Việt Nam Thời Báo

‘Lãnh đạo được mến mộ như ông Thanh là hiếm’

                             Ảnh ông Nguyễn Bá Thanh dự họp Quốc hội hồi tháng 10/2013
Sức khỏe của Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đảng Nguyễn Bá Thanh và nhân sự, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ tới đây đang là những chủ đề được dư luận Việt Nam quan tâm trong những ngày này, các khách mời khẳng định với dự Tọa đàm trực tuyến đầu năm 2015 của BBC.

Bình luận với BBC hôm 08/01 về Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, người đang điều trị bệnh ưng thư về máu tại Hoa Kỳ, cựu Đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng lãnh đạo mà được nhiều người dân ‘mến mộ’ như ông Bá Thanh là ‘hiếm’.

Trước hết, bình luận về trang Chân dung Quyền lực, một trang mạng thời gian gần đây tung ra liên tục nhiều thông tin, tin tức ‘nhạy cảm’, đặc biệt xung quanh sức khỏe của ông Thanh và các cáo buộc về ‘cuộc chiến quyền lực ác liệt’ giữa ông Thanh và ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực, Giáo sư Thuyết nói:

“Tôi cũng có đọc những trang mạng đó, tôi phải nói như thế này: thực ra người viết được những thông tin đến mức như thế thì không thể là người dân thường. Thậm chí cũng không phải là phóng viên, mà chắc chắn đó phải là người thạo những tin nội bộ.

“Vậy theo tôi đặt vấn đề chấn chỉnh những tin tức như thế này là đúng, nhưng chấn chính ở bộ phận nào, nó ở trong phạm vi nào, thì chắc là những người có thẩm quyền, những cơ quan chức năng phải rõ hơn chúng ta.”

“Bởi vì chúng ta nhìn vào những cái tin, chúng ta thấy rặt là những cái tin mà có thể nói gây nghi ngờ, nó reo rắc những nghi ngờ vào lãnh đạo này, lãnh đạo khác, ứng viên này, ứng viên khác, thế thì nó chính xác đến đâu, thì chắc là giới thạo tin người ta phải biết.

Những cảnh người dân Đà Nẵng đội sương đi đón ông Thanh ở sân bay Đà Nẵng cho thấy là ông Thanh được rất nhiều người, đặc biệt là người dân Đà Nẵng mến mộ. Những lãnh đạo được mến mộ như thế cũng hiếm đấy
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết


“Tôi phải nói thế này, những điều mà nói về ông Nguyễn Bá Thanh, rồi những cảnh người dân Đà Nẵng đội sương đi đón ông Nguyễn Bá Thanh ở sân bay Đà Nẵng cho thấy là ông Thanh được rất nhiều người, đặc biệt là người dân Đà Nẵng mến mộ.

“Những lãnh đạo được mến mộ như thế cũng hiếm đấy. Và thứ hai thực sự ra theo tôi hiểu là qua việc người dân bày tỏ tình cảm với ông Thanh, cũng thể hiện một thái độ gì đó. Ví dụ ít nhất người ta phàn nàn cho sự bất công đối với ông Thanh.

“Còn những tin tức tôi có đọc thì tôi cho nó chẳng có cơ sở gì cả, bởi vì tôi nghĩ một người như ông Nguyễn Bá Thanh, tuy quan trọng thật, không phải là người quyết định tất cả những vấn đề này, thế thì người ta tập trung vào tiêu diệt ông ấy để làm gì?

“Và cái giá mà người ta phải trả, nếu như những việc này mà được phát hiện thì nó sẽ như thế nào? Tôi cho rằng những tin này không có cơ sở đâu,” cựu Phó Chủ nhiệm Ủy văn Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam nêu quan điểm.

‘Thời điểm nhạy cảm’

Cựu Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thương mại Việt Á thì nói với BBC bà cho rằng trường hợp của ông Thanh là ‘đáng tiếc’ và rơi vào một thời điểm ‘nhạy cảm’.

Bà nói với Tọa đàm trực tuyến của BBC: “Trường hợp của ông Thanh thì cũng rất đáng tiếc là nó rơi vào một thời điểm nhạy cảm như thế này và bệnh tình của ông như thế thì rất là đáng tiếc…

“Thực ra tôi thấy rất là tiếc cho ông Thanh vì trong lúc như thế này, đang chuẩn bị nhân sự mà ông lại gặp phải bệnh tình như thế thì rất là đáng tiếc, bởi vì ông Thanh cũng là một người trực ngôn, là người rất có tâm với nhân dân, với công việc.

Thực ra tôi thấy rất là tiếc cho ông Thanh vì trong lúc như thế này, đang chuẩn bị nhân sự mà ông lại gặp phải bệnh tình như thế thì rất là đáng tiếc, bởi vì ông Thanh cũng là một người trực ngôn, là người rất có tâm với nhân dân, với công việc
Cựu Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan


“Thế và thực ra những việc ông làm đối với đất nước ở phạm vi rộng cũng chưa thể hiện nhiều lắm, nhưng mà đối với cả Đà Nẵng thì cũng đã có những công lao đáng kể.

“Nhưng còn đối với cương vị mới thì thực ra ông cũng có những mong muốn, nguyện vọng như thế, nhưng cái cụ thể làm được cho đến bây giờ thực ra, nói một cách công bằng, thì cũng chưa phải là nhiều ở cương vị mới.

“Thế nhưng dù sao thì cũng đã tạo ra được một không khí để cho mọi người có ý tưởng rằng cũng có người phát biểu những điều tâm huyết với đất nước, thế nhưng cương vị của ông, tôi nghĩ rằng là một mình cũng không thể nào làm được nhiều chuyện, mọi chuyện.

“Những điều mong muốn đấy phải được cương vị lớn và cả hệ thống cơ, chứ nếu một người cũng không thể giải quyết được, mà phải là cả hệ thống cùng bắt tay với nhau thì mới làm những việc lớn được.

“Nếu mả cả hệ thống mà mỗi người nghĩ một hướng, mỗi người làm theo một hướng khác nhau, một ví trí chẳng hạn như ông Thanh mà ông có mong muốn điều lớn lao cho đất nước, một mình ông tôi nghĩ cũng chẳng làm được.

“Cho nên xét về công trạng thì tất nhiên những gì nhân dân đã thấy, nhân dân đã có tình cảm, thì chắc là mọi người cũng thấy được rằng nhân dân rất khát khao những người tâm đức với đất nước, khát khao có những vị, những con người vì dân, vì nước và cũng bất bình cho những cái mà họ gặp phải lúc này…,” cựu Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan nói.

‘Vụ Cồn Dầu thì sao?’

Họp báo về ông Bá Thanh
                                                           Họp báo về ông Bá Thanh

Ban Bảo vệ, Chăm sóc Sức khỏe Cán bộ TƯ và Ban Tuyên giáo TƯ Đảng họp báo về sức khỏe ông Thanh.

Hôm thứ Năm, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói với BBC đang có những đánh giá trái chiều về ông Nguyễn Bá Thanh và nhà hoạt động xã hội dẫn ra vụ cưỡng chế đất ở ‘Cồn Dầu’ – cho rằng đây là một vụ việc ‘gây ra bất bình’ trong một bộ phận người dân Đà Nẵng, đặc biệt là giáo dân công giáo, với trách nhiệm lãnh đạo của ông Thanh, khi ông còn đương chức Bí thư Thành ủy.

Kỹ sư Thắng nói: “Thực ra chuyện ông Nguyễn Bá Thanh hay bất cứ một nhân vật chính trị nào ở Việt Nam có xứng đáng hay không và câu chuyện xung quanh của người ta như thế nào, thì tôi muốn nói là việc đánh giá một nhân vật chính trị đòi hỏi chúng ta phải có đầy đủ thông tin.

“Điều đặc thù ở xã hội Việt Nam là bây giờ những điều luật hạn chế tự do ngôn luận, rồi tự do báo chí đang ngăn cản sự tác nghiệp của chính phóng viên chính thống nhà nước, cũng như sự bình luận của các bloggers và đã rất nhiều người bị đi tù vì những vấn đề là những phát ngôn của mình.

“Vậy tôi muốn nói ở đây là chuyện đánh giá ông Thanh như thế nào? Có thể bây giờ có rất nhiều người dân Đà Nẵng đang rất ủng hộ ông ấy, rất thương cảm. Thế nhưng lật lại một vấn đề là thế này, tôi muốn kể một câu chuyện cách đây hai năm, chính tôi đã vào trong khu vực Cồn Dầu.

“Và khi đó ở đó còn cực kỳ sặc cái mùi khủng bố, rất nhiều an ninh, rất nhiều công an tiếp tục dồn ép những các hộ dân ở Cồn Dầu và tôi đã trực tiếp phỏng vấn những người dân bị cái việc ông Nguyễn Bá Thanh cho việc quy hoạch ở đó và lấy đất của người dân.

Và khi đó ở đó còn cực kỳ sặc cái mùi khủng bố, rất nhiều an ninh, rất nhiều công an tiếp tục dồn ép những các hộ dân ở Cồn Dầu và tôi đã trực tiếp phỏng vấn những người dân bị cái việc ông Nguyễn Bá Thanh cho việc quy hoạch ở đó và lấy đất của người dân
Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng


“Vậy thì những thông tin đó hoàn toàn không được báo chí chính thống đưa tin, không được những nhà báo chính thức vào cuộc. Và bây giờ nếu một bộ phận người ta đánh giá ông Thanh là tốt, thế nhưng còn cái bộ phận mà đánh giá ông Thanh xấu thì như thế nào? Rõ ràng là nó không có sự công bằng thông tin và chúng ta sẽ không thể biết được chính xác là nhân vật nào như thế nào, có xứng đáng hay không.

“Và tôi cho một điều quan trọng nữa rằng người ta có câu là ‘Nhân dân nào, chính phủ đấy’.Cho nên tôi quan tâm đến sự thức tỉnh, sự lớn mạnh của những phong trào dân sự. Chính điều đó mới quyết định rằng cái chính phủ, cái Đảng lãnh đạo và người ta sẽ lãnh đạo đất nước như thế nào.

“Chứ nếu như người dân bây giờ người ta cũng thờ ơ, bàng quan, không tham gia vào những chuyện của đất nước, không có ý kiến gì cả, thì rõ ràng là không có một sự kiểm soát, một sự áp lực lên chính phủ, lên Đảng để có thể thực hiện được việc lãnh đạo đất nước,” nhà hoạt động xã hội nói với Tọa đàm.

‘Quan tâm đường lối’

Nhà báo Trần Nhật Phong, khách mời từ Hoa Kỳ, cho BBC hay cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ và hải ngoại, nhìn chung đang quan tâm tới vấn đề nhân sự của Đại hội Đảng lần thứ XII và đường lối, đặc biệt đường lối liên quan ‘tự do ngôn luận, báo chí và Internet” ở trong nước.

Ông Phong nói: “Về phía Hoa Kỳ, tôi nhận thấy rằng có một số quan tâm về vấn đề thay đổi nhân sự tại Việt Nam trong năm 2016 và sự sắp xếp trong kỳ hội nghị lần này – lần thứ mười.

Có thể trong Đại hội này họ sẽ có những chính sách siết chặt lại hơn sự phát triển về Internet, về mạng xã hội và những báo lề trái. Tôi nghĩ ở ngoài đang quan tâm nhất là hai vấn đề đó. Thứ nhất họ quan tâm đồn đoán nhân sự và thứ hai là vấn đề siết chặt về tự do báo chí và Internet
Nhà báo Trần Nhật Phong, Hoa Kỳ


“Tuy nhiên ở bên ngoài người ta vẫn có một số góc nhìn khác nhau. Thứ nhất họ cho rằng bên phía Việt Nam cũng đang sắp xếp lại nhân sự, mà trong đó cũng đưa ra những đồn đoán ai sẽ vào vị trí nào. Và cái thứ hai họ quan tâm nhất trong những dấu hiệu gần đây, thì sẽ có các việc siết chặt lại nền tự do báo chí, truyền thông.

“Vì những dấu hiệu gần đây cho thấy phía Việt Nam đã có những dấu hiệu rằng có thể trong Đại hội này họ sẽ có những chính sách siết chặt lại hơn sự phát triển về Internet, về mạng xã hội và những báo lề trái. Tôi nghĩ ở ngoài đang quan tâm nhất là hai vấn đề đó.

“Thứ nhất họ quan tâm đồn đoán nhân sự và thứ hai là vấn đề siết chặt về tự do báo chí và Internet.”

Hôm thứ Năm, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng người dân và dư luận lẽ ra nên quan tâm đến ‘đường lối’ hơn là nhân sự. Ông nói:

“Lẽ ra điều mà người dân phải quan tâm nhất, các Đảng viên Đảng Cộng sản ta (Việt Nam) phải quan tâm nhất trước mỗi kỳ Đại hội, đó là đường lối. Cái đó mới là cái đáng quan tâm.

“Nhưng bởi vì có lẽ đường lối thì nó cũng cứ tịnh tiến thôi, tức là từ từ thôi, nó cũng không có gì là đột phá lắm. Vả lại những ý kiến của dân hay những đảng viên bình thường tham gia vào việc hoạch định đường lối ít được tiếp thu lắm. Mà không được tiếp thu thì cũng không biết giải trình ở đâu để mà người dân hiểu.

“Cho nên người ta dần dần có một thói quen đã từ lâu rồi ở Việt Nam là mỗi Đại hội như thế người ta quan tâm tới nhân sự nhiều hơn.”

‘Mở rộng dân chủ’

Hội nghị Trung ương 10
Hội nghị Trung ương lần thứ 10 của Đảng CSVN chuẩn bị nhân sự, đường lối cho Đại hội lần thứ XII năm sau.

Theo Giáo sư Thuyết, Đảng cần phải mở rộng hơn không gian ‘chính trị và tham chính’ mà ông gọi là ‘bàn cờ’ để người dân và các thành phần trong toàn xã hội, cộng đồng có nhiều cơ hội đóng góp hơn về mặt tài năng, tiềm năng v.v…

Vị cựu Đại biểu Quốc hội nói: “Một đặc điểm của Việt Nam nữa là mình chơi cờ mình chỉ biết những quân cờ bày ở trên bàn thôi, thế còn những quân cờ tiềm năng nằm ở những chỗ khác mình không nhìn thấy hoặc có nhìn thấy cũng lờ đi, nghĩa là chỉ đánh trong những quân cờ trên bàn thôi…

“Bây giờ là đúng tâm lý Việt Nam đấy, tức là chỉ hỏi trong 200 vị đang có mặt này thì sẽ là ai? Nhưng tôi nghĩ rằng đáng lẽ phải rộng ra là ngoài hai trăm vị này còn những ai nữa? Tôi nghĩ rằng ngoài 200 vị này mà phát hiện ra những người tài chắc cũng nhiều và những người có khi mới làm ra được cái mới.

“Thế nhưng trong 200 vị này thì tôi thấy là có nhiều người cũng có năng lực và cũng có tâm. Tôi cho rằng những người ấy có thể có những đóng góp tốt hơn trong phạm vi của hệ thống này, chứ còn thực ra họ cũng không thể làm một cái gì đó quá nổi bật đâu khi mà toàn bộ cơ chế, toàn bộ hệ thống của mình (Việt Nam) nó như vậy.”

Bình luận về ý kiến của Giáo sư Thuyết, cựu Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan nói:

Tuy nhiên câu hỏi ai là người có thể là người làm thay đổi, có thể đem lại được niềm tin cũng như là những hy vọng để cho người dân rồi doanh nghiệp thay đổi bây giờ, thì thực chất ra với cá nhân tôi, tôi chưa có niềm tin rằng là ai trong số đó có thể làm thay đổi được
Bà Phạm Thị Loan


“Ý kiến của ông Thuyết cũng là ý kiến của nhiều người, trong vấn đề lựa chọn nhân sự, cũng mong muốn là lựa chọn cho được rộng rãi, một cách đúng đắn và chính xác, thế nhưng thực ra nếu mà nói với hiện tại đây thì không thể nói cái chuyện là chọn được người ở ngoài.

“Bởi vì người ở ngoài mà có giỏi giang đến mấy, mà không có cả quá trình được vào trong số 200 người ấy, chắc là đưa những người ở ngoài vào tham gia như ‘Tứ Trụ’ thì chắc điều ấy chưa thể có ở Việt Nam hiện nay.

“Thế còn với những người hiện tại mà nói gương mặt nào thì tôi cho rằng là tất cả số ấy họ đều có tài cả, ai cũng rất là tài giỏi mới vào được số 200 người đấy. Thực ra để mà xét vào Tứ Trụ, thì chắc là nhiều người có thể ngồi được vào cái ghế ấy.

“Tuy nhiên câu hỏi ai là người có thể là người làm thay đổi, có thể đem lại được niềm tin cũng như là những hy vọng để cho người dân rồi doanh nghiệp thay đổi bây giờ, thì thực chất ra với cá nhân tôi, tôi chưa có niềm tin rằng là ai trong số đó có thể làm thay đổi được trong thời gian ngắn.

“Và với thực tiễn, thực tại cả hệ thống như thế, đầy rẫy những sự uẩn khúc, tôi phải dùng từ là rất khó nói, và như các anh nói bây giờ còn hạn chế tự do ngôn luận thì thực ra rất là bó tay trong việc làm thay đổi, để minh bạch, để các thứ, thì vô cùng khó khăn.

“Và với những gì tôi đã thực chứng kiến cho đến giờ này, tôi không thể tin tưởng được vào ai có thể trong bối cảnh này làm thay đổi, dẫn dắt niềm tin cho người dân một cách tích cực,” nữ cựu Đại biểu nói với BBC.

Mời qúy vị theo dõi toàn bộ nội dung cuộc Tọa đàm trực tuyến của BBC hôm thứ Năm ngày 8/1/2014 trên YouTube tại – http://bit.ly/1HLINPE và trên Google+ tại đây: http://bit.ly/1xQUgZT.

(BBC)

undefined

Tin bài liên quan:

‘Bài diễn văn của ông Trọng nhiều hàm ý’

Phan Thanh Hung

Chính phủ lại thất bại: “Lần này chưa quyết sân bay Long Thành”

Phan Thanh Hung

Chuyến đi Mỹ của ông Trọng và trục quan hệ Việt-Mỹ-Trung

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo