Mới hôm 9-1, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TPHCM phối hợp với lực lượng chức năng xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi phát hiện một hộ trồng rau muống tại ấp 8 xã này đổ nhớt thải xuống ruộng rau muống có diện tích khoảng 500 mét vuông. Bà Lan, chủ ruộng rau muống, cho biết bà có sử dụng phân đạm, phân bón lá để kích thích rau tăng trưởng. Ngoài ra, sau mỗi đợt thu hoạch, bà còn sử dụng nhớt thải để diệt trừ rầy cho đợt nảy mầm mới. Nhớt thải được bà Lan thu mua từ các tiệm sửa xe trên địa bàn với giá 12 ngàn đồng một lít. Sau khi bơm ngập nước vào ruộng rau muống bà đổ nhớt thải xuống, với mục đích diệt trừ sâu bệnh trước khi thu hoạch rau đưa ra thị trường. Bà Lan cũng cho biết xả nhớt thải vào ruộng rau muống tuy chi phí thấp nhưng hiệu quả cao, và bà không biết nhớt thải là chất thải nguy hại cấm xả ra môi trường.
Hiếm hoi những vườn rau sạch. Ảnh TLTBKTSG |
Trong khi đó, theo báo Lao Động, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hàng chục tấn rác thải y tế độc hại lẽ ra phải bị tiêu hủy theo đúng quy trình nghiêm ngặt tại những cơ sở được cấp phép thì lại được âm thầm sơ chế, bán ra bên ngoài. Để rồi, những phế phẩm vô cùng nguy hại này được tái chế thành những sản phẩm nhựa tại những cơ sở sản xuất thủ công ngay ngoại thành Hà Nội, và rất có thể chúng trở thành những chiếc muỗng nhựa, ly nhựa mà người dân vẫn sử dụng hàng ngày.
Cả việc làm của người chủ ruộng rau muống và việc cho phép sơ chế để bán ra ngoài rác thải y tế tại Bệnh viện Bạch Mai đều gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Nhưng, nếu lời thú nhận của người phụ nữ chủ ruộng rau muống còn khả dĩ tin được là do kém hiểu biết hay vừa kém hiểu biết vừa không kiềm chế được lòng tham, thì không gì có thể bào chữa cho việc làm chỉ có thể gọi là thất đức tại một bệnh viện hàng đầu quốc gia, giữa lòng Hà Nội, vì những người làm ở các cơ sở y tế dù sao cũng được học hành đàng hoàng hơn một nữ nông dân và họ dư biết tác hại khủng khiếp của việc mình làm. Vậy mà người ta vẫn làm, bất chấp luật pháp, bất chấp lương tâm. Chỗ nhỏ (như ruộng rau muống) tham nhỏ, chỗ lớn (như bệnh viện lớn) tham lớn, liệu đâu là đáy của lòng tham, nếu những việc làm bất chính, trái pháp luật không bị trừng phạt?
Trả lời phỏng vấn về những hiện tượng, hành vi nghịch đạo lý có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, nhà dân tộc học, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, cho rằng: “Chúng ta có thể đặt niềm tin vào sự lương thiện trong mỗi con người và kêu gọi sự lương thiện ấy. Nhưng sự kêu gọi ấy hình như sẽ trở nên lạc lõng lúc này. Chúng ta đều biết, mỗi cá nhân chỉ là một con ốc của guồng máy, chữa được nơi này, sẽ bung ra ở những nơi khác.
Chữa căn nhà dột thì phải chữa từ căn bản, chữa từ gốc của bệnh. Căn bệnh của toàn xã hội phải xử lý ở tầm xã hội. Ở đây tôi muốn nói đến pháp luật… Pháp luật phải nghiêm. Xã hội hiện nay chưa đạt được điều đó. Làm sao trước pháp luật mọi người đều bình đẳng, không ngoại trừ bất cứ ai. Xã hội chỉ ổn định khi được quản lý tốt bằng pháp luật. Nền đạo đức và sự lương thiện ở mỗi con người phải được xây dựng trên nền tảng pháp luật nghiêm minh”.
Quả đúng là xã hội chưa được quản lý tốt bằng pháp luật, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm khi mà rất ít vụ việc xâm hại sức khỏe cộng đồng bị trừng phạt nghiêm khắc, từ việc buôn bán hàng giả, hàng có chất độc chất cấm cho đến việc xâm hại, hủy hoại môi trường sống. Vì sinh mạng của con người, vì sức khỏe của cộng đồng, vì chất lượng giống nòi, luật pháp cần phải mạnh tay hơn, đó là điều có lẽ ai cũng đồng lòng và mong đợi.
Và luật pháp đã nghiêm minh thì phải nghiêm minh mọi nơi, mọi lúc, trong mọi lĩnh vực; không thể chỗ này, lĩnh vực này nghiêm minh mà chỗ khác, lĩnh vực khác xuê xoa. Luật pháp như một con đập chắn bảo vệ xã hội, chỉ cần một chỗ rò rỉ nhỏ, cả con đập sẽ sụp đổ.