Mai Lan
(VNTB) – Nếu chọn cách miễn dịch cộng đồng, Việt Nam sẽ có ít nhất 126.000 người tử vong: Ai chấp nhận là 1 trong số đó?
Một kịch bản do Hiệp Hội các bệnh viện Mỹ họp ngày 26-2 đưa ra một dự báo để các thành viên tiên liệu mà đối phó với dịch, kịch bản đó sẽ là: 96 triệu người trong số 330 triệu người dân Mỹ dính bệnh, 4,8 triệu người cần nằm bệnh viện, và 480 ngàn người tử vong (https://www.businessinsider.com/presentation-us-hospitals-preparing-for-millions-of-hospitalizations-2020-3).
Miễn dịch cộng đồng là gì?
Chuyên viên dịch tễ, ông Nguyễn Trung Nghĩa, nói rằng tại Mỹ, cứ tới mỗi mùa cúm, các quan chức y tế đều thúc giục mọi người từ 6 tuổi trở lên đi tiêm vắc-xin ngừa cúm. Nguyên nhân chính khiến các bác sĩ muốn càng nhiều người tiêm vắc-xin ngừa cúm càng tốt nằm ở chỗ: Nó giúp bảo vệ cộng đồng, chứ không chỉ riêng bạn. Nguy cơ đối với gia đình bạn, đồng nghiệp của bạn và tất cả những người quanh bạn đều được cắt giảm. Khi nhiều người trong một khu vực tiêm vắc-xin, ít người bị ốm hơn. Từ đó, ít vi trùng lây lan từ người sang người hơn. Khái niệm này được gọi là miễn dịch cộng đồng.
Để có miễn dịch cộng đồng và bảo vệ nhiều người khỏi bệnh tật, tại bất kỳ khu vực nào cần có một lượng lớn dân số được tiêm vắc-xin. Thuật ngữ chuyên ngành gọi đây là “ngưỡng”.
Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) định nghĩa miễn dịch cộng đồng (tên tiếng Anh là Community immunity), là tình trạng trong đó có một tỷ lệ nhất định người dân có miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm thông qua tiêm chủng và/ hoặc đã mắc bệnh này trước đó, nhằm phòng tránh các bệnh lây từ người sang người.
Bàn luận về quan điểm này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng I, TP.HCM, phân tích: Muốn có được miễn dịch cộng đồng thì số người nhiễm bệnh sẽ rất lớn. Nghĩa là số người mắc bệnh gần như ở tất cả mọi người.
Nếu chủ động làm miễn dịch cộng đồng nhanh bằng cách để lây nhiễm tự nhiên sẽ rất nguy hiểm, và phải trả giá rất lớn bằng tính mạng của con người. Khi đó số lượng người mắc bệnh sẽ là rất lớn. Ở một số nhóm cơ địa đặc biệt như người già, miễn dịch kém, bệnh lý nền… nếu mắc bệnh sẽ rất nặng. Số lượng bệnh nhân mắc bệnh quá nhiều thì chúng ta sẽ không có thời gian chạy để cứu người nặng.
Ví dụ đơn giản, 10 người mắc bệnh có 4 người già, nhưng nếu nhân số người mắc lên 1.000 người thì sẽ có 400 người già mắc. Khi đó nhóm người này không đủ sức khỏe để tạo miễn dịch và có thể tử vong.
Sai lầm từ con số ‘đầu vào’?
“Thực tế quan điểm miễn dịch cộng đồng dựa trên một nhận định sai lầm, là số tử vong phía ngoài Trung Quốc chỉ ở mức 0,2%, hay bệnh Covid-19 chỉ là một bệnh nhẹ như cúm, nên thay vì phòng chống, có thể sống chung với bệnh được và từ đó có miễn dịch cộng đồng”. GS.TS. Lê Thị Hương – Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, nhận định.
GS.TS. Lê Thị Hương làm phép tính: Khi để mặc cho dân tự nhiễm, nếu may mắn, chỉ 0,2% tử vong, vậy số tử vong tại Việt Nam là bao nhiêu với 90 triệu dân và 70% mắc?. Số tử vong ở tỷ lệ 0,2% cũng đã lên tới con số là 126.000 người. Ai sẽ chấp nhận là 1 trong số 126 ngàn người đó?.
“Thêm nữa, đấy là khi không hề có quá tải y tế. Nếu quá tải y tế như Ý, số tử vong sẽ là 4-7% chứ không phải 0,2% và số chết sẽ là 5-9 triệu người. Ai sẽ chấp nhận là 1 trong số 5 triệu người đó. Chưa nói sẽ rất nhiều bác sĩ tử vong. Và đây mới chỉ là số lý thuyết. Trong số 50 bệnh nhân đã và đang nằm viện, cũng đã có 10 người triệu chứng nặng (20%). Nếu không có can thiệp y tế rất bài bản, chắc chắn đã có người tử vong, nếu số mắc là hàng loạt, bao nhiêu cái chết sẽ không thể tránh nổi? Đó không phải là vấn đề rủi ro ý tế nữa, đó là vô nhân đạo, là vô đạo đức trong triết lý về phòng chống dịch”. GS.TS. Lê Thị Hương biện giải.
Trong một trao đổi với báo chí, GS.TS. Lê Thị Hương có đưa ra thông tin đáng chú ý như sau về tiên liệu khả năng tử vong: “Hiện tại cũng đã có những trường hợp bệnh tiến triển khá nặng trong số 50 bệnh nhân đã và đang điều trị” (!?).
“Miễn dịch cộng đồng có thể tạo từ từ để đảm bảo an toàn, không có người tử vong. Sớm muộn chúng ta cũng có sẽ có miễn dịch cộng đồng với loại virus này. Tuy nhiên, làm cho nó lây nhiễm càng chậm sẽ càng tốt. Việc chúng ta cần phải làm là tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh, làm việc một cách quyết liệt hơn, không được lơ là. Dịch bệnh có thể kéo dài nhưng, kéo dài tới đâu chúng ta cũng phải theo sát tới đó không thể để dịch bùng phát trên diện rộng”. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nhấn mạnh.