VOA
Hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh trên Truyền hình Việt Nam tối 3/8.
Nữ luật sư đại diện cho ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức hôm 3/8 cho VOA Việt Ngữ biết rằng thân chủ của mình từng “lo sợ cho tính mạng” và rằng không có chuyện ông “đầu thú”.
Về sự kiện đang gây căng thẳng ngoại giao Việt – Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf kể: “Ông ấy bị những người vũ trang bắt cóc lúc 10.40 phút sáng ở công viên Tiergarten ở Berlin hôm 23/7. Người thứ hai đi cùng với ông cũng bị bắt cóc. Sau này chúng tôi biết rằng người này đã bị thương và xuất hiện tại bệnh viện Việt – Đức ở Hà Nội hôm 25/7. Cảnh sát bắt đầu điều tra vào ngày 24/7 để truy tìm hai người đã bắt cóc ông Thanh. Hôm 31/7 chúng tôi nhận được tin ông ấy đã tự nguyện ra đầu thú. Thông tin này hoàn toàn không đúng sự thật”.
Bà nói thêm: “Cảnh sát đã biết danh tính người thứ hai cũng bị bắt cóc cùng với ông Thanh. Họ cũng đang điều tra những người tham gia vụ bắt cóc”, bà nói. Người này, theo báo chí của cộng đồng người Việt ở Đức, là “một nữ cán bộ Bộ Công thương”.
Truyền hình Việt Nam tối 3/8 đã đăng một đoạn video ngắn về ông Thanh kèm theo “đơn xin tự thú”, trong đó ông được cho là đã viết: “… Trong thời gian này cuộc sống trốn tránh, bấp bênh luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật”.
Một góc công viên Tiergarten, nơi Đức cáo buộc Việt Nam “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh.
Bộ Công an Việt Nam cuối tháng trước ra thông báo rằng cựu quan chức tỉnh Hậu Giang đã “đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đầu thú”.
Tuy nhiên, hôm 2/8, Bộ Ngoại giao Đức đã ra một thông cáo cho biết rằng ông Thanh đã bị phía Việt Nam “bắt cóc” và đưa về nước.
Hôm 3/8, sau một ngày im lặng, Bộ Ngoại Việt Nam đã lên tiếng. Nữ phát ngôn viên Lên Thị Thu Hằng nói “lấy làm tiếc về phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức”, nhưng không nói rõ vì sao.
Bà Schlagenhauf cho biết đã gặp ông Thanh “ở Berlin trước vụ bắt cóc”, và chưa liên lạc được với người từng bị Hà Nội truy nã gắt gao kể từ khi ông bị đưa về Việt Nam mà “chỉ nắm được các thông tin gián tiếp về tình hình hiện nay của ông”.
Berlin cho biết Việt Nam đã yêu cầu cho dẫn độ ông Thanh về Việt Nam tại hội nghị G20 ở Đức. Trong ảnh là Thủ tướng Đức Merkel nhìn Tổng thống Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bắt tay nhau.
Nữ luật sư này cho biết sẽ làm việc với các cơ quan của Đức để “đưa ông trở lại Đức để ông được bảo vệ”. Đây cũng là một yêu cầu của Bộ Ngoại giao Đức trong tuyên bố ra ngày 2/8.
Khi được hỏi, trước khi bị bắt, ông Trịnh Xuân Thanh có khi nào lo ngại cho tính mạng của mình hay không, bà nói: “Có, cũng có cân nhắc, nhưng chúng tôi không thực sự tin rằng chính phủ Việt Nam có thể làm chuyện này (hành động phạm pháp ở Đức)”.
Về lý do ông Thanh xin tị nạn ở Đức, bà Schlagenhauf nói: “Ông ấy xin tị nạn vì đã biết nước Đức và từng ở đây đầu những năm 90 cũng như từng nhiều lần công cán tới đây nhiều lần. Việc xin tị nạn giúp ông ấy được bảo vệ và có khả năng được ở lại Đức”.
“Ông ấy lo sợ rằng bất kỳ phiên tòa nào cũng sẽ không diễn ra theo pháp luật và được đảm bảo về luật pháp. Ông ấy từng viết tường trình lên Ban chấp hành Trung ương đảng để bác bỏ các cáo buộc”, nữ luật sư nói.
“Việc lo sợ không được bảo đảm về mặt luật pháp là lý do xin tị nạn chính trị ở Đức. Ở đây ai cũng biết rằng Việt Nam áp dụng án tử hình, điều bị cấm ở Đức theo hiến pháp”.