Kính Hòa, phóng viên RFA
2016-01-30
Đại Hội Đảng Cộng Sản Khóa 12 bỏ phiếu và đếm phiếu kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ để chọn 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết cho Ban Chấp Hành Trung Ương khóa mới, tức khóa XII, ảnh chụp hôm 26/01/2016.
Danh sách 19 ủy viên Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam đã được công bố. Đây là những người điều hành nước Việt Nam trong năm năm tới. Từ Oregon, Tiến sĩ Vũ Tường giảng dạy khoa chính trị Đại học Oregon cho Đài Á Châu Tự Do một số nhận định của ông về những gương mặt quyền lực mới này.
Xu hướng bảo thủ đóng vai trò chủ đạo
Trước hết Tiến sĩ Vũ Tường cho biết:
TS Vũ Tường: Tôi cũng thấy có một số thay đổi, nhưng cái xu hướng bảo thủ của những người thân Trung Quốc vẫn đóng vai trò chủ đạo trong bộ chính trị. Những người có đường hướng cứng rắn đối với những vấn đề như là quan hệ với phương Tây, hay là tự do nhân quyền trong nước.
Tôi cũng thấy có một số thay đổi, nhưng cái xu hướng bảo thủ của những người thân Trung Quốc vẫn đóng vai trò chủ đạo trong bộ chính trị.
-TS Vũ Tường
Đó là nhận định tổng quát, còn đi vào từng người cụ thể thì tôi thấy có những thay đổi như ông Bộ trưởng Bộ ngoại giao vào Bộ chính trị. Hay là có những Bộ trưởng có học thức, hiểu biết về kinh tế vào Bộ chính trị như là ông Vương Đình Huệ. Bà Kim Ngân cũng từng làm việc ở Bộ Tài chính, Thống đốc ngân hàng nhà nước là ông Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải từng phụ trách Bộ công nghiệp, hay là ông Đinh La Thăng phụ trách Bộ giao thông vận tải. Những người này có hiểu biết về kinh tế, từng quản lý kinh tế mà vào Bộ chính trị thì là điều tích cực. Nhưng mà có điều đáng lo là có thể đoán ông Hoàng Trung Hải và ông Đinh La Thăng ủng hộ cho vai trò lớn hơn của khu vực kinh tế nhà nước, hoạt động kém hiệu quả và nhiều tham nhũng. Thành ra cũng không biết là sự có mặt của các ông đó là lợi hay hại cho kinh tế Việt Nam. Tương tự như vậy đối với ông Nguyễn Văn Bình. Ông này là Thống đốc ngân hàng. Ở nhiều nước như nước Mỹ chẳng hạn thì cái vị trí Thống đốc ngân hàng phải trung lập không liên quan đến chính trị, vì các nhà chính trị luôn có khuynh hướng chi tiêu thõai mái. Điều đó có thể nguy hiểm cho các chính sách kinh tế vĩ mô của quốc gia.
Cái xu hướng bảo thủ nắm Bộ chính trị mà chúng ta dễ thấy là ông Tổng bí thư thì vẫn còn, rồi có thêm bốn người là tướng công an, hay trước kia đã từng là tướng của công an, như là ông Trương Hòa Bình, Tô Lâm… rồi có thêm một ông tướng quân đội, mà ông tướng này không phải là tướng chiến đấu mà là tướng chính trị, có xu hướng thân Trung Quốc.
Bà Mai thì từng hoạt động trong trung ương đoàn, cùng với một số người nữa hoạt động trong các đoàn thể, họ sẽ có xu hướng bảo thủ nhiều hơn. Thành ra tôi đoán là xu hướng bảo thủ nắm đa số trong Bộ chính trị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 ở Hà Nội 21/1/2016. AFP PHOTO.
Kính Hòa: Ông có nhắc tới ông Phạm Bình Minh, một nhà ngoại giao. Điều này phải chăng là chuyện quan hệ ngoại giao, nhất là với phương Tây được đảng cộng sản đánh giá cao hơn không?
TS Vũ Tường: Chúng ta có thể thấy vị thế của ngoại giao và kinh tế được cao hơn trong Bộ chính trị lần này, nhưng mà chúng ta thấy ông Phạm Bình Minh có vị trí thấp, mặc dù ông ta vào Bộ chính trị nhưng mà mới vào thôi, có thể là 2 hay 3 năm hay là đến nhiệm kỳ sau thì ông ta mới có thể phát huy tiếng nói được mạnh mẽ hơn. Còn trong nhiệm kỳ đầu thì tôi nghĩ vẫn như cũ.
Kính Hòa: Trong một lần trao đổi với Đài Á Châu Tự Do ông có nhắc đến hai nhân vật là Nguyễn Thiện Nhân và Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, trong đó ông có nói Bà Ngân có một vai trò mờ nhạt. Nay ông có nhìn tích cực hơn về vai trò của Bà Ngân không? Trong vai trò ủy viên Bộ chính trị và sắp tới có thể là Chủ tịch Quốc hội?
TS Vũ Tường: Cũng có thể kỳ vọng là Bà ấy đóng vai trò tích cực hơn, hay là có tiếng nói mạnh hơn, nhưng trước mắt chúng ta chưa thể nói gì được vì vai trò Chủ tịch quốc hội là kém quan trọng nhất trong bốn vị trí. Cũng có thể hy vọng là Bà ấy sẽ bàn những vấn đề gì đó tích cực với những người khác.
Chú trọng an ninh
Kính Hòa: Đối với nhân vật Trần Đại Quang, một viên tướng công an, sắp tới đây được nói là sẽ đóng vai trò Chủ tịch nước. Theo ông thì hình ảnh một viên tướng công an đứng đầu quốc gia có gây cảm giác không thoải mái với phương Tây không?
TS Vũ Tường: Như tôi đã nói lúc nãy, sự có mặt của các viên tướng công an là chưa có tiền lệ, nó có thể gây quan ngại đối với các nước phương Tây. Nó cũng nói lên một điều là Bộ chính trị mới đặt vấn đề an ninh của chế độ quan trọng hơn ngoại giao và kinh tế.
Sự có mặt của các viên tướng công an là chưa có tiền lệ, nó có thể gây quan ngại đối với các nước phương Tây. Nó cũng nói lên một điều là Bộ chính trị mới đặt vấn đề an ninh của chế độ quan trọng hơn ngoại giao và kinh tế.
-TS Vũ Tường
Kính Hòa: Khi nhìn vào danh sách nhân sự lần này ông có còn thấy hình ảnh gì của giai đoạn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cầm quyền không?
TS Vũ Tường: Bộ chính trị như là một cuộc mặt cả giữa phe Nguyễn Tấn Dũng và phe Nguyễn Phú Trọng. Dấu hiệu đầu tiên cho điều đó là Bộ chính trị mở rộng hơn. Vì thường khi mặc cả thì nếu ít vị trí thì khó, mà nhiều thì dễ hơn, số người của tôi cũng được vị trí mà người của anh cũng được.
Cái thứ hai là những người từng làm việc nhiều với ông Nguyễn Tấn Dũng và được ông ấy đề cử vào những vị trí quan trọng, như ông Nguyễn Thiện Nhân và Hoàng Trung Hải cùng vào Nội các khi ông Dũng lên cầm quyền. Rồi ông Nguyễn Văn Bình rất thân cận với Thủ tướng, ông Đinh La Thăng là Bộ trưởng dưới thời ông Dũng. Những nhân vật này tham gia Bộ chính trị cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn ảnh hưởng, hay là đường hướng chính sách của ông ấy vẫn còn có ảnh hưởng đối với Bộ chính trị mới.
Kính Hòa: Có nhiều người nói rằng là dù ai cầm quyền đi nữa thì sau đại hội này, đảng cộng sản không còn như trước nữa vì có những sự xích mích, và ngày nó càng công khai. Điều thứ hai người ta nói rằng dù ai cầm quyền thì xu hướng ngoại giao sẽ là xích lại gần với Mỹ và xa Trung Quốc. Ông có đồng ý với những nhận định đó không?
TS Vũ Tường: Điều thứ nhất thì tôi đồng ý là đảng cộng sản đã có thay đổi chút ít. Bộ chính trị đông hơn, ủy ban trung ương đông hơn, đạt sự đồng thuận sẽ khó khăn hơn. Có hai ba xu hướng đối nghịch nhau có thể dẫn đến trì trệ, không ra đuợc quyết định.
Điều thứ hai là đường lối ngoại giao thì tôi lại thấy là với sự ngự trị của phe bảo thủ thì đường lối ngoại giao của Việt Nam vẫn không thay đổi, tức là về cơ bản vẫn thân Trung Quốc, và chỉ xích lại gần Mỹ khi Trung Quốc có những đe dọa cụ thể, mạnh mẽ như chuyện Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam năm 2014. Chỉ có những hành động như vậy mới làm đảng cộng sản Việt Nam mới có những bước chuyển nào đó gần Mỹ hay những đồng minh của Mỹ. Nếu không có những hành động đó thì cơ bản chính sách thân Trung Quốc vẫn tiếp tục.
Kính Hòa: Xin ông cho hỏi câu hỏi cuối là trong đại hội đảng lần này có một sự kiện gây chú ý là diễn văn của ông Bùi Quang Vinh, mặc dù ông ta đọc bài diễn văn đó trước khi về hưu nhưng sự kiện một bài diễn văn được cho là cấp tiến như vậy đọc lên giữa đại hội đảng cũng là điều gì đó đáng chú ý. Ông có cho rằng đảng cộng sản Việt Nam có chú ý tới nội dung bài diễn văn đó không?
TS Vũ Tường: Tôi nghĩ là nó không được chú ý vì nếu họ chú ý thì họ đã giữ ông ta lại. Đây là những vấn đề nhạy cảm mà họ không thể đạt được sự đồng thuận. Đại đa số họ vẫn không đồng ý những cải cách chính trị. Tôi cho là trong thời gian 3 hay 5 năm nữa không có cải cách chính trị ở Việt Nam.
Kính Hòa: Xin cám ơn ông.