Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2017-03-15
Mục sư Nguyễn Công Chính tại Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai hôm 26/3/2012.
AFP photo
Luật mới về Tôn giáo hay Tín ngưỡng được Quốc hội Việt Nam thông qua hồi tháng 11 năm ngoái, 2016. Tuy hiệu lực của Luật mới này chỉ bắt đầu vào tháng Giêng năm 2018. Nhưng Luật mới đã bị phê bình và chỉ trích trước Hội đồng Nhân quyền LHQ tại khoá họp lần thứ 34 đang diễn ra tại Điện Quốc Liên ở Genève từ ngày 27 tháng 2 đến ngày 24 tháng 3 năm nay.
Tại điểm 4 nghị trình của hội nghị đề cập “Các vấn đề nhân quyền khẩn cấp trong thế giới” hôm sáng thứ tư 15 tháng 3, Ông Võ Văn Ái nhân danh hai tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Hành động Chung cho Nhân quyền, lên tiếng tố cáo Luật Tôn giáo mới của Hà Nội.
Theo lời ông Ái, Luật Tôn giáo mới vi phạm tự do tôn giáo, bởi vì “Các tôn giáo phải chọn lựa, hoặc chịu đăng ký để được hưởng thứ “tự do” trong chiếc lồng kiểm soát của Nhà nước độc đảng, hoặc từ chối cơ chế đăng ký để phải gánh chịu sự đàn áp thô bạo của nhà cầm quyền”.
Với Luật mới này, các tôn giáo phải xin đăng ký là việc trái chống với Điều 18 trong Công ước LHQ về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Ông Võ Văn Ái nhấn mạnh rằng Luật Tôn giáo mới này « pháp lý hóa » những cuộc đàn áp các tôn giáo xẩy ra hằng ngày tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông Ái nêu 3 trường hợp tù nhân tôn giáo lâu năm mà tình trạng sức khoẻ sa sút do điều kiện giam cầm :
Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, 89 tuổi, Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị tù đày, lưu xứ rồi quản chế hơn 30 năm qua. Hiện nay, Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon là nơi ngài bị quản chế không lý do cũng như không hề được xét xử, thường trưc bị công an theo dõi và kiểm soát chặt chẽ. Một số phái đoàn ngoại giao được phép gặp gỡ Ngài, nhưng với Phật tử Việt Nam thì công an ngăn cản, hăm doạ không cho thăm viếng.
Gần đây, nhà cầm quyền gia tăng áp lực mạnh mẽ qua thân nhân gia tộc hay qua hàng giáo phẩm Phật giáo Nhà nước để đưa ngài về miền Bắc hoặc vào ở nơi cơ sở của Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam (là tổ chức Phật giáo của Nhà nước). Ông Võ Văn Ái yêu cầu Hội đồng Nhân quyền LHQ can thiệp trả tự do tức khắc cho Đức Tăng Thống.
Bà Trần Thị Thuý, tín đồ Phật giáo Hoà Hảo, bị kết án tuỳ tiện 8 năm tù ở vì tội “hành động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79 trong bộ Luật Hình sự), nhưng trong thực tế, bà chỉ đòi hỏi quyền đất đai. Hiện bà đang bị một khối u tử cung, và nhiều mụt nhọt lở lói trên thân thể khiến bà không thể đi đứng nếu không có người dìu đỡ.
Ở vào tình trạng tồi tệ như thế, nhưng bà không được chăm sóc thuốc men, ngay cả thuốc men gia đình gửi tới cũng bị ngăn chận. Bà đang bị giam tại trại tù An Phước, tỉnh Bình Dương.
Mục sư luther Nguyễn Công Chính bị kết án tuỳ tiện 11 năm tù giam vì tội “phá hoại đoàn kết quốc gia” (Điều 87 trong bộ Luật Hình sự), thực tế ông chỉ phục vụ tín ngưỡng của mình và hoạt động cho tự do tôn giáo. Vợ ông chỉ được phép thăm nuôi một lần mỗi hai tháng. Lần thăm cuối của bà hôm 10 tháng 2 đầu năm nay, bà nhận thấy sức khoẻ ông sa sút trầm trọng, Hai cánh tay và chân ông bị sưng vù, nhưng ông không được chăm sóc thuốc men cho bệnh cao máu, viêm xoang và phong thấp. Hiện ông bị giam tại trại Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Ông Võ Văn Ái đánh giá, ngoài những hành xử tuỳ tiện và vô cớ trong sự giam tù, việc từ chối chăm sóc thuốc men tương xứng cho những tù nhân nói trên vi phạm “Công ước LHQ chống Tra tấn, Hành xử độc ác, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá” mà Việt Nam tham gia ký kết năm 2015.
Ông Ái cũng cho biết trường hợp Mục sư Nguyễn Trung Tôn hôm 27 tháng 2 vừa qua, khi đến Quảng Bình thăm những nạn nhân bị công an hành hung, ông Tôn đã bị công an thuê bọn côn đồ bắt cóc, đánh đập, lục soát, trói tay và bỏ lại trong rừng vùng Hà Tĩnh.
Kết thúc lời phát biểu, ông Võ Văn Ái yêu cầu Hội đồng Nhân quyền LHQ áp lực Việt Nam trả tự do cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, trả tự do cho tất cả tù nhân tôn giáo và các nhà hoạt động nhân quyền, cũng như khẩn cấp chăm sóc thuốc men tương ứng với bệnh tình của những tù nhân nói trên, quy chiếu theo Công ước Cống Tra tấn mà Việt Nam ký kết năm 2015.