng, thế nào là dân chủ, thế nào là chính đáng và không chính đáng. Từ đó, họ tự bằng lòng với cái bảo bọc sẵn có hoặc nghĩ cách làm sao được thỏa mãn nhiều hơn chứ không cần nghĩ đến hi sinh để tự mình có được.

Về phía các tổ chức xã hội dân sự, có nhận thức, có nhiệt tình nhưng lại không đủ thân thiện để tạo cảm tình, kết nối. Không có đối sách tạo được các hoạt động đủ sức lôi cuốn, khơi dậy nhận thức nên không tập hợp được sức mạnh và không tạo được sức cuốn hút, chú ý cần thiết đối với sinh viên. Các hoạt động chỉ tập trung vào việc truyền bá kiểu giáo điều, lý thuyết, thiếu giá trị trực quan…, thứ mà thế hệ trẻ ngày nay và cả đông đảo các tầng lớp nhân dân vốn đã nhàm, đã chán không muốn nghe, thành thói quen nên không biết, không hiểu được tính hiện thực của dân chủ.

Thèm muốn thức tỉnh

Biểu hiện thèm muốn có một thức tỉnh ở Việt Nam như Hồng Kông thực ra là thể hiện cái bất lực trong tổ chức phong trào dân chủ. Không hẳn là phản ánh thái độ bàng bàng quan của sinh viên Việt Nam nói riêng mà cả lớp trẻ Việt Nam nói chung. Nhìn vào các hoạt động phong trào được rất nhiều thanh niên, sin viên hưởng ứng – cho dù là có cả yếu tố bắt buộc – thì chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng: Thanh niên, sinh viên Việt Nam luôn có mong muốn tham gia vào những cái mới, sẵn sàng dấn thân khi sự dấn thân ấy được xác nhận bằng niềm tin sẽ đem lại chiến thắng, đem lại quyền lợi thiết thực. Nên chăng hãy thay các khẩu hiệu kêu gọi bằng các hoạt động chất lượng hơn, có sức cuốn hút mạnh mẽ hơn để thanh niên, sinh viên, học sinh Việt Nam hiểu rõ sức mạnh và vai trò của họ hơn?

Hãy tự đặt câu hỏi: Tại sao mình có nhiệt tình, mình thức tỉnh nhưng người khác lại không? Trả lời được câu hỏi hỏi đó chính là chìa khóa để có một Hồng Kông ở Việt Nam đối với các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam.

Về phía các bạn sinh viên và tất cả các bạn trẻ Việt Nam, hãy thử trả lời câu hỏi: Sinh viên Hồng Kông làm vậy để làm gì? Họ vì điều gì và sẽ được gì?… Chính là kết quả giải đáp cho so sánh: Sinh viên Việt Nam thua sinh viên Hồng Kông chỗ nào? Nên học hỏi gì ở phong trào sinh viên Hồng Kông?

Thắng hay bại thì phong trào sinh viên Hồng Kông cũng sẽ đi vào lịch sử, sẽ tác động và thay đổi cục diện chính trị và tương lai của Trung Quốc. Vài câu hỏi nhỏ tự đặt ra, nếu được trả lời thỏa đáng của thế hệ trẻ Việt Nam sẽ quyết định tương lai chính họ và cả đất nước sau này.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)