Việt Nam Thời Báo

Khi nhà báo phải làm đúng ý đảng

Thanh Trúc

(RFA)


Hội Nhà Báo Việt Nam hôm 16 tháng 12 công bố 10 qui định đạo đức nghề nghiệp mà người làm báo phải cam kết và có trách nhiệm thực hiện, sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2017.

Các phóng viên tham dự một cuộc họp báo về các hoạt động tìm kiếm người mất tích chuyến bay Malaysia Airlines 370 ở đảo Phú Quốc vào ngày 12 Tháng 3 năm 2014.
Các phóng viên tham dự một cuộc họp báo về các hoạt động tìm kiếm người mất tích chuyến bay Malaysia Airlines 370 ở đảo Phú Quốc vào ngày 12 Tháng 3 năm 2014. AFP photo

Qui định mâu thuẫn với đạo đức nhà báo

Buổi họp báo chiều ngày 16 tháng 12 do Hội Nhà Báo Việt Nam tổ chức để thông báo chương trình hành động của hội đối với Nghị Quyết Trung Ương IV khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng  chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đây cũng là dịp để Hội Nhà Báo Việt Nam công bố 10 điều qui định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, trong đó điều thứ nhất là trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa dưới  sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam, vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Điều thứ mười của bản qui định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là phải cam kết thực hiện những qui định đã nêu ra vì đó là bổn phận, nguyên tắc hành nghề, lương tâm và trách nhiệm của báo chí trong nước.

Đây là những qui định về đạo đức nghề nghiệp mà xem ra lại mâu thuẫn với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, là nhận xét của ông Trần Ngọc Quang, nay là một nhà báo độc lập, từng làm cho báo của Bộ Y Tế và báo đảng thuộc tình đảng bộ Phú Yên:

Làm báo theo cái lối o bế như vậy nó mâu thuẫn với đạo đức nghề nghiệp, làm báo là những cái cần ăng ten của xã hội, phải dự báo được cho toàn xã hội những cái nhạy cảm nhất.
– Ông Trần Ngọc Quang


Cái này là qui định của một hội nhà báo đang ăn lương của đảng cộng sản. Làm báo theo cái lối o bế như vậy nó mâu thuẫn với đạo đức nghề nghiệp, làm báo là những cái cần ăng ten của xã hội, phải dự báo được cho toàn xã hội những cái nhạy cảm nhất. Đó là sự phát hiện của tất cả những cái gì mà nó trái với đạo lý, trái với chân lý. Còn  nếu cứ làm theo một cách chỉ đạo, làm báo theo cái lối đó thì tất cả đều qua kiểm duyệt hết. Hội Nhà Báo Việt Nam nằm trong một số những tổ chức mà đảng lập ra, làm báo mà lại là đảng viên cộng sản thì đấy là việc họ qui định với họ. Người ta không thích nghe nói thẳng nói thật vì nó trật lỗ tai, nói thẳng với đảng góp ý với đảng thì đảng không nghe, đấy là bi kịch của một đất nước.

Đối với ông Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng đại diện báo Quân Đội Nhân Dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, những điều bó buộc như làm báo vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội qui, qui chế của cơ quan báo chí nơi công tác, không xuyên tạc, không gây chia rẽ kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc vân vân… mà Hội Nhà Báo Việt Nam công bố, cũng quá nặng tính tuyên truyền hơn là những qui định hay nguyên tắc nghề nghiệp:

Không có gì mới, bởi vì trong các trường dạy làm bào của đảng người làm báo phải tuân thủ đường lối chính sách của đảng rồi mới đi vào tu nghiệp tức là đi vào chuyên môn. Thế còn bây giờ họ gắn với cái “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” thì lại còn đi ngược với chủ nghĩa Mác. Trong khi triết học Mác nói tự thân vận động là nỗ lực chủ quan của mỗi con người, là cần thiết trong cuộc sống con người và rõ ràng là tư tưởng thì không thể cố định được mà phải có diễn biến, con người sống là phải có chuyển hóa, chuyển đổi, đổi mới.

Không cho cá nhân tự thân để mà đưa ra một cách sống hay một lối sống hay cách diễn đạt tư tưởng gì cả mà cứ phải áp đặt từ trên xuống dưới, đưa vào một khuôn phép chung chung theo tôi rất vô nghĩa. Một nhà báo luôn luôn phải tôn trọng sự thật, phản ánh đúng sự thật khách quan, đúng thực tế cuộc sống. Cái thứ hai nhà báo phải có quan điểm tư tưởng để tự chủ nêu ra những vấn đề mà không chịu sự áp đặt náo khác. Đó là quyền tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do hành nghề của nhà báo. Định hướng, áp đặt là vi phạm nguyên tắc của báo chí mà chính đảng cũng đã vạch ra tức là phát huy tự do tư tưởng.

Không thể kiểm soát báo mạng

Nhà báo Bùi Văn Bồng còn chỉ trích rằng những qui định đạo đức nghề nghiệp mà Hội Nhà Báo Việt Nam nêu ra qua Luật Báo Chí 2016 đang khoanh hẹp dần tự do của người làm báo, đưa người làm báo vào một cái rọ quản lý tư tưởng không hơn không kém.

000_Hkg10138671-400.jpg
Người dân sử dụng điện thoại cầm tay, iPad lướt web trong một quán cà phê ở Hà Nội ngày 23 tháng bảy năm 2014. AFP photo
Không ngạc nhiên mà chỉ thấy buồn cười là suy nghĩ của nhà báo Võ Văn Tạo, từng cộng tác với nhiều tờ báo lớn trong nước như Tuổi Trẻ, Thương Mại, Nông Thôn Ngày Nay, VietnamNet, Lao Động, Kinh Tế Sài Gòn, hiện nay là thành viên của Văn Đoàn Độc Lập, một tổ chức xã hội dân sự trong nước:

Ở các nước khác tiêu chuẩn đầu tiên và cốt lõi của nghề báo là trung thực, khách quan, công bằng. Việt Nam thì khác, buộc phải trung thành với đảng với chủ nghĩa  xã hội, những cái thứ mà lâu nay nó đã cũ rích rồi. không hợp với xu thế phát triển của nhân loại  văn minh. Điểm lại thì hệ thống cộng sản bao giờ cũng coi trọng công tác tuyên truyền, báo chí theo quan niệm của đảng chỉ là công cụ tuyên truyền của đảng thôi chứ không phải là báo chí theo chuẩn mực chung của thế giới được. Thế thì tại sao phải ra những qui định trong lúc này?

Những năm gần đây, mặc dù bị kềm kẹp như thế, nhưng đội ngũ anh em làm báo cũng cố gắng vùng vẫy trong mức độ nào đó, khi có điều kiện thì người ta cũng cố gắng làm cái gì mà lương tâm người ta nghĩ là tốt. Những bài báo đó có thể không đúng ý đảng nhưng nếu xét về mặt chuyên nghiệp về mặt ích nước lợi dân thì  có.

Qui chế này cũng chỉ là điều vớt vát, bây giờ công nghệ thông tin đã thay đổi rồi, hệ thống báo viết báo giấy còn tồn tại mấy trăm tờ như vậy là gánh nặng cho ngân sách thôi.
– ÔngTrần Ngọc Quang


Trước tình hình đó thì họ rất hoảng hốt và tôi nghĩ việc ban hành 10 qui định về đạo đức của người làm báo Việt Nam nhằm mục đích một lần nữa xiết chặt công tác tuyên truyền nhằm bảo vệ vị trí độc tôn của đảng cộng sản đang cai trị đất nước lâu dài.

Báo chí trong nước đưa tin 10 qui định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã được thống nhất và đồng loạt thông qua trong hội nghị lần thứ năm Ban Chấp Hành Hội Nhà Báo Việt Nam ngày 15 tháng Mười Hai, tiếp đó được Hội Nhà Báo Công Bố trong buổi họp ngày 16 với quyết định phải học tập, quán triệt và thực hiện. Theo nhà báo độc lập Trần Ngọc Quang, ban hành là một chuyện, thành công hay không lại là một chuyện khác vì công nghệ thông tin đã thay đổi nhiều:

Qui chế này cũng chỉ là điều vớt vát, bây giờ công nghệ thông tin đã thay đổi rồi, hệ thống báo viết báo giấy còn tồn tại mấy trăm tờ như vậy là gánh nặng cho ngân sách thôi. Bây giờ người ta đọc báo mạng, có trình độ hay không có trình độ, cầm điện thoại là có thể đọc báo rồi. Kiểm soát báo mạng là khó, cả một hệ thống kỹ thuật để kiểm soát báo mạng là không kiểm soát được.

Được biết  Ban Kiểm Tra Hội Nhà Báo Việt Nam là đơn vị có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai và thực hiện 10 qui định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, sẽ có hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 2017 tới đây.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo