Việt Nam Thời Báo

Kinh tế tư nhân không cần ưu đãi, mà cần đối xử công bằng!

Theo các chuyên gia vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế cần được xác định là động lực chủ yếu thay vì là một trong những động lực và điều doanh nghiệp quan tâm không hẳn là những ưu đãi mà là sự đối xử một cách công bằng.

Tin liên quan:


Với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động”, diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015 diễn ra trong 2 ngày 21-22/4 tại Nghệ An đã thu hút những chuyên gia kinh tế hàng đầu nêu quan điểm, góp ý nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Từ trái qua: Bà Phạm Chi Lan, ông Trương Đình Tuyển, ông Phạm Ngọc Long
Trong đó, một nội dung được nhiều chuyên gia đề cập là việc xác định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế Việt Nam. 
Kinh tế tư nhân là động lực chủ yếu

(Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại)

Cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh đã đạt những bước tiến quan trọng thông qua, sửa đổi 29 luật, trong đó có những luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, đã tạo ra khuôn khổ thể chế mới cho hoạt động kinh doanh.

Tuy đạt được những cải thiện nhất định nhưng Việt Nam vẫn chưa tạo được chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện đột phá chiến lược có ý nghĩa quan trọng nhất – đột phá tạo sức lan tỏa đến hai đột phá khác là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính.

Doanh nghiệp Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng trên 30% GDP, nhiều hàng hóa và dịch vụ doanh nghiệp Nhà nước vẫn chiếm vị trí độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường và chèn lấn khu vực tư nhân, chưa có đổi mới về hệ thống chính trị, tạo “đường dẫn” cho cải cách hành chính đến với thị trường, người dân và doanh nghiệp.

Chủ trương nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng không được thể hiện trong phát triển kinh tế. Tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực FDI tăng liên tục từ 15,6% năm 2005 lên xấp xỉ 20% năm 2013. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014, khối FDI chiếm gần 68%.

Với xu thế này, quan điểm kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo không còn chính xác. Điều cần thay đổi là phải lấy kinh tế tư nhân làm động lực chủ yếu, phải có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Doanh nghiệp tư nhân không kém FDI 

(Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế)

Khu vực kinh tế tư nhân cần biến thành động lực phát triển kinh tế Việt Nam, không thể nói là một trong những động lực như thế nó sẽ rất èo uột. Và cũng đừng nói khu vực tư nhân chưa đủ mạnh, đủ trưởng thành để làm việc này việc khác.
Vingroup hay nhiều doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam đang hoạt động như thế nào? Từ bất động sản các doanh nghiệp lớn này đã đang đầu tư sang lĩnh vực khác.
Mặc dù nhiều sự trưởng thành vẫn có dấu hỏi và nỗi buồn do doanh nghiệp thành công nhiều liên quan đến lĩnh vực bất động sản, liên quan đến sở hữu toàn dân nhà nước đang sở hữu, không phải những gương mặt lớn trong ngành công nghiệp, dịch vụ nhưng đừng giữ mặc cảm cái gì cũng cầu đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước làm. 
Cùng dự án nếu doanh nghiệp trong nước có ưu đãi như doanh nghiệp FDI làm không kém vì FDI khi chúng ta trải thảm đỏ chủ yếu vẫn là khai thác tài nguyên, công nhân giá rẻ… 
 Doanh nghiệp tư nhân “nhòm ngó” cảng biển, sân bay… những lĩnh vực vốn chịu sự chi phối của nhà nước. Ảnh: TTO

Đối với doanh nghiệp FDI, lợi nhuận là số 1, chúng ta ưu đãi bao nhiêu họ nhận bấy nhiêu, ưu đãi thực chất là lấy thuế của dân để cho nhà đầu tư nước ngoài hưởng. Do đó nếu có hệ thống quản trị tốt sẽ không đến mức như vậy và cần khuyến khích doanh nghiệp kết nối được với nội địa, có tác động lan tỏa chúng ta sẽ có những doanh nghiệp đàng hoàng.

Doanh nghiệp trong nước cần hệ thống khuyến khích, tái phân bổ nguồn lực, thay đổi cách phân bổ nguồn lực để tiếp cận một cách bình đẳng. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư Chính phủ nên có Nghị định riêng về các doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Mong muốn phân bổ nguồn lực cân bằng

(TS. Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa)

Vai trò khu vực kinh tế tư nhân là một trong bốn động lực của nền kinh tế đặc biệt sau thời điểm tham gia WTO.

Khu vực kinh tế tư nhân càng ngày càng trở thành động lực chủ đạo, nếu giảm bớt quy mô doanh nghiệp Nhà nước và siết chặt quản lý doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI. Nếu muốn phát huy không có cách nào khác nâng vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nâng đỡ, hỗ trợ, và giúp đỡ có thể không cần ưu đãi cũng được nhưng mong sự phân bổ nguồn lực cân bằng.

Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp lớn được ví như các đại gia đã tham gia mua cảng biển sân bay, thậm chí cổ phần hóa làm không chặt chẽ họ sẵn sàng tham gia, mua tài sản công. Sở hữu nhà nước từ thuế của dân chuyển giao dễ dàng cho họ lặp lại câu chuyện nhóm lợi ích.

Theo Nguyễn Thảo/ Bizlive

Tin bài liên quan:

Nhập siêu từ Trung Quốc: Chóng mặt!

Phan Thanh Hung

“Đã nhìn thấy đích đến cho đàm phán TPP”

Phan Thanh Hung

Lý Quang Diệu và Phạm Văn Đồng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo