VOA
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, ngày 16/1/2017.
Một luật sư nói rằng việc chính quyền Việt Nam không ký đặc xá dịp lễ Quốc Khánh 2-9 năm nay là một thiếu sót, và không thể vì chủ tịch nước vắng mặt mà gây cản trở hay đình trệ quốc sự.
Luật sư Đặng Đình Mạnh từ thành phố Hồ Chí Minh nói rằng việc không xét đặc xá dịp lễ 2-9 này là một thiếu sót lớn:
“Việc không xét đặc xá trong dịp lễ Quốc khánh 2-9, một dịp lễ lớn nhất của quốc gia, là một sự thiếu sót rất lớn. Điều này không nên.”
Công an tại trại giam Thanh Xuân, Hà Nội.
Hôm 24/8, truyền thông Việt Nam trích lời trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an, nói rằng dịp Quốc khánh năm nay Nhà nước sẽ không tiến hành đặc xá mà chờ “đề án tha tù trước thời hạn có điều kiện” sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2018.
Ông Mạnh nói ông “rất ngạc nhiên” trước quyết định “không hợp lý” này:
“Tôi cho là lý do như vậy là không đúng. Quan điểm chung của xã hội hiện nay là rất ngạc nhiên. Việc này xảy ra cùng lúc với những đồn đoán nói rằng Chủ tịch nước Trần Đại Quang vắng mặt trên các hoạt động chính trị, xã hội trong một thời gian khá lâu vừa qua.”
Luật sư Mạnh nói rằng nếu chủ tịch nước vắng mặt theo luật phải có người thay thế:
“Về phương diện luật pháp là có sự thiếu sót. Thông thường tôi nghĩ là phải có sự kế thừa, dự liệu trước. Nếu như chủ tịch nước có vấn đề về sức khỏe, ví dụ như ốm hay phải điều trị bệnh thì theo quy định phải có người thay thế như phó chủ tịch nước chẳng hạn. Như vậy thì công việc điều hành theo qui định pháp luật không bị đình trệ.”
Theo hiến pháp Việt Nam năm 2013, quyết định đặc xá là quyền hạn và trách nhiệm của chủ tịch nước.
Báo chí trong nước hôm 20/8 đăng tải một bài được cho là do Chủ tịch Trần Đại Quang viết về tình hình an ninh mạng ở Việt Nam, trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về sức khỏe của ông. Tuy nhiên các blogger nói rằng bài viết này được soạn lại từ một bài viết đã xuất hiện vào năm 2013.
Trước đó hôm 10/8, Facebooker Huy Đức viết: “Đại tướng Trần Đại Quang đi chữa bệnh từ tối 25/7/2017. Sự vắng mặt của ông ở trong nước suốt hơn hai tuần qua đã tạo ra một khoảng trống cho các lời đồn đoán.”
Hôm 25/8, báo Nikkei Asian Review có bài nói rằng việc vắng mặt bất thường của ông Trần Đại Quang làm dấy lên những nghi ngờ trong chính trường Việt Nam.
Tờ báo Nhật viết: “Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang không xuất hiện trước công chúng gần một tháng qua mà không có lời giải thích từ phía chính phủ, gây ra tranh cãi về cuộc đấu đá quyền lực và tin cho rằng lãnh đạo cao nhất – Tổng bí thư Đảng Cộng sản – có thể sẽ từ chức vào năm tới.”
Ngoài việc chủ tịch nước không ký lệnh đặc xá dịp 2-9 năm nay, việc điều chỉnh lịch trình của một nguyên thủ phương tây khi đến Việt Nam cũng làm tăng thêm những đồn đoán về sức khỏe của ông Quang.
Thủ tưởng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, ngày 23/8/2017.
Tờ báo này cho biết thêm: “Chủ tịch nước đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, tham gia các sự kiện như các buổi lễ và tiệc đón tiếp. Không có dấu hiệu cho thấy ông Quang có mặt ở nước ngoài có nghĩa là ông Quang vẫn còn ở trong nước, việc vắng mặt của ông trở nên bất thường hơn trong một quốc gia cộng sản, vốn luôn đặt trọng tâm vào trật tự chính trị.”
“Lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông Quang là ngày 25/7, khi ông gặp Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev. Ông Quang kể từ đó đã bỏ lỡ các sự kiện quan trọng như dịp kỷ niệm ngày thành lập Lực lượng Công an Nhân dân – tiền thân của cảnh sát Việt Nam, thứ Sáu vừa qua. Ông Quang không xuất hiện, mà chỉ gửi lời chúc mừng và động viên.”
Trong khi đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại thực hiện các hoạt động thăm viếng ngoại giao thường xuyên một cách bất thường.
Báo Nikkei Asian Review viết tiếp:
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tăng cường các hoạt động ngoại giao như thể để khoả lấp sự vắng mặt rõ ràng của Chủ tịch nước, người thường đảm nhiệm thăm viếng lễ tân. Ông Trọng thăm Indonesia từ thứ Ba 22/8 đến thứ Năm 24/8, gặp Tổng Thống Joko Widodo, và đang thực hiện chuyến thăm 3 ngày tới Myanmar, nơi mà ông Trọng sẽ nói chuyện với Tổng thống Htin Kyaw.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) tiếp Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Jarkata, ngày 23/8/2017.
“Sự im hơn lặng tiếng của ông Quang trong con mắt công chúng không phải là sự việc kỳ quặc duy nhất trong chính trường Việt Nam trong vài tháng qua. Vào ngày 30/7, ông Đinh Thế Huynh, Uỷ viên thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, được cho là một ứng cử viên để thay thế ông Trọng, vì lý do sức khỏe đã được uỷ viên Bộ Chính Trị Trần Quốc Vượng thay thế.
Một chuyên gia về chính trị Việt Nam cho tờ Nikkei Asian Review biết khó có việc ông Huynh quay trở lại chức vụ vì có tin đồn rằng ông đang điều trị bệnh ung thư.
“Các lãnh đạo Việt Nam được bầu tại các kỳ Đại hội Đảng mỗi 5 năm, lần kế tiếp là vào năm 2021. Nhưng ở độ tuổi 73, ông Trọng đã tái nhiệm vào năm 2011 đã làm tăng nghi ngờ rằng ông có thể bàn giao quyền lực cho một người kế nhiệm vào năm tới.
“Chủ tịch Trần Đại Quang, một sự lựa chọn có nhiều khả năng nhất vào chức tổng bí thư, bây giờ dường như vắng mặt. Ông Huynh vì bị bệnh coi như đã loại khỏi danh sách. Việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh cũng liên quan đến mối quan hệ của ông ta với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một cựu đối thủ chính trị của Trọng. Liệu tất cả những điều này có thể được cho là sự trùng hợp hay không vẫn còn chưa rõ ràng.”
Các nhà quan sát Hà Nội đang chờ xem liệu ông Quang có xuất hiện vào ngày lễ Quốc Khánh 2-9 này hoặc đánh trống khai giảng năm học mới vào ngày 5-9 như các vị chủ tịch nước tiền nhiệm đã làm hay không.
Việc không xét đặc xá 2-9, không tiếp thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với sự vắng mặt bất thường của ông Quang trong tháng qua, vẫn chưa ngơi những lời đồn đoán trong chính trường Hà Nội.