Tháng 6-1923, tờ La Voix Annamite đăng một bài về kế hoạch của chính quyền cho một tập đoàn Pháp của nhiều nhóm lợi ích tài chính thuê mọi dịch vụ có liên quan đến cảng thương mại Sài Gòn – Chợ Lớn trong 15 năm.
Kế hoạch này được gọi là “dự án Candelier” theo tên của vị kỹ sư công chánh đứng đầu tập đoàn. Báo chí Sài Gòn thể hiện dự án Candelier như là nguy cơ cho những lợi ích sống còn của dân tộc và họ đã hợp sức chống lại.
Kêu gọi chống lại dự án độc quyền
Cảng Sài Gòn bao trùm 37km bờ sông cùng hai con kênh nối liền dòng sông với trung tâm Chợ Lớn. Cảng này dưới quyền quản lý chung của chính quyền thuộc địa, chính quyền Sài Gòn và phòng thương mại, với các đại diện Pháp và Việt Nam hỗn hợp trong hội đồng thương cảng.
Hợp đồng thuê sẽ cho tập đoàn tư nhân kia được độc quyền chiến lược trên mọi hàng hóa thương mại vận chuyển ra vào Nam kỳ.
Như tờ La Tribune Indigène giải thích, quyền kiểm soát thương cảng không phải là chuyện nhỏ: “Lúa gạo và mọi sản phẩm nông nghiệp của ta đều đi qua cửa ngõ này. Từ quan điểm kinh tế đơn thuần, ai kiểm soát thương cảng này là sẽ làm chủ toàn bộ Nam kỳ”.
Báo chí Sài Gòn thể hiện dự án Candelier như là nguy cơ cho những lợi ích sống còn của dân tộc, những lợi ích rõ ràng là tách bạch với lợi ích của nhà nước thuộc địa. Tin tức tường thuật lên tới cao điểm mới khi hợp đồng tai tiếng đó được trình lên hội đồng quản hạt để họp bàn chính thức vào tháng 11.
L’Écho Annamite |
Nguyễn Phan Long, chủ nhiệm của tờ L’Écho Annamite trước đây, đã phát biểu vào ngày 28-11-1923 vạch rõ những ẩn ý chính trị của hợp đồng này: “Sự độc quyền chính thức mà Tập đoàn Candelier tự tiện áp đặt lên chúng ta [người Việt Nam], trong hoàn cảnh đô hộ về chính trị mà chúng ta đang phải chịu, sẽ biến chúng ta thành nông nô kinh tế”.
Ðúng là khác thường đối với một người nổi tiếng ôn hòa, Nguyễn Phan Long nói tiếp bằng những lời lẽ đầy kịch tính: “Tôi thỉnh cầu quý vị hãy biểu quyết chống lại kế hoạch này, một kế hoạch được tính toán để khuất phục giống nòi chúng ta. Thay vì thế, chúng ta nhất định phải rộng mở mọi ngả đường cho tương lai”.
Những ngày trước khi biểu quyết thông qua dự án đó là những ngày xung đột dữ dội trên mặt báo giữa những người ủng hộ độc quyền – được gọi là phe monopolars hay phe Candelieristes – và những người chống độc quyền – phe antimonopolars. Sau kết quả biểu quyết có thể đoán trước của hội đồng quản hạt là ủng hộ dự án này với đa số 14 phiếu thuận trên 7 phiếu chống vào ngày 1-12, hành động của phe chống “nhóm lợi ích” đã lên tầm cao mới.
Phân chia chiến tuyến trên mặt báo
Các nhóm Pháp có khuynh hướng tự do, các nhóm lợi ích kinh doanh Hoa kiều và giới trí thức người Việt cùng hợp sức chống lại dự án này. Chẳng có mấy tờ báo của người Việt lại ủng hộ dự án này. Các tờ khác như Nông Cổ Mín Ðàm, Công Luận Báo và Nam Kỳ Kinh Tế Báo… cùng chọn lập trường kiên quyết chống đối.
Cuộc tranh cãi ở hội đồng quản hạt cho thấy rõ sự chia rẽ chính trị không ngừng giữa một nhóm nhỏ người Việt ủng hộ dự án Candelier và đại đa số phản đối nó. Nhóm trước chủ yếu bao gồm những người đã có địa vị kinh tế – và lệ thuộc chính quyền – như ủy viên hội đồng Diệp Văn Cương và nhà kinh doanh xuất bản Nguyễn Văn Của, những người đã ủng hộ Oudrey trong cuộc bầu cử député (dân biểu) năm 1919.
Nhóm thiểu số người Việt ủng hộ độc quyền này tìm được thủ lĩnh: Lê Quang Trình, bác sĩ Việt Nam đầu tiên của cả nước do Pháp đào tạo. Ðược chính quyền tài trợ, Lê Quang Trình cho ra tờ báo riêng Le Progrès Annamite vào tháng 3-1924 và báo này trở thành tiếng nói của phe ủng hộ chính quyền trong làng báo Sài Gòn.
Nhóm Lập hiến cùng những đồng minh người Pháp tự do đã phản công bằng những cách thức vận động mới, chẳng hạn như phân phát truyền đơn và mittinh quần chúng. Dùng tờ La Tribune Indigène, nhóm Lập hiến lãnh đạo những người bản xứ đối lập chống độc quyền.
Trong phe antimonopolars ban đầu có nhiều thành viên được kính nể của giới đặc quyền đô thị miền Nam, những người trước giờ tuyên bố là phi chính trị, như các bác sĩ Nguyễn Văn Thinh và Trần Văn Ðôn, kỹ sư Lưu Văn Lang và đốc phủ sứ Nguyễn Ðình Trị.
Theo các báo cáo của Sở Liêm phóng, nhiều tập sách nhỏ vô danh lưu hành trong giới công chức người Việt, một số cuốn còn gửi tới ngay văn phòng thống đốc. Nhiều hành động tự phát khác bao gồm bích chương bằng tiếng Việt dán trên nhiều đường phố Sài Gòn hay tin đồn lan truyền ở các tỉnh rằng vụ độc quyền thương cảng này là khúc dạo đầu để thôn tính hết lúa gạo miền Nam.
Những chủ bút can trường
Ðiều đặc biệt đáng chú ý về vụ cảng Sài Gòn là sự quả quyết chưa từng có trong sức mạnh chính trị của dân chúng Việt Nam. Ðiều này được cảm nhận sâu sắc nhất trong cách chỉ đạo nội dung của tờ Công Luận Báo, tờ báo quốc ngữ phổ biến nhất thời đó.
Chủ của tờ Công Luận Báo là Lucien Héloury, người bí mật ủng hộ Cognacq. Ông ta đã bán lại tờ báo này cho một công chức ủng hộ chính quyền là Hérisson vào tháng 11-1923. Có lẽ vì một thỏa thuận tài chính hay bị hăm dọa, Héloury đã rụt rè phản đối đường lối chống độc quyền của ban biên tập tờ báo.
Lúc đầu, cố giữ cho ban biên tập nổi tiếng của tờ Công Luận Báo đừng ra đi, Hérisson kêu gọi họ tránh đề cập tới đề tài này. Khi vụ cảng Sài Gòn ngày càng tệ hại, chủ bút Huỳnh Văn Chính và cây bút trợ lực Nguyễn Háo Vĩnh quyết định ra đi.
Trong lúc đó, được hội đồng của thống đốc khích lệ và được những người làm báo thân chính quyền Nguyễn Văn Của và Lê Hoằng Mưu trợ giúp, Hérisson điều chỉnh lại chủ trương biên tập của Công Luận Báo để có lợi cho vụ độc quyền này.
Kết quả của chuyện tái định hướng nội dung ấy là doanh số sụt giảm ngay lập tức sau khi các tờ báo chống độc quyền kêu gọi người đọc tẩy chay Công Luận Báo. Vài tờ báo có đăng bài vở ủng hộ độc quyền cũng thấy số phát hành sụt giảm theo.
Sau cùng, Hérisson buộc phải bán tờ báo cho một người Pháp có khuynh hướng tự do hơn, biệt danh là Colonel Sée. Người chủ mới lại mời Huỳnh Văn Chính quay về làm chủ bút. Khi Huỳnh Văn Chính nắm quyền biên tập trở lại, Công Luận Báo tiếp tục chiến dịch chống Cognacq và vụ độc quyền thương cảng. Tờ báo lập tức lấy lại danh tiếng trước đây.
Khi hợp sức đứng sau một tờ báo nào đó, công chúng Việt Nam đã chứng tỏ tầm quan trọng của mình như một tác nhân của môi trường đấu tranh công khai ở Sài Gòn.
Vụ cảng Sài Gòn đã làm nổi bật một cách làm báo chính trị mới, điển hình rõ nhất là tờ báo cấp tiến Nam Kỳ Kinh Tế Báo và tờ La Cloche Fêlée. Cuối năm 1923, Nguyễn Háo Vĩnh rời tờ Công Luận Báo vì bất đồng với Hérisson về vấn đề độc quyền thương cảng.
Quyết tiếp tục đấu tranh chống chính quyền, Vĩnh mua lại tờ Nam Kỳ Kinh Tế Báo vào tháng 11. Còn được biết dưới cái tên Hồ Tất Liệt, ông là người yêu nước về văn hóa và là một trong những người Việt đầu tiên kết hợp tầm nhìn quốc tế vào cách phản biện chống thực dân.
Dưới sự dẫn dắt của nhà báo Nguyễn Háo Vĩnh, Nam Kỳ Kinh Tế Báo phát động một chiến dịch không nương tay chống lại vụ độc quyền thương cảng, chiến dịch này dần dần biến thành một chương trình chính trị toàn diện trên cả nước.
Vì lập trường kiên định chống độc quyền thương cảng, tờ Nam Kỳ Kinh Tế Báo bị chính quyền thực dân đóng cửa ngày 21-2-1924.
Nhiều ký giả trẻ khác trở nên những nhân vật nổi tiếng nhờ hoạt động của họ trong vụ cảng Sài Gòn, chẳng hạn như Dejean de la Bâtie là dân Tây lai, Nguyễn Háo Vĩnh, Lâm Hiệp Châu, Cao Văn Chánh và Cao Hải Ðể.
Hấp dẫn bởi hình ảnh của các ký giả này, nhiều thanh niên đô thị – một số còn đang đi học – đã mua báo của họ và tham gia các cuộc mittinh phản đối dự án Candelier.
Theo Tuổi Trẻ