VOA
Nhà tranh đấu Trần Thị Nga trong phiên xử hôm 25/7/2017.
Hôm thứ Sáu 28/7 LHQ hối thúc Việt Nam trả tự do cho nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng, người vừa bị tuyên án 9 năm tù giam hồi đầu tuần này, sau phiên tòa kéo dài một ngày về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước,” theo điều 88 Bộ Luật hình sự.
Người phát ngôn nhân quyền của LHQ Liz Throssell phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ về mức độ nghiêm trọng của bản án đối với blogger Trần Thị Nga và việc xét xử bà không đúng tiêu chuẩn thủ tục tố tụng và gây ra “những lo ngại nghiêm trọng.”
Bà Throssell nói với VOA:
Trong sáu tháng qua, có ít nhất 7 nhà tranh đấu cho nhân quyền khác đã bị bắt và đang bị truy tố, hiện nay có khoảng chục người đang bị giam giữ, và hai người đã bị trục xuất hoặc buộc phải lưu vong, nhiều người khác bị hăm dọa, quấy rối và đánh đập tàn nhẫn. Các nhà tranh đấu cho nhân quyền không bao giờ bị xem là những người phạm tội đe dọa đến an ninh quốc gia.”
Bà Throssell nói với VOA rằng Cao ủy LHQ và các nhóm nhân quyền quốc tế đều tố cáo Điều 88 Bộ Luật hình sự của Việt Nam, được dùng để trấn áp các nhà tranh đấu cho nhân quyền.
“Tất cả các nhà tranh đấu đều cho rằng điều khoản này quá mơ hồ và vi phạm công ước nhân quyền quốc tế; hình sự hoá việc thực hiện các quyền cơ bản, cũng như tự do ngôn luận.”
Bà Throssell nói bà Trần Thị Nga, người phải chịu thêm 5 năm quản chế, đã bị giam không cho tiếp xúc với gia đình và luật sư trong sáu tháng qua kể từ khi bà bị bắt hồi tháng Giêng cho đến vài ngày trước phiên xử, và bà Nga không có đủ thời gian chuẩn bị cho việc bào chữa.
Ngày 27/7, Đặc ủy Nhân quyền của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, Bà Bärbel Kofler, đã tuyên bố:
“Tôi bàng hoàng trước việc bà Trần Thị Nga bị một tòa án tại Việt Nam tuyên phạt mức án rất nặng là 9 năm tù giam. Bà Nga đã sử dụng các biện pháp ôn hòa để đấu tranh chống tham nhũng và sự tùy tiện cũng như tranh đấu cho dân oan, quyền của người lao động và bảo vệ môi trường. Sự cống hiến của bà đã được tổ chức Ân xá Quốc tế tuyên dương nhân ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay.
Bà Kofler nói cũng như trong trường hợp của blogger nổi tiếng Mẹ Nấm – tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người bị kết án mười năm tù giam cách đây chưa đầy một tháng vì sự tranh đấu cho nhân quyền, bản án này cũng đi ngược lại các nguyên tắc về nhân quyền mà Việt Nam đã công nhận cũng như vi phạm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia. Ngay cả Hiến pháp Việt Nam cũng bảo vệ sự tự do biểu đạt và tự do báo chí.
Sau sự kiện hai phụ nữ đấu tranh cho nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga bị Việt Nam trấn áp bằng các án phạt tù, nhiều tổ chức và cá nhân vận động gây quỹ hỗ trợ gia đình hai nữ blogger.
Cũng trong ngày 27/7 hơn 25 tổ chức xã hội dân sự độc lập và nhiều cá nhân trong nước ra tuyên bố “bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc của nhà cầm quyền Việt Nam đối với bà Trần Thị Nga;
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đại diện cho Mạng lưới Các Tổ chức Xã hội Dân sự Độc lập cho VOA biết nhận định của ông về bản án đối với bà Nga:
“Trần Thị Nga không có tội gì cả mà bị tuyên án 9 năm tù và 5 năm quản chế là một điều sỉ nhục cho nền tư pháp Việt Nam.”
Các tổ chức nhân quyền quốc tế và tổ chức xã hội dân sự độc lập của Việt Nam kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập cho nhà tranh đấu Trần Thị Nga và các tù nhân lương tâm khác, vì “cho rằng việc phát biểu ôn hòa về các vấn nạn của đất nước và xã hội Việt Nam, dù trái với quan điểm và chính sách của nhà cầm quyền, dứt khoát không thể bị xem là hành vi phạm tội theo luật pháp hiện hành.”
Trưởng phái đoàn Liên Hiệp châu Âu tại Việt Nam hôm 26/7 nói rằng bản án 9 năm tù đối với bà Nga mâu thuẫn trực tiếp với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một nước thành viên, trong đó các quyền tự do ý kiến và tự do biểu đạt là những quyền căn bản, không thể thiếu đối với phẩm giá và sự mãn nguyện của mỗi cá nhân, cũng như đã được nêu trong Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam.
Quyết định của các cơ quan thẩm quyền Việt Nam không cho phép các đại diện của Phái đoàn EU cũng như của các đại sứ quán các nước thành viên EU quan sát phiên xét xử đã đặt dấu hỏi về sự minh bạch của quá trình xét xử, tuyên bố của đại diện EU tại Việt Nam cho biết.
Liên minh châu Âu nói sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam cũng như hợp tác với các cơ quan thẩm quyền nhằm hướng tới việc cải thiện tình hình nhân quyền tại đây.