Việt Nam Thời Báo

Mạng xã hội: Từ ý kiến cá nhân đến sức mạnh cộng đồng

Mạng xã hội (MXH) đã phát triển rộng khắp tại Việt Nam. Trên MXH người ta có thể nhận được thông tin đa dạng của đời sống. Nhiều sự kiện được “cư dân mạng” bày tỏ thái độ, bình luận, chia sẻ… Truyền thông xã hội tạo được sức mạnh nhờ tính chất kết nối, tương tác mở và tranh luận công khai.

Để hiểu thêm về hiện tượng này, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS-TS. Đặng Ngọc Dinh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hỗ trợ cộng đồng. Ông Dinh mở đầu câu chuyện:
– Với đặc điểm báo chí truyền thống ở nước ta hiện nay thì việc thể hiện tiếng nói, quan điểm của một cá nhân có khó khăn. Và với một bài báo, tin tức thì độc giả chỉ có thể đọc biết hoặc chia sẻ với bạn bè ở quán cà phê, trong gia đình; nhưng với MXH thì mọi thứ đã khác. Tính chất chia sẻ rộng mở như MHX tạo nên sự khác biệt mạnh mẽ với truyền thông kiểu cũ. Ý kiến đánh giá, bình luận của bất kỳ cá nhân nào tham gia MXH đều có thể được nhiều người tiếp cận nhanh chóng, trên phạm vi toàn cầu. Tính lan truyền là không có giới hạn. Cho nên MXH có một số thuộc tính quan trọng đủ sức làm thay đổi hẳn cách thức đưa tin, đọc báo và bày tỏ quan điểm.
Từ lời kêu gọi trên mạng xã hội, những “cư dân mạng” xuống đường tuần hành đòi chính quyền ngừng dự án thay thế cây xanh ở Hà Nội (tháng 7.2015). Ảnh TL
Khi một ai đó trình bày ý kiến của mình thì lập tức có người khác biết. Và bất kỳ người nào ở đâu, từ nông thôn, miền núi… khi đăng ký “kết bạn”, cũng có thể xem, có thể phản hồi và những người khác cũng có thể nhìn thấy. Những ý kiến và bình luận công khai này không ai định hướng, ép buộc. Đó cũng chính là tính hấp dẫn của mạng xã hội.
Nhu cầu kết nối của con người rất lớn. Nhất là những người trẻ.
Ngày xưa, những tâm sự, than vãn của anh gởi đến báo, được chọn lọc theo quan điểm của tờ báo, ít khi được đăng, anh chỉ có thể viết nhật ký một mình anh xem. Giờ thì tất cả những suy nghĩ riêng tư lập tức được chia sẻ ở cấp độ toàn cầu. Tất nhiên, đây chưa phải là tâm trạng của cộng đồng dân cư nói chung. Nhưng chắc chắn, qua MXH, có thể tìm hiểu tâm trạng một bộ phận cư dân.
Quan sát các sự kiện xảy ra trong năm 2015 được rất nhiều người trên MXH quan tâm bày tỏ thái độ, như vụ cây xanh ở Hà Nội, lấp sông Đồng Nai, hoạt động của các luật sư trong nhiều vụ án… có thể thấy các thái độ đó có lúc trở thành yếu tố dẫn dắt thông tin cho những kênh thông tin chính thống. Sự kết hợp-bổ trợ giữa hai kênh thông tin đó đã khiến các nhà làm chính sách phải bàn thảo và ban hành những quyết định phù hợp hơn, thay vì chỉ căn cứ vào các báo cáo truyền thống. Vậy đâu là sức mạnh, biến dư luận xã hội thành công luận, đủ sức đưa nhiều vấn đề lên bàn nghị sự vì lợi ích của cộng đồng?
Báo chí truyền thống được cho là công luận, thực ra ý kiến trên MXH cũng là một thứ công luận đấy. Đầu tiên phải nghĩ rằng những ý kiến trên MXH, người ta viết theo tâm trạng, không cần đòi hỏi sự “tiếp thu” của ai cả. Tức là tôi thấy một sự kiện đang xảy ra trong đời sống xã hội thì tôi trình bày suy nghĩ như một cách ghi chép nhật ký. Như chuyện chặt cây xanh ở Hà Nội, có người tiếc thương, họ để tang cây… Cũng có thể có người thông qua tâm trạng ấy muốn bày tỏ một chính kiến to tát… nhưng tất cả vẫn chỉ nằm ở vai trò “nhật ký cá nhân”. Nhưng tại sao từ “nhật ký cá nhân” mà lại có thể lay động được suy nghĩ của nhiều người. Ở đây có hai lý do:
Thứ nhất, tất cả mọi người đều có thể bày tỏ “thích-like”, hoặc bình luận vào đó, và có những chủ đề thay vì chỉ là sự quan tâm (like) của một số người thì trong một khoảng thời gian ngắn đã có hàng trăm thậm chí hàng nghìn lượt người “chia sẻ”. Tức là nó có tính lan tỏa, “truyền lửa”.
Vì đây là tiếng nói cá nhân, tâm sự, tâm trạng cá nhân, nhận định cá nhân trên MXH cho nên càng quý đối với công luận. Bởi vì, một khi những vấn đề liên quan đến lợi ích cộng đồng như chặt cây xanh hàng loạt, lấp sông, sập cầu… được nhiều cá nhân quan tâm, bày tỏ thái độ thì đó chính là “tâm trạng xã hội” mà các nhà quản trị xã hội chân chính rất cần biết. Cũng có thể xem đó là một dạng ý kiến “phản biện chính sách”.
Từ lời kêu gọi trên mạng xã hội, những “cư dân mạng” xuống đường tuần hành đòi chính quyền ngừng dự án thay thế cây xanh ở Hà Nội (tháng 7.2015). Ảnh TL
Thứ hai, sức mạnh của MXH là tâm tư của cá nhân được bộc lộ, được lan truyền và cái tâm tư ấy đúng, sai tự mỗi người có thể cân nhắc để tiếp thu, hoàn thiện các hoạt động, không nhất thiết chỉ tham gia hoàn thiện chính sách mà quan trọng hơn là hoàn thiện ứng xử của bản thân mỗi người. Người ta chê nhạc sĩ A, ca sĩ B, có thể đúng hay không đúng, nhưng người bị chê nhân đây cũng phải xem lại mình. Ví dụ năm người chê thì còn phân vân, nhưng cả trăm, cả ngàn vạn người chê thì đáng để nhìn lại mình lắm chứ! Khi nhận thấy những ý kiến bày tỏ quan điểm của cộng đồng về một vấn đề chung của toàn xã hội, lan truyền, cộng hưởng với nhau, cho đến khi chỉ ra được trách nhiệm của những người quản lý, thì chính người trong cuộc phải suy nghĩ và tác động ấy có thể dẫn đến thay đổi hành vi.
Có thể nói MXH là một kênh thông tin tham khảo có giá trị. Bởi lẽ, quá trình tiến lên của xã hội là dựa trên sự thích nghi và hoàn thiện dần. MXH mang màu sắc của “dân chủ trực tiếp”. Qua MXH, tâm tư, suy nghĩ của từng cá nhân được trình bày, và từ đó hình thành nên một chỉ dấu tâm trạng xã hội. Nếu đa số người dân muốn thế này thì người đại biểu đại diện cử tri không thể không đặt câu hỏi cân nhắc khi suy nghĩ và hành động.
Việt Nam đang hoàn thiện dần luật pháp hướng đến một xã hội dân chủ, ngoài Luật về trưng cầu ý dân đã được Quốc hội thông qua, luật biểu tình, luật lập hội cũng đang được Quốc hội dự thảo, được kỳ vọng như những viên đá lát của hành lang pháp lý để tiếng nói dân sự xã hội phát triển. Trong một môi trường pháp lý như vậy, MXH có ý nghĩa như thế nào đối với công dân trước các vấn đề của cộng đồng, đất nước?
Pháp lý luôn luôn là một quá trình hoàn thiện, mà hoàn thiện theo hướng mở rộng dân chủ trực tiếp. Dân chủ đại diện cũng tốt, nhưng vẫn chưa đầy đủ, chưa tiến bộ, văn minh bằng dân chủ trực tiếp. Đấy là những nấc thang của quá trình “dân chủ hóa”, không thể khác. Hầu hết các nước tiên tiến, phát triển đều có thể chế dân chủ trực tiếp kết hợp với dân chủ đại diện. Một trường hợp thí dụ điển hình của dân chủ trực tiếp là“trưng cầu dân ý”.
Ví dụ khi biểu quyết đạt tỷ lệ 70% (tùy luật quy định) thì nhà nước sẽ quyết định theo. Nền pháp lý của ta đang có nhiều thay đổi, và trong tiến triển ấy, một câu hỏi đặt ra là liệu MXH có làm cản trở không? MXH là công cụ thúc đẩy nhanh hơn tới dân chủ trực tiếp. Là vì người ta đã “tập sự” nói tâm trạng họ trên nhật ký cá nhân ấy rồi. MXH không những không cản bước tiến ấy mà còn thúc đẩy tốt hơn.
Thực tế, những tác động tạm gọi là “mặt trái” của MXH cũng để lại hệ quả không tốt cho cộng đồng như tin đồn thất thiệt, xúc phạm lẫn nhau… Về mặt pháp lý, theo ông cần có biện pháp nào để hạn chế điều này?
Điều gì cũng có hai mặt. Hạn chế của MXH phải được soi xét ở bản chất của vấn đề. Với MXH (facebook) các “trạng thái” có thể coi là một “nhật ký cá nhân” mở, nhật ký trực tuyến, không chỉ là nhật ký bình thường mà là nhật ký mở, và người khác có thể xem, bình luận, đánh giá… Vậy phải bám vào định nghĩa, bản chất ấy để xem xét tính pháp lý của nó trên nền tảng đây là một nhật ký mở có bình luận, chia sẻ và tất nhiên có tác động (tốt hoặc xấu).
PGS-TS. Đặng Ngọc Dinh
Cũng rất không nên vì mặt hạn chế của MXH mà nghĩ cách khống chế nó. MXH có hai tác động, tác động sự thật và tác động không sự thật. Phải có luật để can thiệp vào những thứ đó. Có hai mức. Mức nền tảng bao trùm là giáo dục – làm cho người dân có đạo đức khi sử dụng công cụ này. Một xã hội được giáo dục tốt thì những việc xấu sẽ hạn chế đi.
Mức thứ hai là với những sự việc cụ thể thì phải có những quy định phù hợp. Chúng ta có rất nhiều luật như luật liên quan đến truyền thông, Luật Dân sự… Và hành vi trên mạng xã hội cần được xem xét, áp vào khung luật phù hợp để xử lý. Nếu trên facebook có nội dung vu khống thì người bị hại có quyền đưa đơn kiện ra tòa án dân sự.
Ngoài ra, nội dung trên MXH còn phải xem nó có “biến thành” hành động không. Ví dụ tôi bảo tôi ghét ông A này lắm thì chưa phải là chuyện lớn. Nhưng nếu nói “ông A này ăn cắp 100 triệu”, thì lúc này ông A có thể kiện để tòa xét xử nếu người nói không có đủ chứng lý chứng minh hành vi mà người nói gán cho ông. Vì vậy chính trong bối cảnh hiện nay, rất cần nhanh chóng xem xét lại các quy định pháp luật để góp phần hạn chế những mặt trái của MXH.

Theo Người đô thị

Tin bài liên quan:

Lãnh đạo VN ‘không có tài khoản mạng xã hội’

Phan Thanh Hung

VNTB – Sức mạnh tương tác của không gian mạng

Phan Thanh Hung

Chờ Cơn Bão Đến ?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.