Nhà báo Trương Duy Nhất |
Đâu đó vẫn còn những quan điểm tranh cãi về Nhất xung quanh cuộc đấu đá quyền lực giữa Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Bá Thanh, họ xem Nhất chỉ như là một quân cờ trên bàn cờ chính trị. Nhưng nếu đọc kỹ các bài của Nhất viết, xem rõ lập trường trong đó thì ngòi bút của Nhất là điển hình của một nhà báo thể hiện xuất sắc ý tưởng “tự do ngôn luận”. Đó là một tiếng nói độc lập chứ không đối lập, một nhà báo tự do chứ không li khai, một người phát ngôn chính kiến riêng chứ không bất đồng chính kiến, phản biện chứ không phản động, phản đối chứ không chống đối. Thế nhưng hai năm tù của Nhất là một minh chứng rằng cho dù anh có che chắn kỷ đến mấy vẫn bị thứ “luật rừng” xuyên thủng. Bởi lẻ không có một thứ luật pháp nào ngoài luật của kẻ mạnh trong một xã hội không có pháp trị. Cho dù lý lẻ của Nhất có đanh thép đến đâu trong các phiên tòa, anh cũng phải chấp nhận bản án “bỏ túi” đã được soạn trước của những kẻ nắm trong tay quyền lực.
Thế nhưng Trương Duy Nhất vẫn không khuất phục. Bằng cách nhổ toẹt vào chính sách nhận tội để giảm án, bằng cách thụ án không cần “ăn gian” lấy một ngày Nhất đã cho thấy chính quyền có thể tước đi tự do thân thể của anh nhưng không thể tước đi sự tự do về tư tưởng, về ý chí. Cuộc chiến giành lấy chính nghĩa hơn 40 năm qua đã cho thấy sự rời bỏ hàng ngũ của cái gọi là “nền báo chí cách mạng” để gia nhập vào hàng ngũ những nhà báo tự do mà Nhất là một điển hình chân thực. Có lẽ sẽ có một số người không ưa Nhất nhưng không thể không khâm phục khí tiết của anh, một con người dũng cảm.
Chúng tôi những người bạn của Nhất đang đếm ngược thời gian để có thể đón anh trên cánh cửa nhà tù. Và một điều chắc chắn rằng Nhất cũng như nhiều “cựu tù” khác sẽ dùng chiếc bàn phím của mình trở lại lợi hại hơn xưa, bất chấp thời gian quản chế. Càng bỏ tù nhiều người chế độ càng để lộ ra sự bất cập của thể chế, của luật pháp chứ không hề làm được cái điều mà họ mong đợi: đó là tính ngăn đe. Mạng lưới Blogger Việt nam sẽ càng ngày càng bổ sung thêm nhiều thành viên. Và nói như nhà báo Nguyễn văn Hải, chế độ độc tài sở dĩ tồn tại được là vì sự bưng bít thông tin thì chúng ta càng phải cần nhiều mủi khoan để khoan thủng sự bưng bít đó.
Có lẻ ngày 26/5/2015 chúng ta sẽ chào đón sự trở lại của một mũi khoan mới: TRƯƠNG DUY NHẤT.