Việt Nam Thời Báo

IQ cao thứ nhì, Việt Nam vẫn phụ thuộc Trung Quốc?

Chỉ số IQ của người Việt ở mức 96, cao hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực và cao hơn mức bình quân Đông Nam Á (91,3).

IQ đứng thứ 2 Đông Nam Á, VN chọn phụ thuộc Trung Quốc?

Thông tin này được đưa ra trên trang ASEAN DNA (sở hữu và điều hành bởi Đại học Thammasat – trường đại học danh tiếng của Thái Lan) vừa thống kê một khảo sát từ nghiên cứu của ông Richard Lynn, Giáo sư danh dự ĐH Ulster (Anh) về chỉ số thông minh (IQ) của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.


Trọng tâm trong luận điểm của cuốn sách IQ and the Wealth of Nations (IQ và sự giàu có của Các quốc gia) là một bảng dữ liệu mà Richard Lynn (Giáo sư danh dự về Tâm lý học của Đại học Ulster, Bắc Ireland) và Tatu Vanhanen (Giáo sư danh dự về Khoa học Chính trị tại Đại học Tampere, Phần Lan) cho là chỉ số thông minh (IQ) trung bình của các quốc gia trên thế giới. Tác giả chỉ ra mối liên hệ giữa chỉ số IQ trung bình và thu nhập trung bình đầu người.

Theo đó, chỉ số IQ của người Việt ở mức 96, cao hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực (chỉ sau IQ của người Singapore là 103), và cao hơn mức bình quân Đông Nam Á (91,3).

IQ của người Malaysia và Brunei đứng thứ 3 Đông Nam Á, với điểm số 92. Người Thái đứng thứ 4 với IQ đạt 91. Kế tiếp là Lào, Campuchia và Indonesia với IQ đạt mức 89. Đứng cuối danh sách của ASEAN là Myanmar và Philippines với 86 điểm.

Người Mỹ và người Trung Quốc có IQ nhỉnh hơn người Việt một chút, với mức điểm 98. Người Hàn Quốc sở hữu IQ khá cao – 106 và IQ của người Nhật là 110.

Trong một số trường hợp, GDP thực tế không tương xứng với dự đoán của họ về chỉ số IQ. Các tác giả lập luận rằng điều này là do sự khác biệt về nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như việc quốc gia đó có nền kinh tế “kế hoạch” hay nền kinh tế “thị trường”. Ví dụ, theo các tác giả thì Qatar chỉ có chỉ số IQ trung bình là 78 song lại có GDP bình quân đầu người thuộc loại cao nhất thế giới, các tác giả giải thích rằng điều này là do Qatar có nguồn tài nguyên dầu khí với trữ lượng đặc biệt lớn. Các tác giả giải thích rằng GDP bình quân đầu người của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ ở mức trung bình là do đã áp dụng hệ thống kinh tế tập trung, họ cũng dự đoán rằng các nước như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam có thể đạt được chỉ số GDP đầu người cao hơn khi chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường.

Chỉ số IQ của người Việt ở mức 96 thua Trung Quốc với chỉ số IQ là 98

Mặc dù có chỉ số IQ cao song dường như điều này không giúp ích nhiều cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Bằng chứng là thời gian qua, Việt Nam vẫn là nước xuất siêu lớn, thay vì tự sản xuất, thậm chí từ bao lì xì, dây thun, chiếc tăm cũng nhập từ Trung Quốc và duy trì nền kinh tế được coi là phụ thuộc trong hầu hết các lĩnh vực.

Điều này được chứng minh bằng con số nhập siêu từ Trung Quốc tính từ năm 2001 đến nay đã tăng gấp 100 lần. Hàng Trung Quốc đã phủ khắp các chợ, cửa hàng tạp hóa vùng ven, siêu thị, trung tâm thương mại… Người bán hàng luôn ưu ái hàng Trung Quốc hơn vì hai tiêu chí mẫu mã và giá cả.

Lãnh đạo một số chi cục hải quan phụ trách những cảng biển lớn ở TP.HCM nói rằng hàng Trung Quốc nhập khẩu quá nhiều đến mức việc thống kê, lấy dữ liệu nhập khẩu vô cùng khó khăn.

Bà Lý Phụng Kiều, một đầu mối chuyên nhập khẩu và phân phối lại các loại bao lì xì cho những người bán sỉ ở khu vực TP.HCM và một số tỉnh lân cận, cho biết bao lì xì Trung Quốc đã nhập khẩu về được khoảng một tháng trở lại đây, với khoảng 300 mẫu mã các loại nên hàng bán rất chạy.

Toàn bộ đều được sản xuất tại Quảng Đông (Trung Quốc). Trong khi đó, hàng sản xuất trong nước chỉ lèo tèo vài mẫu, chưa kể giá cao hơn, còn hàng Trung Quốc gần như không đổi giá. Hồi năm 2006 giá bán trong khoảng 2.000-6.000 đồng/bịch sáu bao tùy loại, nay giá chỉ 3.000-3.500 đồng/bịch. Trong khi đó hàng Việt mắc gấp đôi, thậm chí gấp ba.

Không chỉ bao lì xì, cơ quan hải quan ở TP.HCM cho biết còn có cả dây thun, thiệp chúc mừng, dây ruybăng, băng keo dán, gôm tẩy học sinh, lược chải tóc… vốn là những mặt hàng hết sức nhỏ nhặt cũng được nhập khẩu về Việt Nam.

Thậm chí, đến ngành chủ lực như sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, sản xuất da giày, dệt may cũng phụ thuộc nguyên liệu đầu vào đến xuất khẩu.

Sản xuất, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc

Theo đó, đầu vào cho sản xuất lúa gạo như giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu của Việt Nam đều được nhập khẩu tới hơn 50% từ Trung Quốc.

Ở một số tỉnh phía Bắc còn gieo trồng 100% giống lúa nhập khẩu từ Trung Quốc mặc dù giống lúa này có giá bán cao hơn so với giống lúa trong nước, chất lượng kém hơn, hàm độ dinh dưỡng không bằng nhưng lại cho năng suất và sản lượng cao hơn hẳn.

Nguồn phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chiếm tới 49% tổng kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng này, tức là khoảng hơn 2 triệu tấn, tương đương 0,8 tỉ USD.

Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu 11 tháng đầu năm 2013 đạt 689 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2012. Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu chính, chiếm 49,7% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 3,8% so với thị phần của năm 2012.

Không chỉ nông nghiệp, sản xuất công nghiệp ở các ngành sản xuất da giày, dệt may cũng trong tình trạng tương tự.

Mặc dù dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng 20%/năm, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhưng hiện nay gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài: 70% nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam phải nhập khẩu.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm chiếm tới 32,53% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngành dệt may, da giày là 2,73 tỉ USD.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành tỏ ra e ngại khi dệt may và da giày quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Hạnh phúc nhất thế giới?

Mặc dù có chỉ số IQ cao song nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, tuy nhiên điểm đặc biệt hơn là Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất nhì thế giới và các nước trong khu vực.

Cụ thể, trên các bảng xếp hạng về mức độ hạnh phúc trên thế giới, nhiều năm nay người Việt luôn có thứ hạng cao. Trong đó năm 2012, người Việt được đánh giá là hạnh phúc thứ 2 trên thế giới.

Người Việt luôn hạnh phúc top đầu

Cụ thể, theo khảo sát của Hiệp hội kinh tế mới (NEF), một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về kinh tế, xã hội và môi trường tại Anh, Việt Nam đứng thứ hai trong bảng xếp hạng chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI) của năm 2012. Chỉ số này được đánh giá dựa trên ba tiêu chí gồm mức độ hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình và dấu chân sinh thái.

Trước đó, năm 2009, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng hạnh phúc của hiệp hội này với tuổi thọ trung bình là 73,7 và 65% dân số hài lòng với cuộc sống.

Một khảo sát khác do Viện Trái đất, Đại học Columbia, Mỹ tiến hành từ năm 2010 đến 2012 tại 156 quốc gia, theo thang điểm 10 thì Việt Nam đứng thứ 63 trên thế giới về mức độ hạnh phúc. Kết luận này dựa trên các chỉ số về mức thu nhập, sự tự do và tuổi thọ.

Xét trong khu vực châu Á, Việt Nam hạnh phúc “vượt mặt” nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hong Kong, Indonesia, Philippines hay Lào. Trung Quốc, nước đang phát triển lớn thế giới và là láng giềng của Việt Nam, kém đến 30 bậc và đứng thứ 93.

Xét trong khu vực Đông Nam Á, người dân Việt Nam có mức điểm hạnh phúc cao thứ tư, chỉ kém hạnh phúc hơn so với người Singapore ở vị trí 30, Thái Lan ở vị trí 36 và người Malaysia đứng thứ 56.

Thu Phương
(Theo Đất Việt)

Tin bài liên quan:

TBT Nguyễn Phú Trọng và mối quan hệ tay 3 Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ

Phan Thanh Hung

Tàu chiến Trung Quốc bắn chỉ thiên và xua đuổi tàu cá Quảng Ngãi

Phan Thanh Hung

Trung Quốc đóng cửa khu công nghiệp hóa chất sau các cuộc biểu tình

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo