Đoàn Văn Thanh
* Tác giả gửi bài cho VNTB
Quốc Hội (QH) Việt Nam dưới sự cầm lái của ông Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục chứng minh “những chuyện lạ chỉ có ở Việt Nam” khi vào ngày mai – 15/11/2014, Đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm kín với 49 chức danh do QH bầu và phê chuẩn.
Những câu chuyện lạ đời
Đây không phải là lần đầu Quốc Hội Việt Nam gây sốc dư luận và truyền thông báo chí. Trước đó, trong lần bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên, ba mức phiếu tín nhiệm theo kiểu “răn đe, xoa dịu” lần đầu tiên trên thế giới được áp dụng thông qua Nghị quyết 35. Đó là mức tín nhiệm cao, tín nhiệm vừa, và tín nhiệm thấp.
Kết quả, lần bỏ phiếu tháng 5 của “đợt sinh hoạt dân chủ với hình thức đầy mới mẻ” trở nên cũ xì về bản chất khi đưa đến một kết quả “huề cả làng”. Không có bất kỳ ai bị răn đe cả, chỉ có mỗi sự rút kinh nghiệm, nhất là đối với cá nhân ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người gây ra sự sai phạm kinh tế trầm trọng cho đất nước trong thời gian ông nắm quyền.
Chính tính chất “giương cao đánh khẽ” của việc lấy phiếu tính nhiệm, nên nhiều cử tri, ĐBQH yêu cầu việc sửa đổi Nghị quyết 35 theo hướng răn đe/ trừng phạt. Tuy nhiên, một lần nữa, Quốc Hội tỏ ra thiếu chu đáo nên dự thảo sửa đổi Nghị quyết được trình ra trong kỳ họp thứ 7 hầu như không có bước tiến triển gì so với trước, khi mà đối tượng và ba mức tín nhiệm được giữ nguyên, thậm chí còn thụt lùi so với trước khi thời gian lấy phiếu từ hàng năm sang 1 lần trong cả nhiệm kỳ. Nghị quyết 35 gần như bị vô hiệu hóa hoàn toàn, trong khi người dân và ĐBQH cần nhiều hơn thế, nhất là về vấn đề “bất tín nhiệm, tần suất bỏ phiếu, áp dụng địa phương”.
“Bất cập, hạn chế, vướng mắc” là những gì mà ông Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu trao đổi với báo giới vào tháng 6, khi sự mong mỏi của ĐBQH và cả dư luận xã hội trong vấn đề làm chặt việc bỏ phiếu đã không được “đáp ứng” thông qua sự “khuất tất” đến khó hiểu của dự thảo sửa đổi.
Trong khi đó, ông Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã có một động thái đáng chú ý trước khi bước vào lấy phiếu tín nhiệm cuối năm khi đặt vấn đề “dọn đường thoát”: “Liệu các hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm như từ chức, bỏ phiếu tại kỳ họp sau hoặc bỏ phiếu tín nhiệm ngay, gấp gáp quá không?”. Và theo ông Chủ tịch QH, việc này cần làm có lý có tình. Quan điểm trao đổi này vô hình chung khiến các vị ĐBQH bị “áp tư tưởng” trước khi đi đến làm nhiệm vụ “giám sát” đối với các chức vụ chủ chốt của đất nước mà nhân dân giao phó.
Và giờ đây, “thất vọng, thụt lùi, thiếu minh bạch, trách nhiệm” mà những ai kỳ vọng vào lấy phiếu tính nhiệm nhận thấy rõ rệt khi, thay vì công khai như lần đầu lấy phiếu, Quốc Hội đã đưa toàn bộ nội dung giám sát vào trong bóng tối thông qua lấy phiếu kín trong ngày 15/11.
Lấy phiếu kín – Quốc Hội trêu dân?
Đó là câu hỏi mà những ai quan tâm đến việc bỏ phiếu tín nhiệm đặt ra. Có vẻ như, Quốc Hội đang đi một lộ trình được vạch sẵn bởi một nhóm người. Khi mà các hoạt động của Quốc Hội, trong đó có cả việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đã chưa đi vào thực chất.
Từ sự chuẩn bị không chu đáo của Quốc Hội đã khiến cho đợt lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên rơi vào tình trạng “bỡ ngỡ”, quan điểm “cái lý cái tình”, và tinh thần “rút kinh nghiệm, tự phê bình”.
Tiếp đó, yêu cầu sửa đổi lạ Nghị quyết 35 đem lại “kết quả bất ngờ” khi bản dự thảo được đệ trình lên hoàn toàn không đáp ứng như kỳ vọng của ĐBQH bởi tính chất “làm cho có lệ” của nó. Mặc dù, bản thân Nghị quyết 35, được xem như một văn bản pháp quy quan trọng, xác định tính chất giám sát ở của cơ quan dân cử đối với những ĐB do QH và HĐND bầu ra.
Nghị quyết 35 chưa sửa đổi, bổ sung hao hụt, đã khiến cho việc tín hành lấy phiếu tín nhiệm trở nên thiếu tính răn đe/ trừng phạt khi nó chưa phải là lá phiếu “bất tín nhiệm” dù rằng, nhiều vị lãnh đạo, trong đó có ông Tổng Bí Thư cố gắng diễn giải để liên kết chúng lại làm một. Nhưng, điều đó càng khiến cho nhiều ĐBQH càng khó hiểu hơn. “Ba mức tôi thấy rất vô lý. Cử tri cũng nói hai mức rất dễ hiểu, thông thường, sao QH lại làm khác đi, tôi không giải thích cho họ được”, Nguyễn Thị Quyết Tâm (ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh) nghi ngại.
Có hay không sự chi phối của Chính phủ (CP) đối với việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm bảo toàn cho một số lãnh đạo chủ chốt ở khu vực này?
Sự lo ngại này không phải vô cớ, khi mà trước phiên thảo luận vào ngày 13/6 đối với Nghị quyết 35, bên CP đã có văn bản góp ý cho dự thảo này, trong đó: CP nhất trí với phương án giữ nguyên 3 mức “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm” và “Tín nhiệm thấp”. Kết quả, dự thảo sửa đổi đệ trình trong tháng 7 đã không có gì mới mẻ, thậm chí thụt lùi.
Tiếp đó, việc tiến hành lấy phiếu kín cũng khiến cho những ai quan tâm phải sốc. Bởi tính chất “đóng cửa bảo nhau”.
Đánh giá về điều này, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách Pháp luật & Phát triển từ Hà Nội trong lần trả lời phỏng vấn BBC Vietnamese cho biết: “Thế bây giờ lại thêm một bước nữa là lấy tín nhiệm chỉ để bí mật, Quốc hội mà hoạt động bí mật thì nó sai hoàn toàn với nguyên lý là cơ quan dân cử. Cái đó không ở đâu giống cả, ở nhiều nước Quốc hội còn mở cửa cho dân vào và còn dự các kỳ họp của Quốc hội.”
Phải chăng, QH đang tạo ra một bước đi danh dự cho một số vị “lãnh đạo chủ chốt” lần này? Hay nói cách khác, đã có một lộ trình được vạch sẵn ra nhằm né tránh tính chất trừng phạt của đợt lấy phiếu tín nhiệm cuối năm này.
Điều 83 (Hiến pháp 2013), điểm 1 quy định:“Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín.”
Quốc Hội đang trêu Dân? Và “lấy phiếu kín” chính là cách làm “có lý, có tình” mà ông Chủ tịch Quốc Hội từng nhắc trong lần cho ý kiến về Nghị quyết 35 hồi tháng 6? Để rồi, việc “lấy phiếu tín nhiệm” lần này sẽ rơi vào tinh thần của nghị quyết T.Ư 4 khi chủ trương “kiểm điểm, tự phê bình” là chính.
Chính tính chất bắt buộc, thiếu minh bạch đã khiến cho việc lấy phiếu tính nhiệm của đợt cuối năm này như một kiểu dân chủ hình thức không hơn, không kém.
Lẽ nào, sau buổi chiều 15/11, ông Tổng Bí thư lại phải lên truyền thông nhắc lại câu nói trước đó của mình vào tháng 6: Đánh giá cán bộ lâu nay do nể nang nên còn hình thức.
Kín thì trả Quốc Hội lại cho Dân
Theo dự thảo luật Tổ chức QH sửa đổi được trình Thường vụ QH, ĐBQH có thể bị bãi nhiệm nếu vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống, làm ngược lợi ích của nhân dân.
Trong bài phát biểu Khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc Hội trong sáng ngày 20/10. Ông Chủ tịch Quốc Hội đã cam kết một sự “chuẩn bị chu đáo, kỹ càng” trong lấy bỏ phiếu tín nhiệm. Thế mà giờ đây, sự chu đáo, kỹ càng đó hóa ra chỉ áp dụng cho hành vi “giấu dân” thay vì “giám sát 49 chức danh cấp cao”.
Liệu rằng, yếu tố kín có phải chính là hiện tượng “định hướng” cho ĐB mà không phải gặp sự phản ứng từ truyền thông, dư luận xã hội?
Đã từng có cảnh báo về việc “hòa cả làng” trong lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt. Điều này từng xảy ra trong lần đầu. Với lần này, yếu tố đó càng “công khai” hơn thông qua “lấy phiếu kín”.
Vậy tính thực chất của cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần này là như thế nào? Khi mà Quốc Hội đang tiến hành một hoạt động mang tính thay dân giám sát, nhưng lại tước bỏ tính minh bạch của dân?
Lấy phiếu chính là kiểm soát trách nhiệm/ thái độ làm việc của ĐBQH, chứ không phải la một màn “trình diễn dân chủ” để xoa dịu dư luận, lấy lòng dư luận. Vì điều đó càng chứng tỏ sự thiếu tầm của Quốc Hội trong xử lý các vấn đề nóng của đất nước.
Nó cũng giống như vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm có từ năm 2001, khi sửa đổi, bổ sung điểm 7, điều 84 (Hiến pháp 1992): “QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do QH bầu hoặc phê chuẩn”. Nhưng mãi sau đó 12 năm (2013) mới được thực hiện vậy.
Do đó, muốn dân an lòng thì phải công khai màn bỏ phiếu, công khai số phiếu. Bởi công khai – chính là tự quyết. Còn đóng kín cửa chính Quốc Hội đã đi ngược lại tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Giờ đây, Quốc Hội phải tự xem mình đang làm gì để xứng đáng sự kỳ vọng của dân. Mỗi vị ĐBQH phải xem xét mình có còn là ĐB của dân hay không. Trong bối cảnh đất nước đang nổi lên nhiều vấn đề bức xúc nóng bỏng như hiện nay.
Hãy trả việc bỏ phiếu bất tín nhiệm, quyền giám sát của nhân dân về đúng bản chất của nó.
Vì “QH là dân, dân quyết sai dân chịu chứ kỷ luật ai?”, và nhân dân lần này muốn tự quyết, chứ không để xảy ra tình trạng “quýt làm cam chịu” theo kiểu ông Chủ tịch Quốc Hội từng cao ngạo tuyên bố nữa!