Việt Nam Thời Báo

Loại bỏ tư duy ‘ta thắng địch thua’ trong nghiên cứu lịch sử

Zing.vn

Bộ sách “Lịch sử Việt Nam” không chỉ là bộ sử đồ sộ mà còn là công trình thay đổi những quan niệm cũ trong nghiên cứu từ trước tới nay.
Bộ sách Lịch sử Việt Nam được Giải vàng Sách hay 2015 có nhiều nội dung cập nhật về lịch sử Việt Nam. Một trong những điểm đang gây chú ý của bộ sách là không đề cập vấn đề “ngụy quân”, “ngụy quyền”.
PGS. TS. Đinh Quang Hải – Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam – có những đánh giá về bộ sách, cũng như những nội dung đang thu hút sự quan tâm của công chúng.
Loai bo tu duy 'ta thang dich thua' trong nghien cuu lich su hinh anh 1
PGS. TS. Đinh Quang Hải. Ảnh: PT
– Ông đánh giá như thế nào về bộ “Lịch sử Việt Nam” 15 tập mới tái bản?
– Đây là bộ sách được nghiên cứu biên soạn theo chương trình cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Đây là bộ sử hoành tráng nhất từ xưa đến nay: Về dung lượng, bộ sách dày 10.080 trang. Nội dung bên trong sách được chỉnh sửa sắp xếp theo hệ thống theo tiến trình lịch sử Việt Nam, từ khởi thủy đến năm 2000.
Trong nội dung bộ sách có nhiều sự thay đổi so với trước đây, khỏa lấp những khoảng trống trước đây.
– Cụ thể bộ sách có những thay đổi như thế nào so với các nghiên cứu trước đây?
– Trước đây nghiên cứu nặng về chiến tranh, cách mạng… nhiều khi một chiều, kiểu “ta thắng địch thua”. Nhưng bộ sách này đảm bảo tính khách quan, chân thực lịch sử hơn, đề cập toàn diện: chính trị, văn hóa, ngoại giao, an ninh, quốc phòng…
Sách toàn diện, hoàn thiện trên cơ sở kế thừa thành tựu những công trình nghiên cứu trước đây. Đây là bộ sử được đánh giá là đồ sộ nhất kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay.
– Vậy còn những nội dung mới so với các sách sử trước đây là gì?
– Những điểm mới đưa vào sách dựa trên nghiên cứu các nguồn tư liệu mới khai thác, mới công bố, hoặc những kết quả nghiên cứu mới. Ví dụ, việc đánh giá về một số nền văn hóa, nhà nước cổ trung đại như: Đông Sơn, Óc eo, Vương quốc Phù Nam… giờ đây có cơ sở để khẳng định nhiều điểm về chủ quyền quốc gia lãnh thổ, thống nhất lãnh thổ.
Hoặc việc đánh giá về nhà Mạc, nhà Nguyễn đảm bảo tính khách quan hơn, phân định công tội rõ ràng, chứ không phủ địch sạch trơn.
Hay như cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới tây Nam, trong bộ này cũng nói thẳng thắn hơn chứ không né tránh nữa, mà phản ánh sự thật lịch sử.
Tôi cho rằng sự thay đổi đó một phần do chủ trương nhà nước, một phần cũng do các nhà khoa học đặt vấn đề cần khách quan, khoa học, sự thật lịch sử không thể chối bỏ, né tránh được.
– Theo ông, vì sao bộ sách không dùng những từ như “ngụy quân”, “ngụy quyền”?                  
– Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đổi mới, hòa nhập quốc tế, và luôn coi trọng hòa hợp hòa giải dân tộc, chúng ta luôn khẳng định Việt Nam là quốc gia thống nhất. Bởi vậy, những người biên soạn không đặt ra vấn đề địch – ta, hay đưa ra vấn đề ngụy quân, ngụy quyền.
Thay vào đó, ta dùng các từ khác. Ví dụ, thay vào việc dùng từ “ngụy quyền” thì sử dụng “chính quyền Việt Nam Cộng hòa” hay “chính quyền Sài Gòn”, “ngụy quân” thì nói là “quân đội Việt Nam Cộng hòa”.
Trong lúc ta đang đề cao tính đoàn kết dân tộc, hòa hợp hòa giải dân tộc, thì không nên khơi sâu vào những việc như vậy.
– Đó là một sự công nhận chính quyền Việt Nam cộng hòa?
– Không phải bộ sử này mà trong xã hội đã nói chính quyền Việt Nam cộng hòa như một sự tiếp nối nhà nước của chính quyền Bảo Đại trước đây. Ta coi nó như một thực thể tồn tại. Dù chính quyền đó do thực dân dựng lên, có bầu cử (chỉ bầu cử giả hiệu), thì nó vẫn tồn tại.
Nhưng nói vậy không có nghĩa ta đề cao chính quyền đó, thực thể đó.
Loai bo tu duy 'ta thang dich thua' trong nghien cuu lich su hinh anh 2
Tập 12 của bộ Lịch sử Việt Nam, bên trái là sách tái bản, bên phải là sách xuất bản lần đầu năm 2013.
– Ông đánh giá thế nào về việc bộ sách đưa cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào?
– Chủ trương khoa học là đưa sự thật lịch sử vào. Trước đây có thể do quan hệ ngoại giao nên ta chưa đề cập đầy đủ vấn đề này. Nhưng bộ sử này đưa vào đầy đủ các con số, cụ thể hơn, đúng đắn hơn. Đối với các nhà khoa học phải đảm bảo sự thật, không chối bỏ, hay né tránh sự thật lịch sử.
– Việc đưa những nội dung mới này vào bộ sách theo ông có ý nghĩa gì?
– Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt các sự kiện, nhân vật lịch sử trở lại đúng sự thật thì có tác dụng giáo dục, khơi dậy truyền thống yêu nước, truyền thống dân tộc với nhân dân. Đặc biệt là với chuyện học sử ngày nay, người ta luôn đặt ra vấn đề tiếp cận lịch sử sao cho đúng, khoa học, chứ không chỉ một chiều theo hình thức tuyên truyền.
Tất nhiên, việc đưa những nội dung, vấn đề lịch sử phải dựa trên những nghiên cứu khoa học, có thẩm định rõ ràng.
Tần Tần (thực hiện)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.