Việt Nam Thời Báo

Luật ‘trưng dụng tài sản của dân’ và những lần ‘làm luật’ thất bại của Bộ công an

Một lần nữa Bộ công an lại phải nhận thất bại nặng nề trong cung cách “làm luật”. Thông tư về “Cảnh sát giao thông được trưng dụng tài sản của dân” đã gặp phải sự phản ứng quá rộng và quá tức tối, không chỉ từ giới phản biện độc lập và mạng xã hội, mà ngay cả giới báo chí nhà nước vốn quen thúc thủ cũng phải lên tiếng.

Người dân phản ứng mạnh với cảnh sát giao thông. (Hình: Internet)
Sau vài lần “thanh minh” mà thực chất là che chở, một viên chức có trách nhiệm của Bộ công an đã phải chính thức thừa nhận việc cảnh sát giao thông chỉ được trưng dụng tài sản người dân khi có quyết định của bộ trưởng công an chứ không phải một cấp nào khác.
Cảnh sát giao thông vốn bị xem là hung thần đối với người đi đường. Rất nhiều người dân đã nói thẳng: ra ngoài đường bây giờ sợ nhất là cướp giật, thứ đến là công an. Thậm chí một số người còn đặt mối nguy hiểm công an lên đầu. Chỉ riêng việc phải căng mắt để tìm cảnh sát giao thông “núp lùm” là đã khiến người đi đường bị phân tâm cao độ, có thể dẫn đến những vụ tai nạn đau đớn.
Trong khi vấn nạn về đòi và ăn hối lộ của cảnh sát giao thông vẫn chưa hề được xử lý thích đáng, cơ chế cho phép lực lượng này được trưng dụng tài sản, xe cộ của người đi đường chắc chắn sẽ khiến “một bộ phận không nhỏ” trong lực lượng này lạm dụng và lợi dụng để tác oai tác quái, kể cả chiếm đoạt tài sản của người dân.
Trong thực tế, không ít lần người dân đã chứng kiến một số nhân viên cảnh sát giao thông và cả cảnh sát cơ động rượt đuổi người đi đường, sau đó “bốc” phương tiện đi lại của người dân mà không có biên bản giấy tờ gì. Có trường hợp nhân viên cảnh sát còn trấn lột phương tiện đi lại của người dân…
Vào những ngày tết Nguyên Đán 2016, người dân lại thấy nhan nhản cảnh sát giao thông núp trong bóng tối ở Sài Gòn để “kiếm ăn”. Nhiều người dân thật sự phẫn nộ vì cảnh này đã diễn đi diễn lại từ tết năm này sang tết năm khác, nhưng Bộ công an vẫn xem như không thấy, không nghe và không biết.
Với thuộc tính công an trị, những cơ quan “làm luật” của Bộ công an vẫn mang nặng thói quen dự thảo và ban hành những văn bản tác động rộng và mạnh đến xã hội mà không cần biết đến phản ứng của người dân. Tuy nhiên từ năm 2013 đến nay, khi xã hội dân sự ở Việt Nam dần phát triển và làn sóng phản biện cũng dần tăng cao, một số văn bản của Bộ công an đã vấp phải thất bại.
Vào tháng 9/2015, sau hơn một năm căng thẳng tranh cãi về việc có cần thiết hay không khi đưa “quyền điều tra của công an xã” vào dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Bộ Công an – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật này nhưng vẫn thường bị dư luận lên án về thuộc tính “công an trị” – đã hầu như thất bại.
Trong phiên họp ngày 17/8/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã gần như chính thức quay lưng với thứ quyền không biết sẽ để lại hậu quả ghê gớm đến thế nào nếu được luật hóa ấy.
Trước đó vào tháng 8/2014, Bộ Công an suýt chút nữa đã thành công bằng văn bản có tên gọi “Thông tư 28”, cho phép điều tra viên được ghi âm, ghi hình luật sư. Ngay sau khi dự thảo của thông tư này được công bố, Liên đoàn luật sư Việt Nam và báo giới đã phản ứng quyết liệt, nêu ra hàng loạt dẫn chứng cho thấy hành vi ghi âm, ghi hình như thế là một cách đắc dụng nhằm xâm phạm quyền hành nghề của luật sư, mà thực chất là vi phạm nhân quyền. Cuối cùng, Bộ Công an đã phải ban hành quyết định hủy bỏ hành vi dự kiến đầy độc đoán và áp chế này. 
Lê Dung / SBTN

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo