Việt Nam Thời Báo

Một xã hội thích “lên đồng”

Gần đây, nếu nghía qua các trang giải trí, bạn sẽ tự hỏi: “Duy Nhân là ai?”. Tôi thật sự không biết đến người mẫu, diễn viên này (và tôi dám chắc hơn 99% người dân cũng không biết). Nhưng anh ấy lại được nhắc đến nhiều hơn cả những người có nhiều đóng góp to lớn cho xã hội. Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Giúp đỡ nông dân như thế này là hành động tích cực trong một thời điểm nhất định, nhưng không phải là giải pháp căn cơ. Tiếc là xã hội đang lao theo những cảm xúc nhất thời – Ảnh chụp màn hình Facebook

“Lên đồng” với bất cứ chuyện gì
Thế giới mạng lại một phen “lên đồng” với hàng loạt những tiếc thương, buồn bã (như lúc Wanbi Tuấn Anh mất)… được hà hơi tiếp sức bởi cả báo chính thống lẫn lá cải với những loạt bài “kinh điển”. Nào “xót lòng”, rồi “khóc ngất”, rồi “nghẹnngào,” rồi “vật vã”, thậm chí cả chuyện bắt cướp ở lễ tang, chuyện cười nói trong đám tang cũng đưa lên, rồi chuyện “đi bước nữa”, chuyện có con từ “tinh trùng đông lạnh”… Một series bài với những tiểu sử, về gia cảnh, về người vợ xinh đẹp. Đa số chẳng ai nhớ đến Duy Nhân có đóng góp gì to lớn, có sức ảnh hưởng như thế nào, có đáng để làm cả loạt bài như vậy không? Các bạn báo chí đang “thần thánh hóa” một người bình thường chăng?


Hãy nhớ lại cách đây vài tháng, khi ai ai cũng sục sôi đòi bảo vệ những hàng cây xà cừ nhiều kỷ niệm, người người ra ôm cây, nhà nhà đọc văn tế, thanh niên vác biểu ngữ đi cổ động. Bên cạnh rất nhiều người tâm huyết muốn bảo vệ những hàng cây đã làm nên hồn cốt Hà Nội, bảo vệ lá phổi xanh của thành phố thì tôi nghĩ rằng có đến 2/3 số người nhào vào chuyện này chỉ là những kẻ hóng hớt và muốn thể hiện “bản ngã” của mình. “Lên đồng” theo phong trào và ít khi suy nghĩ!

Hay đến với phong trào từ thiện cứu dưa hấu cách đây vài tuần. Người Hà Nội giúp đỡ nông dân Quảng Nam và Quảng Ngãi khi dưa hấu trồng quá nhiều mà không có đầu ra. Những thanh niên giàu tình thương lại nô nức đem xe chở dưa về thành phố, rồi báo đài thi nhau khen ngợi đưa tin. Họ đâu biết, cứu nông dân lần này thì năm sau, mùa sau ai cứu họ, một nền nông nghiệp không thể dựa vào từ thiện. Nhưng sau đó, xã hội lại tiếp tục “lên đồng” với kiểu từ thiện kỳ lạ này, họ hô hào, hồ hởi và hăng say cứu tiếp hành tím. Sau dưa hấu và hành tím họ sẽ cứu gì nữa, cứu thanh long, cứu vải thiều… hay là cứu chính tâm hồn họ.

Nhưng lại vô cảm trong đời thực

Một anh thanh niên chạy giao cơm hộp giữa trưa, vô tình bị xe đằng trước quẹt phải, ngã xõng xoài ra giữa đường. Anh vừa ngơ ngẩn thất thần vừa ngân ngấn nước mắt, vừa đi nhặt lại từng hộp cơm. Giữa đường trưa nắng, không ai dừng lại giúp anh, ai cũng tất bật với những việc riêng của mình. Không ít trong số đó tranh thủ về để lên thế giới ảo tiếp tục làm anh hùng, hô hào cứu cây xanh ở một nơi xa xôi nào đó, hô hào cứu dòng sông mà mình chưa từng đặt chân tới, hay tỏ ra tiếc thương, chia sẻ nỗi buồn với một người mẫu mình chưa từng biết tên.

Hay là chuyện cô gái la thất thanh “cướp, cướp” vì bị dàn cảnh đánh đập, giật đồ giữa thanh thiên bạch nhật nhưng không ai dám dừng lại và can thiệp. Vì sợ, vì hèn hay vì vô cảm, chẳng ai biết. Nhưng chắc chắn, ở thế giới ảo họ can đảm hơn ngoài đời.

Một xã hội mà bất cứ thứ gì cũng dậy sóng, được cổ xúy bởi “cộng đồng mạng” (lúc nào cũng sẵn sàng lên cơn sốt) và báo lá cải, từ hot boy Lệ Rơi, hot girl bán bánh tráng trộn, hot girl bán báo, đến những “hiệp sỹ” giải cứu cây xanh, hay là cứu dưa hấu… trong khi nhiều giá trị thật đang bị bỏ qua thì thật đáng lo ngại.

Đừng hô hào theo đám đông, đừng tiếc thương theo phong trào, đừng thần thánh hóa những người bình thường, đừng “lên đồng” với những chuyện không đâu. Ngồi xuống và nghĩ cho kỹ trước khi định làm một điều gì đó, xã hội cần những người hiểu chuyện hơn là những kẻ thích “lên đồng”.

Theo Thanh Niên

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo