Việt Nam Thời Báo

Làm gì khi ”được” vu khống trên mạng xã hội?

10-10-2016
Ảnh: FB Hồ Bất Khuất
Ảnh: FB Hồ Bất Khuất

Với tư các là người đang bị vu khống, tôi xin chia sẻ với cộng đồng mạng đôi điều. Thật ra, nhiều người khuyên tôi ứng xử theo kiểu “chó cứ sủa, đoàn người cứ đi”; lại có người bảo nên xem đây là cơ hội để tránh sự bình lặng, nhàm chán trong cuộc sống; ý kiến thứ ba còn lạc quan hơn, cho rằng, tôi đã được họ “phong thánh”, nên vui mừng.
Tuy nhiên, là người làm công tác truyền thông, tôi chọn cách ứng xử riêng của mình. Xin được chia sẻ:
Khi bị vu khống, thứ nhất là nên bình tĩnh và mỉm cười. Thứ hai, tìm hiểu xem người vu khống mình là ai. Thứ ba, có những phản ứng thích hợp. Phản ứng thích hợp đầu tiên là dùng ngay mạng xã hội để thông báo cho bạn bè, người thân và nhờ họ truy tìm kẻ vu khống. Phản ứng thích hợp thứ hai là thông báo, giải thích cho cơ quan mà mình đang làm việc biết, yêu cầu họ giúp đỡ để tìm kẻ muốn hãm hại mình.
LÀM GÌ KHI KẺ VU KHỐNG LÀ DƯ LUẬN VIÊN?
Có người chưa biết dư luận viên là ai, tôi xin nói ngắn gọn như sau: Đây là những người được một số cơ quan chức năng bí mật thuê để dùng họ vào những việc mà những cơ quan chính thống không tiện ra mặt làm những việc đó. Ví dụ, ngăn cản, gây hấn với những người biểu tình chống Trung Quốc; chửi bới những người đáng kính như Nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Giáo sư Ngô Bảo Châu…
Trong sự việc của mình, khi đi tìm kẻ vu khống giấu mặt, tôi phán đoán (còn bạn bè tôi thì khẳng định) Phùng Sông Hiếu là một dư luận viên, có thể ông ta có hẳn một nhóm chuyên để vu khống những người đàng hoàng, có bản lĩnh.
Khi bị dư luận viên vu khống, phải thấy ngay là ít nhiều mình đã gặp rắc rối. Thứ nhất, dư luận viên được thuê tiền để vu khống nên họ sẽ làm rất chăm chỉ và hăng hái. Thứ hai, ở một mức độ nào đó, chính quyền, công an nếu không bảo vệ họ, thì cũng lờ đi chứ không nhiệt tình vạch mặt họ. Do vậy, việc đầu tiên đối phó với dư luận viên là thông báo ngay với cơ quan chức năng, thông báo với công an và nhờ họ truy tìm. Thứ hai, khơi gợi xem họ còn chút lòng tự trọng nào không? Nếu có họ sẽ xuất đầu, lộ diện và ta có cơ hội tranh luận sòng phòng, chỉ ra cái xấu xa, kém cỏi của họ.
Nếu họ không xuất đầu lộ diện, tiếp tục vu khống giấu mặt thì vẫn có mặt tích cực của nó. Đó là càng vu khống, họ càng lộ rõ bản chất của mình. Trong trường hợp của tôi, Phùng Sông Hiếu đã lộ rõ mấy “phẩm chất” sau đây:
1. Ông ta là người rất trịch thượng. Là một kẻ giấu mặt nhưng lại đưa ra yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phải làm thế nọ thế kia; tỉnh uỷ Nghệ An, Trường Đại học Vinh phải chịu trách nhiệm gì, v.v… Mà người trịch thượng, như chúng ta biết, văn hoá (mặc dù có thể có học hàm, học vị) cũng như nhân cách không cao.
2. Những lời lẽ đại ngôn của ông ta như “phản động”, “chống Đảng”, “chống Nhà nước”… chứng tỏ ông ta gần như nói mà không chịu hiểu mình đang nói gì. Điều này gợi nhớ kiểu đấu tố thời cải cách ruộng đất. Cải cách ruộng đất là một trang đau thương trong lịch sử nước ta, nó đã trôi qua lâu rồi, ấy thế mà bây giờ vẫn có người hành xử theo cách đó. Vậy người đó là loại người gì?
3. Phùng Sông Hiếu tự xưng là giảng viên cao cấp, còn viết cái gọi là “Bài giảng cho sinh viên báo chí”. Tôi đọc những thứ này và băn khoăn tự hỏi: Vẫn còn những người nhận thức như thế này về chủ nghĩa Mác – Lê nin vào thế kỷ 21? Điều này làm tôi nhớ lại chuyện hôm trước cô cháu kể: “Thấy ngoài rạp chiếu phim hay, cháu mời ông bà cháu đi xem. Ông bà cháu bảo: À, đấy là chớp bóng chứ gì? Ông bà xem rồi. Cháu hỏi lại: Ông bà xem khi nào ạ? Ông bà trả lời: xem cách đây 50 rồi”.
Phùng Sông Hiếu cho rằng, học thuyết Mác – Lê nin học một lần (trong khuôn khổ vài quyển giáo trình) là xong, cứ thế nói lại là được. Phùng Sông Hiếu không hiểu một điều đơn giản là cả Mác, cả Lê nin sinh thời đều kêu gọi những người đi sau đổi mới, sáng tạo, làm giàu lý luận của họ. Và Việt Nam chúng ta đã sáng tạo: chấp nhận kinh tế thị trường trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là một sáng tạo vì Lê nin không hề nói đến kinh tế thị trường có thể được áp dụng thành công trong xã hội xã hội chủ nghĩa.
Vậy mà một người tự xưng là giảng viên cao cấp không hiểu được những điều đơn giản này thì thật đáng buồn và nguy hiểm – nguy hiểm ở chỗ loại tư duy này kìm hãm sự phát triển.
Một điều nữa tôi muốn nói là dư luận viên đang gây hại cho xã hội bằng cách làm nhiễu loạn thông tin. Với cách nói, cách viết, cách hành xử của họ, nhiều người sẽ không biết đâu là thật, đâu là giả, đâu là chính, đâu là tà… Điều này có lẽ những người sinh ra dư luận viên chưa nghĩ tới.
(Ba Sàm)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo