Trần Phong Vũ
27-1-2017
Theo một bản tin từ quốc nội đọc được trên mạng, vào dịp cuối năm 2016 vừa qua, ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch “Hội Nhà Văn Việt Nam” ở Hà Nội cho hay:
“Dịp Giỗ tổ Hùng Vương 10/3/2017, Hội Nhà văn VN sẽ tổ chức cuộc gặp mặt mời tất cả các nhà văn VN đang sống ở nước ngoài về dự.”
Với giọng điệu đao to búa lớn quen thuộc, ông nhấn mạnh:
“Thực chất đây là một cuộc hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học, bất kể trước 1975 họ đã cầm bút phục vụ chế độ cũ (Việt Nam Cộng hòa) như thế nào… Năm nay chúng ta đổi mới như vậy, 40 năm kết thúc chiến tranh rồi, dòng sông Thạch Hãn còn chảy, còn rớm máu nhưng với sức mạnh đại nghĩa của dân tộc, chúng ta mời các nhà văn có lương tâm, có trách nhiệm với đất nước, yêu quê hương hãy hướng về làm giàu cho đất nước Việt Nam… Đây là một sự kiện chưa từng có…”
Ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội NVVN. Ảnh: báo TT &VH
Mấy dòng trích dẫn trên đây về lời tuyên bố của ông Hữu Thỉnh nhân danh Hội Nhà Văn Việt Nam hàm ẩn một sách lược mới -nhưng chủ trương, đường lối thì không mới- do đảng và nhà nước CSVN đã vất vả tiến hành trong mấy chục năm qua mà không làm nên cơm cháo gì! Đó là mưu toan chiêu dụ tập thể người Việt tị nạn ở hải ngoại, cách riêng giới trí thức về nước hợp tác với chế độ, trong khuôn khổ Nghị quyết 36!
Người viết sẽ không cần phải nói tới cá nhân ông Hữu Thỉnh kể cả Hội Nhà Văn Việt Nam do ông làm Chủ tịch. Giản dị vì không chỉ giới cầm bút mà gần như mọi người dân trong nước ai cũng đã rõ về con người, nhân cách của ông Hữu Thỉnh và Hội Nhà Văn Việt Nam do ông liên tiếp làm chủ tịch từ vài thập niên qua[1].
Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004
Trong thực tế không phải chờ tới những năm đầu thiên niên thứ ba đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mới có nhu cầu chiêu dụ tập thể người Việt tị nạn ở hải ngoại về nước để biến lớp người vốn là nạn nhân của họ thành những bầu sữa nuôi sống chế độ. Chính xác là từ năm 1986, để tìm ngõ thoát trước tình trạng suy thoái trầm trọng về mặt kinh tế, chính trị, Hà Nội đã miễn cưỡng phải mở cửa ra với thế giới bên ngoài đồng thời kêu gọi doanh nhân thế giới, bao hàm cả những những bà con ăn nên làm ra ở hải ngoại mang tiền vào đầu tư tại Việt Nam [2]. Đấy là xét về mặt nổi. Chìm lắng bên trong và đàng sau chính sách công khai vừa kể, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính Trị Cộng đảng ở Ba Đình, Hà Nội còn vận dụng mọi phương tiện truyền thông tuyên truyền ngoại vận để ngấm ngầm mua chuộc, dụ dỗ đồng bào, nhất là giới trí thức về nước dưới chiêu bài “hòa giải hòa hợp dân tộc”, nhưng quả thật họ đã hoài công. Cho đến đầu đệ tam thiên nhiên, mọi cố gắng của đảng và nhà nước CSVN vẫn không đạt được kết quả mong muốn. Đây cũng là thời gian Hà Nội trong sớm chiều uốn lưỡi thay đổi ngôn từ và cái nhìn miệt thị trước nay đối với tập thể người Việt tị nạn hải ngoại. Từ ngôn ngữ lăng mạ người tị nạn là “bọn liếm gót dày Mỹ Ngụy” “bọn Việt gian phản động chạy theo ngoại bang”, CSVN trơ trẽn tang bốc những nạn nhân của chúng là “khúc ruột ngàn dặm của Tổ Quốc”.
Ngày 26-3-2004, Bộ Chính Trị đảng CSVN đã phối hợp với Bộ Ngoại Giao chính thức công bố Nghị Quyết số 36 NQ-TW mà trọng điểm là vạch ra đường lối chính sách mệnh danh là “Công tác đối với người Việt Nam ở ngoài đất nước”. Nghị quyết gồm có bốn phần chính.
Phần một kiểm điểm lại “tình hình và công tác đối với người Việt ở nước ngoài thời gian qua” (chi tiết này cho thấy mưu toan chiêu dụ người tị nạn đã có từ lâu không đợi tới khi công bố Nghị Quyết 36). Xác nhận những thiếu sót trong việc thi hành và thừa nhận nguyên nhân đưa đến thất bại. Phần hai đề ra chủ trương và phương hướng của đảng và nhà nước CSVN về “công tác đối với người Việt Nam ngoài nước” trong thời gian tới. Phần thứ ba, ngoa ngôn nói về điều gọi là “nhiệm vụ chủ yếu của nhà nước” trong việc “tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại”, từ đấy để lộ mục tiêu chủ yếu của chế độ là “duy trì quan hệ gắn bó” giữa tập thể nạn nhân của họ ở nước ngoài đối với chế độ được ngụy danh dưới chiêu bài “quê hương, đất nước”. Và phần cuối cùng quy định vấn đề “tổ chức và thực hiện”.
Thành bại của NQ 36 sau 10 năm thực hiện
Hệ thống báo chí của đảng và nhà nước CSVN phát hành hôm 23-01-2015 rầm rộ tô son vẽ phấn cho cái gọi là sự thành công của NQ 36 sau một thập niên được Bộ Chính Trị cộng đảng và Bộ Ngoại Giao chính thức đưa vào hoạt động. Trả lời các cuộc phỏng vấn của truyền thông nhà nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam khoe rằng:
“Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được nhiều thành công quan trọng. Chúng ta đã khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.”
Được hỏi về thành quả trong việc “thu hút cất xám”, cụ thể là nỗ lực của đảng và nhà nước trong việc chiêu dụ nhân tài, trí thức ở hải ngoại về nước, Vũ Hồng Nam tìm cách né tránh không trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi. Y đưa ra con số 400.000 chuyên gia, trí thức, bao gồm những thành phần có trình độ đại học trở lên trong tập thể người Việt tị nạn ở các quốc gia Tây phương. Vì không trưng dẫn được chứng cứ, Vũ Hồng Nam đánh trống lảng bằng cách nhắc lại vài tên tuổi như “Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ đã về nước tham gia kháng chiến và xây dựng nền tảng cho nền khoa học nước nhà.” Với cách trình bày vu khoát, khó kiểm chứng, y nói thêm:
“Trong 10 năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với các bộ ngành tổ chức hơn 10 cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề dành riêng cho kiều bào với nhiều chủ đề thiết thực đối với công cuộc phát triển đất nước.…Việt Nam cần đổi mới tư duy về cách tiếp cận và thu hút chất xám của kiều bào. Trước đây, hướng về đất nước được hiểu là tri thức phải về trong nước, tham gia giảng dạy, vào các viện nghiên cứu ở trong nước…”
Về câu hỏi liên quan tới số tiền do người Việt tị nạn ở hải ngoại gửi về, với giọng tự tin và thái độ phấn chấn, ông Nam cho hay:
“Từ năm 2003-2013, tổng số kiều hối gửi về trong nước theo kênh chính thức là hơn 70 tỷ USD. Nguồn kiều hối gửi về nước tăng dần qua các năm, nhìn chung năm sau cao hơn năm trước.”
Tiết lộ này đối với chúng ta không phải là chuyện khó hiểu. Qua những con số được báo chí nước ngoài công bố, từ rất lâu mọi người đều đã rõ về những ngân khoản do bà con ta gửi về giúp thân nhân hàng năm. Dù biết rằng hành vi này ít nhiều đã tiếp tay cho việc củng cố chế độ độc tài cộng sản tiếp tục sống còn, nhưng về phương diện tình cảm gia đình, dân tộc, điều này cho thấy chúng ta –những người quốc gia chân chính- hoàn toàn khác với người CS. Tuy vậy con số 70 tỷ USD trên đây ai cũng hiểu là đã được phóng đại theo thói quen của CSVN. Điều cần biết là viên Thứ trưởng họ Vũ đã nhập nhằng cộng chung với số tiền không nhỏ của hàng triệu công nhân nam nữ do Hà Nội xuất khẩu qua Trung cộng, Thái Lan, Phi Luật Tân, Nhật Bản, Đài Loan, Mã Lai, Nam Dương và các quốc gia Âu Mỹ, Phi châu để bán sức lao động gửi về. Đấy là chưa nói tới những ngân khoản do một số doanh gia thân Hà Nội trong các tổ chức gọi là “Việt kiều Yêu nước” được thành lập từ trước năm 1975 chuyển về theo dạng đầu tư kiếm lời.
Trong vài năm gần đây, với những chuyến đi về như mắc cửi của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, y đã chiêu dụ được một vài con tép được gọi là nhà báo thuộc loại nghiệp dư về nước múa may. Kiểm điểm lại cho đến nay người ta chưa thấy có khuôn mặt nào sáng giá thuộc thành phần chuyên viên, trí thức, văn gia, ký giả công khai về cộng tác với chế độ. Câu hỏi đặt ra là phải chăng chính vì thế lần này Hà Nội đã phải vận dụng tới Hội Nhà Văn Việt Nam cùng với cỡ thi sĩ Hữu Thỉnh để toan tính thử lại bài toán cũ rích chưa có đáp án này.
Nghĩ và thấy gì về mưu toan mới của CS?
Được biết, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam Hữu Thỉnh từng là đại biểu Quốc hội khóa 9. Đây là thời gian cực thịnh của ông. Sau khi bị loại khỏi cuộc bầu cử Quốc Hội khóa 14 vừa qua, dư luận giới cầm bút ở quốc nội, trong đó có tác giả Mai Tú Ân cho rằng đương sự đã hoàn toàn bị thất sủng và ngày về vườn sẽ không còn bao xa. Vì thế vào những tháng cuối năm 2016, nghe ông ta tuyên bố “Dịp Giỗ tổ Hùng Vương 10/3/2017, Hội Nhà văn VN sẽ tổ chức cuộc gặp mặt mời tất cả các nhà văn VN đang sống ở nước ngoài về dự.” nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Dư luận nêu lên hai giả thuyết. Thứ nhất với bản chất luôn nịnh hót, xu phụ đảng và nhà nước[3], có thể tự ông Hữu Thỉnh nảy ra sáng kiến này không ngoài mục tiêu tâng công với chế độ. Xác xuất của khả năng này rất ít. Lý do vì với tư cách riêng ông ta không thể qua mặt những nhân vật có thẩm quyền của chế độ để quyết định về một sinh hoạt liên quan tới đường lối chính sách của đảng và nhà nước. Trong lời tuyên bố kể trên, ông Hữu Thỉnh còn nhấn mạnh rằng: “Thực chất đây là một cuộc hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học, bất kể trước 1975 họ đã cầm bút phục vụ chế độ cũ (Việt Nam Cộng hòa) như thế nào…”
Hiển nhiên sự kiện này liên quan tới điều gọi là “chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc” do đảng và nhà nước đề ra lâu nay. Vì thế dư luận ở quốc nội ngả theo giả thiết thứ hai là do sự điều động của Ba Đình, Hội Nhà Văn Việt Nam do ông Hữu Thỉnh làm Chủ tịch được trao phó trách nhiệm tổ chức Hội Nghị các nhà văn trong và ngoài nước vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương 10/3/2017 sắp tới[4]. Nó vẫn không ngoài mục tiêu dụ hoặc giới cầm bút Việt tị nạn ở hải ngoại về cộng tác trong khuôn khổ thực hiện chính sách kể trên mà dù đã cố gắng hết sức, cho đến thời điểm này họ vẫn chưa đạt được mục tiêu.
Tập thể người Việt tị nạn ở ngoài nước đã tốn khá nhiều giấy mực để nói về vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc do đảng và nhà cầm quyền CSVN từng ra rả kêu gọi nhiều năm nay. Điều nghịch lý là nhìn vế đất nước người ta nhận thấy từ lâu Hà Nội vẫn đang phải đối diện với rất nhiều mâu thuẫn cần phải vượt qua. Những mâu thuẫn, nghịch lý này không chỉ giới hạn giữa tập thể hơn 90 triệu đồng bào thuộc mọi giai cấp thành phần trong xã hội, giữa dân chúng với chính quyền, nhất là với các cơ quan có trách nhiệm điều hành và gìn giữ luật pháp, trật tự trong đời sống thường ngày. Nó còn nảy sinh ngay trong tầng lớp thống trị, từ trung ương cho tới các tỉnh, thị, các làng xã, thôn ấp ở những vùng sâu vùng xa. Những chuyện thiết thân trước mắt như vậy mà chưa có sự hòa hợp tương đối coi được thì nói chi đến chuyện hòa giải, hòa hợp cả một dân tộc, trong khi chính những kẻ gây ra những chia xé trong lòng quê hương và dân tộc hơn 40 năm qua chưa hề có một cử chỉ tỏ bày thiện chí hòa giải nào!
Không chỉ tập thể người Việt tị nạn mà ngay cả giới chuyên gia, trí thức danh tiếng nước ngoài cũng đã nhiều lần nêu lên những điều kiện cần thiết cho một tiến trình hòa giải giữa người Việt với nhau sau một cuộc chiến tranh dài còn để lại nhiều vết thương đau đón trong ký ức người dân hai miền Nam Bắc. Trong “Thư gửi Việt Nam” trước giờ ông Donald Trump tuyên thệ nhận chức vụ Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc hôm 20 tháng 01 vừa qua, GSTS Jonathan London, một chuyên gia am tường về vấn đề Việt Nam và Đông Nam Á khi đề cập chuyện hòa hợp hòa giải đã phát biểu như sau:
“Thực sự tôi nghĩ rằng muốn hòa giải thì phải có dân chủ, và dân chủ đó phải do chính người dân tạo ra. Tôi nghĩ rằng xã hội dân sự đang phát triển ở Việt Nam là lực lượng cần thiết để đạt được một quá trình hòa giải thực sự. Vì muốn hòa giải thì sẽ phải có sự tham gia của mọi người các bên. Và tất nhiên, nếu muốn hòa giải thì nhân quyền sẽ phải được bảo vệ và thúc đẩy từ mọi phía. Sau cùng, để có một quá trình hòa giải và hòa hợp người dân Việt Nam sẽ cần phải có những hành động cụ thể”
Khi chốt lại quan điểm của mình là “Để có một quá trình hòa giải và hòa hợp, người dân Việt Nam phải có hành động cụ thể” GSTS Jonathan London không cho biết “hành động cụ thể” ấy là gì. Nhưng “ý tại ngôn ngoại”. Do đó ai cũng có thể hiểu được cái “ý ở ngoài lời” ông muốn gửi gấm trong lời phát biểu trên đây. Ở một đoạn khác trong “Thư gửi Việt Nam” ông viết: “đây chính là lúc để cởi trói cho những giá trị chính trị quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam”. Rồi ngay sau đó ông mạnh dạn nêu lên những quyền căn bản không thể thiếu đối với người dân Việt Nam lúc này. Đó là: “Tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tư duy chính trị.”
Như thế ta có thể hiểu những quyền căn bản trên đây, theo ông London chính là những điều kiện cơ bản, cấp thiết để chuẩn bị cho một quá trình tiến tới hòa giải dân tộc hiện nay. Chắc chắn thông điệp này của ông không chỉ gửi cho quần chúng Việt Nam mà còn cho tất cả hệ thống đảng và giới lãnh đạo hành pháp, tư pháp và lập pháp Việt Nam.
Cùng với những ý kiến thiết thực trên đây của một chuyên gia người Mỹ am tường vấn đề và hoàn cảnh Việt Nam, giới trẻ ở Hà Nội cũng từng bày tỏ những ý nghĩ bi quan trước những lời kêu gọi suông của đảng và nhà nước. Trong dịp kỷ niệm 40 năm “bên thắng cuộc” chiếm được miền Nam, đầu tháng Tư năm 2015, người sinh viên 20 tuổi Lê Văn Thành hiện đang sống giữa lòng thủ đô miền Bắc đã viết một bài với tiêu đề mỉa mai: “Hòa giải hòa hợp dân tộc kiều giả cầy!”
Trước khi đi vào nội dung, ngay dưới tiêu đề tác giả viết mấy dòng sau đây:
* 40 năm là quá đủ để thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc thực sự
* 40 năm là quá đủ để lãnh đạo VN dám nói dám làm, chứ không phải để nhân dân mãi rỉ tai nhau câu: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì Cs làm”.
Tác giả mở đầu bài viết:
“Đã 40 năm kể từ khi chính thể VNCH miền nam VN sụp đổ. Toàn cõi VN nằm dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của ‘bên thắng cuộc’: ĐCSVN. Kể từ đó Sài Gòn không còn là Hòn ngọc viễn đông, vì vùng viễn đông giờ đây đã có vô số các thành phố vượt xa Sài Gòn. Kể từ đó không còn ông thủ tướng Singapore nào hy vọng là một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển giống như Sài Gòn, không còn đội bóng Nhật nào năn nỉ được đá giao hữu với VN để học hỏi kinh nghiệm. Những nước trước đây vốn kính nể, nghiêng mình muốn học tập ‘bên thua cuộc’ giờ đây đã bỏ xa chúng ta rất nhiều.
Singapore có GDP đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới, Nhật bản có nền kinh tế thứ 3 thế giới, nền thể thao hàng đầu Châu Á. Còn Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo tài tình 40 năm của Đảng & Nhà Nước, chúng ta có gì?”
Sau khi nêu lên những cái “nhất” trái khoáy như: Tiêu thụ nhiều rượu bia, thuốc lá, mì ăn liền hàng đầu thế giới; Giá rượu bia, thuốc lá thuộc hàng rẻ nhất thế giới; Giá bất động sản, giá làm đường, giá xe hơi, sữa, thuốc tây lại thuộc hàng cao nhất thế giới, tác giả đề cập cái trái khoáy nổi bật là vấn đề “hòa giải hòa hợp dân tộc”. Anh viết:
“Bất chấp mọi nỗ lực hòa giải hòa hợp (bằng miệng) của bên thắng cuộc, 40 năm đất nước đã quy về một mối, nhưng lòng người vẫn tan tác bi thương!”
Để trả lời cho câu hỏi tại sao, người trẻ họ Lê lần lượt kể lại những điều nghịch lý mà anh chứng kiến qua những hành vi của “bên thắng cuộc” như chỉ biết dạy cho đám học sinh măng sữa thái độ căm ghét “bên thua cuộc”; dùng những từ ngữ xách mé để chỉ chế độ miền Nam. Tiếp tục chế độ bưng bít thông tin…
Đề cập ngày 30 tháng Tư, tác giả nêu câu hỏi:
“30/4 là ngày Quốc hỉ hay Quốc hận? Bản thân tôi coi 30/4 là ngày quốc tang!”
Vì coi ngày 30-4 là ngày tang của đất nước, anh cảm thấy xót xa, bất nhẫn khi thấy “bên thắng cuộc” hãnh tiến ăn mừng mỗi năm một lớn, khoe khoang chiến tích với thái độ tự mãn khi cái giá phải trả là hàng triệu sinh mạng người dân ngã xuống và một đất nước hoang tàn, đem “bên thua cuộc” là những anh em ruột thịt ra để hạ nhục, xỉ vả, nhiếc móc. Ấy thế mà miệng lúc nào cũng bô bô kêu gọi “hòa giải hòa hợp”! Anh viết:
“Nói không biết ngượng! Có ai mà hòa giải cho được với 1 kẻ ‘miệng nam mô bụng 1 bồ dao găm’ không cơ chứ?!…Lãnh đạo VN hiện nay có thể học tập rất nhiều từ nước Đức. Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 thống nhất Đông Đức & Tây Đức. Hơn 25 năm qua đi, gần như không còn sự khác biệt giữa 2 miền, kết quả của 1 quá trình hòa giài hòa hợp dân tộc tuyệt vời. Nước Đức giờ đây vươn lên là nền kinh tế thứ 4 trên thế giới, thứ nhất Âu châu. Còn Việt Nam, 40 năm đã qua, chúng ta đang ở đâu? Những lãnh đạo VN, hãy tự vấn lương tâm của mình. Lãnh đạo VN cũng có thể học tập người Mỹ. Khi cuộc nội chiến Mỹ (1861/1865) kết thúc, chiến thắng thuộc về miền bắc. Nhưng sau chiến tranh, không có chiến binh nào của bên thua cuộc miền nam phải đi học tập cải tạo, họ được tôn trọng, tự do về nhà, lao động, cùng nhau xây dựng quê hương. Để chỉ sau đó ít năm, Mỹ vươn lên thành siêu cường số 1 thế giới, liên tục hơn 100 năm đến tận ngày nay. Họ có nhiều hành động để hòa giải hòa hợp dân tộc, nhưng tất cả đứng trên 1 suy nghĩ nhân bản “khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục. Nếu lãnh đạo ‘bên thắng cuộc’ hiểu được điều đơn giản: khi một người Việt bị nhục thì dù là người miền Nam hay miền Bắc cũng vẫn là một người Việt bị nhục, thì họ đã hòa giải hòa hợp tốt hơn nhiều rồi”.
Về cái gọi là “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học”
Bài viết của người sinh viên trẻ Lê Văn Thành công bố sau ngày 30-4-2015, nhân tưởng niệm 40 năm ngày bộ đội miền Bắc vượt Bến Hải xâm chiếm miền Nam. Chắc chắn những lời tâm huyết của anh phải lọt tới mắt xanh giới lãnh đạo của “bên thắng cuộc”. “Thư gửi Việt Nam” của GSTS Jonathan London hôm 21-01 vừa qua chắc chắn cũng đã tới tay giới lãnh đạo chop bu ở Ba Đình. Vấn đề đặt ra là nó có gây được chút rung động nào trong những trái tim bằng đá của lớp người này không?
Trở lại với sự kiện ông Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam tuân lệnh đảng và nhà nước tuyên bố mời các nhà văn, nhà thơ trong tập thể tị nạn ở hải ngoại -mà hầu hết đều xuất thân từ “bên thua cuộc”- về nước tham dự cái gọi là hội nghị “hòa hợp dân tộc về văn học” do Hội Nhà Văn Việt Nam chủ trương có đạt được kết quả như họ mong muốn không? Riêng văn thi giới Việt trong các tập thể tỵ nạn ở ngoài nước sẽ phản ứng ra sao? Chúng ta hãy chờ xem.
Quan sát sinh hoạt văn học ở hải ngoại trong ngót 42 năm qua, chúng ta thấy có nhiều thăng trầm. Vui có. Buồn có. Dĩ nhiên hy vọng cũng có. Một số các nhà văn lão thành đã lần lượt ra đi, trong đó có hai nhà văn Mặc Đỗ và Võ Phiến. Một vài vị khác như nhà văn Doãn Quốc Sĩ đã bước qua tuổi 90, không còn sáng tác nữa. Tất cả những tên tuổi này được coi như những cây đại thụ trong văn học miền Nam trước 75, có lập trường quốc gia kiên định, dù còn sống hay đã ra người thiên cổ. Ngoài những văn thi đoàn, nhưng tủ sách, những cơ sở xuất bản được thành lập khắp nơi, người ta cũng nghe nói tới những tổ chức Văn Bút Việt Nam Quốc tế nối tiếp ra đời ở Âu châu ở Mỹ châu, trong khi rất đông nhà văn, nhà thơ thuộc mọi lứa tuổi hoạt động độc lập không thuộc tổ chức nào, nhưng phần đông vẫn giữ được nhân cách của người cầm bút.
Hy vọng rằng những gì xảy ra cho hơn 90 triệu đồng bào ruột thị trong nước, những gì đã và đang diễn ra trên chính trường Việt Nam, những hiểu biết về bộ mặt thật nhơ nhớp của cái gọi là Hội Nhà Văn Việt Nam cùng với nhân thân, phong cách của những con người như Hữu Thỉnh… sẽ sớm giúp cho những người ít nhiều có liên hệ tới sinh hoạt văn học miền nam trước 75, hoặc khởi nghiệp sau này ở hải ngoại, có được một quyết định dứt khoát ngay từ bây giờ.
Những ngày cận Tết Nguyên Đán Đinh Dậu
______
[1] Chỉ cần đọc bài “Được nghe nhà thơ Hữu Thỉnh nói chuyện về Văn Học Việt Nam thời đổi mới” của Sắc Ly đăng ngày 12-9-2014 trên mạng Beauxit Việt Nam do TS Nguyễn Quang A và TS Nguyễn Huệ Chi chủ trương, sau đó được đăng lại trên Văn Việt và bài “Hàng loạt nhà văn, nhà thơ nổi tiếng tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam, dụng cụ tuyên truyền Mác-lênin” do BBC công bố ngày 10-5-2015 hiện được lưu giữ trên Google, độc giả sẽ thấy rõ bộ mặt thật của ông Hữu Thỉnh và Hội Nhà Văn Việt Nam do ông làm Chủ tịch trong suốt hai thập niên qua. Bài thứ nhất cho thấy bản chất bồi bút của ông khi núp “váy đảng” để lên án Nhân Văn Giai Phẩm, nặng lời chỉ trích ban vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam. Bài thứ hai liệt kê những tên tuổi lớn trong Văn Học quốc nội như Nguyên Ngọc, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang Lập, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Duy, Bùi Minh Quốc, Đỗ Trung Quân, Võ Thị Hảo trong số 20 nhà văn, nhà thơ đã tự ý rút tên khỏi Hội Nhà Văn Việt Nam, sau khi Chủ tịch hội này tự ý gạch tên 9 nhà văn miền Nam tham gia việc vận động thành lập VĐĐLVN. Dư luận trong nước chú ý tới ý tưởng sau trong bản tuyên bố của nhà văn Dư Thị Hoàn và Trịnh Hoài Giang:
“Kết luận ngắn gọn là Hội Nhà văn VN nay đã tự biến mình thành Sọt rác. Những nhà văn sạch sẽ không có lý do gì ở lại làm lá chắn cho họ.”
[2] Doanh nhan Trịnh Vĩnh Bình, một người Việt tị nạn ở Hòa Lan đã nghe theo lời dụ dỗ đường mật của Hà Nội mang hơn hai triệu MK về nước làm ăn. Mười năm sau ông Trịnh đã trở thành nạn nhân: bị nhà nước vu khống, bỏ tù cướp trọn tài sản. Nhờ may mắn ông trốn thoát về lại quốc gia tạm dung và sau đó lập hồ sơ kiện Hà Nội ra tòa án quốc tế. (mời độc giả tìm đọc bài “Từ vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, suy nghĩ về khả năng nạn nhân cá chết kiện Formosa & Hà Nội” post trên mạng Ba Sàm đầu tháng 10-2016)
[3] Trong bài “Được nghe nhà thơ Hữu Thỉnh nói chuyện về Văn Học Việt Nam thời đổi mới!” của Sắc Ly đăng trên mạng Beauxite Việt Nam từ ngày 12-9-2014 và được nhiều mạng đăng lại sau đó, tác giả công khai bày tỏ thái độ khinh bỉ trước “giọng điệu của một tuyên truyền viên chính trị đúng mác” của diễn giả. Theo nhận định của Sắc Ly thì
“ông (HT) không nói về chuyện văn thơ, như vai trò ông đang được đại diện, mà chỉ nói về cái “chính trị” của văn thơ và xung quanh văn thơ, và không chỉ bó hẹp trong gần 30 năm đổi mới. Những nội dung ông chọn để đưa ra đều hướng vào cái chủ đề mà ông đã định: ‘sự đúng đắn và sáng suốt của Đảng!’”
Tác giả cho hay tiếp:
“Vụ Nhân văn – Giai phẩm: Ông nói cho đến bây giờ sự đánh giá của Đảng về hoạt động của nhóm này vẫn không thay đổi, bản chất là phản động (ông nhấn mạnh chỗ này). Bởi mục đích mà bọn họ theo đuổi đến cùng là chống phá chế độ, chống lại sự lãnh đạo của Đảng đối với văn học – nghệ thuật.
Vụ Văn đoàn độc lập: Ông cho biết đây là sự kiện nóng rất gần đây trong đời sống văn học và sinh hoạt xã hội. Dụng ý sâu xa của bọn họ là muốn văn học độc lập với chính trị, không chịu sự lãnh đạo của Đảng. Bọn họ gồm một số nhà văn vốn bất mãn với chế độ. Ông nói, theo nhận định ban đầu của Đảng (?) thì đây là một dấu hiệu rất bất thường của xu hướng chống đối, chắc chắn có liên quan đến âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch!”
[4] “Đây là một sự kiện chưa từng có, Tổng Bí Thư có hỏi tôi rằng: Có phải đây là lần đầu tiên tổ chức hội nghị này không ? Tôi trả lời: Đây là lần đầu tiên chúng ta sẽ tổ chức vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch) 2017…”. Trích đoạn trên của Lê Dung phái viên đài SBTN. Bản tin nhận được từ quốc nội viết tắt ba chữ TBT khiến người viết nghi ngại có thể lầm lẫn với Tổng Biên Tập nên dè đặt bỏ qua. Nếu đúng như thế thì nó củng cố cho giả thuyết thư hai: ông Hữu Thỉnh tuyên bố theo lệnh đảng và nhà nước.
(Ba Sàm)