Việt Nam Thời Báo

Kinh tế bấp bênh nhưng Thủ tướng lạc quan

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-12-05


000_Hkg10125709-350.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trấn an các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp khi ông đưa ra các con số đẹp cho kế hoạch 2015.

Lên tiếng tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF) 2014 tổ chức sáng 2/12 tại Hà Nội, báo chí nhà nước dẫn lời người đứng đầu chính phủ cam kết sang năm 2015, Việt Nam sẽ kiểm soát lạm phát ở mức 5% để tạo điều kiện phát triển kinh tế. Bội chi ở mức 5% GDP, tăng trưởng kinh tế ở mức 6,2%.

Những dự báo này được cho là khá lạc quan trong bối cảnh bấp bênh của nền kinh tế Việt Nam, mà chỉ một ngày sau tức 3/12/2014, Ngân hàng Thế giới đã phản ánh trong một báo cáo sử dụng ngôn ngữ ngoại giao cẩn trọng, nhưng cũng không kém phần lo ngại.

Lạc quan tếu?

Nhận định về những vấn đề liên quan, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc tại Hà Nội phát biểu:

“Ông Thủ tướng rất lạc quan nhưng thực tế vấn đề nó khác, ví dụ như năm 2014 này thì mức lạm phát có khả năng dưới 3%. Nhưng bên cạnh việc kiểm soát được thì nỗi mừng đó còn có mối lo nếu mức lạm phát sụt giảm quá mức thì sẽ có rất nhiều vấn đề trong tương lai mà hiện nay đang bàn. Dự báo 2015 của Chính phủ lạm phát dưới 5%, tăng trưởng 6,2% điều đó có khả thi hay không. Theo tôi là khả thi nhưng kiểm soát lạm phát mà trong điều kiện năng suất lao động chất lượng hiệu quả không tăng, mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, những thách thức phía trước còn rất là lớn.

Dùng chính sách thắt chặt tiền tệ mà do nguyên nhân của giá thế giới, thí dụ xăng dầu, gạo, đường, đậu nành v..v.. nguyên liệu đầu vào giảm cái đó là khách quan, mà với cái đó và chính sách thắt chặt tiền tệ quá mức thì sẽ dẫn tới lạm phát thấp. Với mức độ khó lường như thế sẽ dẫn đến một nền sản xuất trì trệ, khi sản xuất trì trệ sẽ quay vòng lại là thiếu công ăn việc làm, nẩy sinh rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Cho nên theo quan điểm của tôi, với những chỉ tiêu đặt ra trên con số thì rất đẹp, thực chất của vấn đề còn nhiều thách thức cần phải tiến hành để xử lý.”

Những vấn đề mà Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long đặt ra cũng được Ngân hàng Thế giới lưu tâm. Theo Tuổi Trẻ Online, một ngày sau Diễn đàn Doanh nghiệp 2014 (VBF), ngày 3/12 cũng tại Hà Nội Ngân hàng Thế giới họp báo để công bố báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam. Theo đó Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2014 của Việt Nam dự báo đạt 5,5%, cao hơn mức 5,4% của năm 2013. Tuy nhiên báo cáo của Ngân hàng Thế giới phản ánh sự lo ngại lớn lao vì số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể cao hơn doanh nghiệp thành lập mới. Được biết 10 tháng đầu năm nay có thêm 54.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động và phải đóng cửa tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó số doanh nghiệp mới thành lập lại giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Khi phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2014 hôm 2/12 tại Hà Nội Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, sang năm 2015 nợ công sẽ bảo đảm không vượt quá trần cho phép và bảo đảm trả nợ đúng hạn, đầy đủ theo kế hoạch. Theo VnExpress, Thủ tướng Việt Nam hứa hẹn sẽ tích cực cải cách, phát triển mạnh thị trường vốn, tiền tệ, lao động, bất động sản…để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam vẽ ra một bức tranh tươi sáng cho 2015, đó là giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu ngân hàng xuống dưới 3% vào năm 2015. Theo lời Thủ tướng, lúc đó hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam sẽ trở lại mức bình thường, đảm bảo an toàn.

PGSTS Ngô Trí Long nhận định về vấn đề này:

“Hiện nay đối với Việt Nam, một là nợ công, hai là nợ xấu, ba là nợ đọng thì rất là lớn và có xu hướng tăng. Tại sao nợ công có xu hướng tăng, tại vì nguồn thu ngân sách hạn hẹp luôn luôn bội chi ngân sách. Thứ hai mô hình kinh tế không hiệu quả, năng suất chất lượng không có cho nên làm ăn không hiệu quả, do vậy phải vay nợ mà không có khả năng trả. Vấn đề thứ ba, tham nhũng thất thoát lãng phí còn rất lớn góp phần vào xu hướng nợ công tăng cao. Chính phủ vẫn bảo đảm nợ công không vượt trần đó là lời nói còn như thế nào thì để thực tế trả lời. Mặc dù Thủ tướng có cam kết nhưng có hiện thực được hay không thì phải chờ đợi. Sự quyết tâm và sự cải tổ như thế nào, thay đổi mô hình, thay đổi cách quản lý, thay đổi thể chế như thế nào là một vấn đề quan trọng.”

Chính sách của nhà nước

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết tại VBF 2014 là năm 2015 đưa nợ xấu ngân hàng về dưới 3%. Tuy nhiên Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long cảm thấy hoài nghi về vấn đề này. Ông nói:

“Theo quan điểm của tôi, Công ty VAMC thành lập hơn một năm nay nhưng xử lý nợ xấu còn hạn hẹp, ví dụ khoảng 10% thôi. Thực chất là bỏ từ túi này sang túi kia thôi, có nghĩa là làm đẹp sổ sách của các tổ chức tín dụng còn thực tế các khoản nợ xấu đó vẫn không xử lý được.”

Cùng về vấn đề này, Thời báo Kinh tế Việt Nam trích báo cáo công bố hôm 3/12 tại Hà Nội của Ngân hàng Thế giới với nhận xét đầy hoài nghi. Theo đó công ty xử lý nợ xấu của Việt Nam VAMC sau hơn một năm hoạt động đã mua lại lượng nợ xấu khoảng 90.000 tỷ đồng xấp xỉ 4,2 tỷ USD. Nhưng theo Ngân hàng Thế giới, VAMC vẫn chưa đưa ra được một chiến lược rõ ràng và khả thi để giải quyết số nợ xấu đã mua một cách hiệu quả.

Mặt khác nỗ lực của VAMC trong hoạt động xử lý nợ đang bị cản trở do thiếu khung pháp lý liên quan tới phá sản và sở hữu tài sản, nhằm bảo vệ VAMC và các ngân hàng thương mại tránh khỏi những kiện tụng pháp lý trong trường hợp xảy ra tổn thất tiềm ẩn cho Nhà nước khi chưa thể thiết lập một cơ chế thị trường xử lý nợ xấu rõ ràng. Vẫn theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhận định là, câu hỏi về qui mô nợ xấu thực tế vẫn chưa được giải đáp triệt để, mặc dù việc ban hành các Thông tư về phân loại và dự phòng tổn thất nợ vay là một bước đi đúng hướng.

Theo chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành hiện sống và làm việc ở Hà Nội, giải pháp bán nợ xấu cho VAMC lấy trái phiếu của Ngân hàng Nhà nước để ngân hàng yếu kém thanh khoản được tiếp tục hoạt động là không khả thi.

“Nhà nước không muốn ngân hàng nào bị phá sản bị đổ vỡ hay bị xử lý, đấy là một chính sách mà đối với tôi hoàn toàn không hợp lý. Tại sao lại tạo điều kiện cho những ngân hàng yếu kém tiếp tục hoạt động để làm gì, trong khi đấy không giải quyết được vấn đề nợ xấu. Cho nên việc này nhà nước cần phải suy nghĩ cho kỹ để có giải pháp thật sự khả thi, giải pháp của VAMC chỉ là quét nhà dọn nợ xấu qua kho của VAMC và tạm thời để đấy thôi chứ không giải quyết vấn đề gì cả.”

Trong lúc Chính phủ Việt Nam lạc quan về viễn cảnh kinh tế 2015 thì báo chí cũng đưa nhiều tin bài về việc giá dầu thế giới giảm liên tục và dự báo khuynh hướng giá dầu duy trì ở mức thấp trong năm 2015. Về nguyên tắc đối với các nước phát triển thì giá dầu thấp sẽ giúp đẩy mạnh sản xuất tăng trưởng kinh tế. Ngược lại những nước mà nền kinh tế dựa vào xuất khẩu dầu sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Việt Nam ở trong trường hợp khá đặc biệt xuất khẩu dầu thô đạt 10% GDP, nhưng nhập khẩu xăng dầu thành phẩm cũng như các phó sản dầu hỏa lại rất lớn, như vậy về nhập khẩu thì giá sẽ hạ. Theo VnExpress, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 1/12 ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Nên Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết dự toán ngân sách 2015 của Việt Nam xây dựng trên cơ sở giá dầu dự báo khoảng 100 USD/ thùng, giá dầu giảm 1 USD thì ngân sách hụt khoảng 1.000 tỷ đồng. Nếu giá dầu 2015 bình quân 85 USD/thùng thì ngân sách sẽ hụt thu 20.000 tỷ đồng.

Cập nhật giá dầu thế giới ngày 4/12/2014 là 67 đô la 38 xu một thùng và dự báo sang năm sẽ vẫn duy trì ở mức dưới 80 USD/ thùng. Tuy rằng không ai có thể dự báo chính xác sự trồi sụt của giá dầu trên thế giới, nhưng trong trường hợp Việt Nam đây là những bài toán rất phức tạp cho nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam cho tới nay chưa công bố một nghiên cứu nào liên quan đến sự lợi hại, được và mất trong trường hợp giá dầu tăng hay giảm cho toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận định:

“Giá dầu giảm một mặt nó làm nguồn thu ngân sách giảm nhưng mặt khác cũng có xu hướng tạo điều kiện tăng thu. Thí dụ đi kèm với dầu đó là sản phẩm chất dẻo, phân bón, hóa chất một số thứ liên quan tới dầu. Cho nên giá giảm cũng ảnh hưởng giá đầu vào sản xuất của Việt Nam. Cùng lúc giá dầu giảm thì các ngành nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt ngành vận chuyển giảm, làm cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp giảm đi, giá thành giảm lợi nhuận thu được sẽ cao hơn. Ở đây chính là một thách thức nhưng cũng là thời cơ để tạo điều kiện cho nguồn thu cân đối.”

Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh ở Hà Nội nói với đài ACTD là cần phải có phương án tính toán một cách đầy đủ theo mô hình kinh tế học định lượng thì mới có thể lượng định được mặt được và mất của việc giảm giá dầu này đối với nền kinh tế Việt Nam như thế nào và đó là nhiệm vụ của các Viện Nghiên cứu của Việt Nam.

RFA

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.