Đặng Bích Phượng
Ảnh: Hoàng Dũng
Qua tường thuật các cuộc lấy ý kiến cử tri về một số ứng cử viên đại biểu quốc hội, tôi hình dung ra một cuộc chiến, mà chiến sĩ ứng cử viên bị tước vũ khí ngay từ ngoài cửa.
Cuộc chiến này là một cuộc chiến không tiếng súng, nhưng âm thanh của nó thật man rợ. Chỉ có “ĐÁNH”! không có “ĐỠ”!
Chỉ chiến sĩ cử tri có quyền được nói, được khuyến khích nói, không hạn chế thời gian. Nhưng chiến sĩ ứng cử viên trình bày là bị chủ tọa cắt lời, hạn chế thời gian.
Trong vòng một hai tiếng đồng hồ, bạn có thể biết gì về một con người, để kết luận về họ nếu không qua đối thoại? Trong một tổ dân phố hàng mấy trăm hộ dân (nghĩa là có thể tới cả nghìn con người), bạn biết ai và ai biết bạn?
Những ứng cử viên biết về điều này. Nên trước hội nghị lấy ý kiến hàng trăm cử tri tại nơi cư trú, họ đã cố gắng giới thiệu về bản thân mình, bằng những bản tự thuật gửi các cử tri đọc. Và những người đứng ra tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri này kết luận, việc tự giới thiệu mình là vi phạm luật bầu cử!
Thậm chí có ứng cử viên còn bị Mặt trận tổ quốc lập biên bản “ tội “ xin chữ ký của cử tri, nói việc này là phạm luật và bắt ngừng xin chữ ký!
Những người nói điều này chả hiểu gì về luật bầu cử. Các ứng cử viên mới đang bước vào cuộc thi. Chứ đã thi đâu mà bảo phạm luật thi? Các ứng cử viên mới đang trình bày năng lực để dự thi đó chứ.
Còn cử tri thì sao? Những người được mời có đại diện cho tiếng nói của tất cả cử tri ở tổ dân phố đó không? Có được dân cử không, hay do trưởng ban mặt trận và tổ trưởng dân phố lựa chọn?
Sơ bộ kết quả lấy ý kiến cử tri của một số người tự ứng cử viên vừa qua:
– Ca sĩ Mai Khôi – người của công chúng, có lượng fan hâm mộ khá lớn: 28/63 phiếu.
– Luật sư Võ An Đôn – người luôn bào chữa miễn phí cho người nghèo: 29/86 phiếu.
– Ca sĩ Lâm Ngân Mai – người có rất nhiều clip hay, lý luận sắc bén, nói về hiện trạng xã hội: 3/82 phiếu.
– Đỗ Anh Tuấn – tốt nghiệp học viện cảnh sát (chính quy) và ngoại ngữ (tại chức), đã tự ra khỏi ngành công an do thấy công việc của công an không như mình nghĩ: 11/127 phiếu.
– Nguyễn Trang Nhung- một trí thức trẻ, không hề thờ ơ trước hiện trạng xã hội: 1/63 phiếu.
– Hoàng Dũng – một trí thức trẻ, rất quan tâm đến tình hình đất nước: 4/57 phiếu.
– Phan Vân Bách- Lái xe taxi Mai Linh không được mời tham dự hội nghị lấy ý kiến cử tri.
Ngoại trừ 1 trường hợp duy nhất, ứng cử viên không được quyền tự ủng hộ chính mình, thì các trường hợp khác cho thấy rõ, cử tri do mặt trận tổ quốc và tổ dân phố mời, là được lựa chọn một cách có chủ đích.
Nói là cùng tổ dân phố, nhưng tôi có thể chắc chắn một điều, không ai biết tất cả những người trong cùng tổ dân phố. Thời buổi internet tràn ngập thông tin, người ta lên mạng nhiều hơn là thăm viếng nhà hàng xóm. Rồi lên mạng cũng chỉ để đọc tin “cướp, giết, hiếp”, chứ chưa chắc đã quan tâm đến quan điểm chính trị. Thậm chí có người cùng quan điểm với ứng cử viên, nhưng sợ không dám like, comment (bình luận), sợ công an viếng thăm. Khi tôi có trong tay một bản danh sách các chữ ký ủng hộ tôi, các ban ngành đoàn thể rất muốn đoạt được bản danh sách này. Họ bắt người đi lấy chữ ký ủng hộ tôi phải nộp bản danh sách này cho họ. Mục đích để làm gì, hẳn tôi không cần phải nói thêm các bạn cũng hiểu.
Như vậy, việc lấy ý kiến cử tri này là một sự phi lý. Dựa vào những cử tri không quan tâm đến tình hình đất nước, luôn cho rằng mọi việc đã có đảng và nhà nước lo, rằng các bạn trẻ chưa có cống hiến gì cho đất nước, để cho những con người như thế này (ảnh kèm theo) vào “thi đấu” sao?
Ứng cử viên Trang Nhung đã chua xót nhận xét, khi không một cử tri nào lắng nghe những gì cô nói: những người dân ở khu phố này, không sẵn sàng làm chủ đất nước!
Một câu nói không thể chính xác hơn.
Bởi thế :
Ai chặt cây – Cứ chặt!
Ai lấp sông – Cứ lấp!
Ai làm vỡ đường ống nước – Kệ!
Ai tham nhũng – Biết thế!
Ai bị đánh chết – Mặc!
Ai đầu độc thực phẩm dân ta – Biết làm sao?
Ai nghèo – Thân ai người nấy lo!
Mới đây, chuyện nhà thầu quân đội Trung Quốc thắng thầu dự án lắp đặt đường ống dẫn nước cho hàng triệu người dân Hà Nội, không mấy người dân quan tâm ngoài mấy trăm người bày tỏ sự lo lắng trên mạng. Không ai nhớ những thủ đoạn giết dần giết mòn dân tộc Việt Nam của người Trung Quốc bằng việc thu mua đỉa, thu mua lá nhãn, móng trâu, lá khoai lang, lá mãng cầu, hay giữ nước đầu nguồn sông Mekong khiến đồng bằng sông Cửu Long lâm vào cảnh hạn hán nghiêm trọng.
Đó là kết quả của việc để đảng và nhà nước lo, hoặc để bầu lên những đại biểu quốc hội như trong ảnh dưới đây.