Lê Dung (SBTN)
Chỉ còn 2 ngày nữa, đại hội 12 đảng cầm quyền ở Việt Nam sẽ khai mạc. Và chỉ còn đúng 10 ngày nữa, đại hội này sẽ kết thúc với những kết quả mà có thể làm cho một đám người nhảy cẫng lên, nhưng một đám kẻ khác lại âu sầu như đưa đám.
Một quan chức cấp sở thầm thì trong bữa nhậu: cho dù rất muốn “tám” chuyện chuẩn bị nhân sự cho đại hội 12, nhưng ông này lại phải lựa người cùng cánh để tâm sự. Lỡ gặp phải người khác phe thì coi chừng mang họa.
Chủ nghĩa bè phái và chủ nghĩa địa phương đã ăn sâu vào bộ máy thư lại hành chính ở Việt Nam từ quá nhiều năm qua. Nhưng không thể đổ hết trách nhiệm cho truyền thống “một người làm qua cả họ được nhờ” có từ thời phong kiến. Chính não trạng độc đoán của cơ chế độc đảng đã khiến cho tư tưởng độc trị phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và từ đó hình thành các nhóm quyền lực lẫn lợi ích tung hoành và tranh chấp lẫn nhau.
Sài Gòn. Trong một cuộc gặp mặt cuối năm 2015, có hai “cán bộ phong trào” đều đã thất thập cổ lai hy giương mắt gườm nhìn nhau. Một người ủng hộ “Anh Ba”, còn người kia ngả sang “Anh Tư”. Trước đây, hai người này đã từng có một trận khẩu chiến ác liệt, ai cũng cố chứng minh “phải chọn cái đỡ tệ trong những cái dở”. Nhưng không ai chứng minh được anh Ba và anh Tư thì kẻ nào tệ hơn.
Đáp số đơn giản mà những ủng hộ viên trên hoàn toàn có thể hình dung là chỉ sau chục ngày nữa, khi Bộ chính trị thông báo kết quả về chức danh tổng bí thư và những vị trí còn lại trong “tứ trụ”, hoặc anh Ba hoặc anh Tư sẽ không có mặt. Khi đó, hoặc ủng hộ viên này hoặc ủng hộ viên kia sẽ có quyền ngẩng cao mặt, kéo theo thái độ vênh váo của đám “sân sau” của hoặc anh Ba hoặc anh Tư.
Người ta cũng dễ dàng tiên đoán là sau đại hội 12 không lâu, sẽ diễn ra một cuộc thanh trừng vừa ngấm ngầm vừa lộ diện của nhóm quyền lực thắng thế đối với nhóm quyền lực thất bại. Trước hết “thanh toán” về các cơ sở vật chất tài chính và kinh tế. Sau đó tiến đến thanh loại các chức vụ trong đảng và chính quyền. Kể cả điều tra hình sự và truy tố…
Nặng nề nhất là anh Ba. Vốn tích lũy dày đặc hệ thống doanh nghiệp tiền chất như núi, sự sụp đổ nếu xảy ra của anh này sẽ có thể dẫn đến một cuộc tháo chạy tán loạn của những kẻ đã từng thề thốt trung thành với anh. Có thể xem đó là trận đại hồng thủy tràn vào thành lũy tài phiệt khổng lồ nhất quốc gia.
Nhưng nếu cả hai anh Ba và Tư đều “biến mất” khỏi Bộ tứ, người ta sẽ xem anh nào còn “trụ” lại trong Bộ chính trị. Chỉ cần có chân trong tổ chức quyền lực này, vị trí nào cũng được, để kéo dài thời gian quyền lực và tìm cách tránh bị đối phương “hồi tố”.
Còn với người dân, đặc biệt là người nghèo, họ dửng dưng. Thế giới này vốn dĩ đã quá bất công, chẳng phải còn anh Ba hay mất anh Ba mà xã hội bớt oan nghiệt, khi điều 4 hiến pháp về độc đảng vẫn sừng sững, làm tấm bình phong khổng lồ che chắn cho ngàn vạn quan chức tiếp tục tham nhũng.
Lê Dung
(SBTN)