Mua 13 đoàn tàu Trung Quốc: “Muốn thay thế cũng không được”

“Mặc dù hai nhà thầu Trung Quốc rất yếu kém, nhưng muốn thay thế cũng không thay thế được”.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, ngày 9/6, khi trao đổi về đề nghị mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông của Ban quản lý dự án đường sắt.

Bộ trưởng Thăng cho biết, việc mua tàu Trung Quốc cho tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông thực hiện theo điều kiện của hiệp định vay vốn ODA.

“Vì tất cả đều nằm trong điều kiện vay vốn ODA”, ông Thăng nói.

Cụ thể, đối với các dự án sử dụng vốn ODA, nhà tài trợ vốn đồng thời là tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, cung cấp vật liệu và cũng là nhà thầu thi công. Nguyên tắc này được áp dụng với mọi quốc gia dù là Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc.

Vì vậy, việc mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng thực hiện theo điều kiện của hiệp định vay vốn, gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.
Phối cảnh tuyến tàu điện Cát Linh – Hà Đông.
Tư vấn giám sát là Công ty TNHH Giám sát xây dựng – Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh. 

Mặt khác, Bộ trưởng Thăng chia sẻ, khi tuyến Đường sắt Cát Linh – Hà Đông xảy ra nhiều tai nạn, bản thân ông cũng vô cùng bức xúc và đã có biện pháp chấn chỉnh các nhà thầu này. 

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Đình Thám – Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: “Tôi chắc chắn rằng, tàu TQ rẻ hơn nhưng độ tin tưởng không cao, bằng những nước có công nghệ sản xuất tàu đường sắt tiên tiến hơn.

Dù sao tàu của TQ cũng chỉ là công nghệ nhập lại của nước khác để sản xuất, đó là điều chắc chắn. Thế nhưng, điều khó ở đây, là vì chúng ta lo mua tàu của nước khác thì lại quá đắt không đủ tài chính”.

Theo ông Thám, từ trước đến nay, không riêng gì các đoàn tàu, đã có rất nhiều thứ chúng ta bắt buộc phải mua của TQ mặc dù biết chất lượng của họ không phải loại 1, đó chính là tư tưởng con nhà nghèo ham của rẻ.

Nghĩa là chúng ta đang chấp nhận với yêu cầu của mình hiện nay, thì đáp ứng được chấp nhận vì dự án đã đặt ra mục tiêu, đáp ứng được mục tiêu thì được chấp nhận, không thì không chấp nhận.

Về việc lựa chọn thiết bị, ông Thám khẳng định: “Chúng ta chỉ có thể lựa chọn trong khuôn khổ hiệp thương ODA, trong hợp đồng chắc chắn sẽ quy định rõ: giao thông chính, thiết bị chính đều phải do họ cung cấp, lựa chọn.

Năng lực, công nghệ đáp ứng dự án đã được duyệt thì làm theo khuôn khổ đó, chúng ta không thể lật ngược lại hoặc làm khác đi”.

Đồng tình quan điểm, chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, thực tế nhà thầu TQ gây khó khăn cho tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông về tiến độ cũng như chất lượng công trình. Đã có tiền lệ xấu thì chúng ta nên có các nhà chuyên môn, kỹ thuật để kiểm tra tàu được mua về, có đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật hay không.

Điều người dân quan tâm nhất vẫn là chất lượng tàu, khi đưa vào sử dụng sẽ ra sao.

“Bản thân tôi, tôi không lo ngại về kỹ thuật TQ, nhưng tất nhiên khi đứng ở góc độ người dân thì tôi cũng nghĩ không nên mua tàu TQ, nếu có cơ hội”, ông khẳng định.

Thế nhưng, ông cũng biết trước, theo các hợp đồng xây dựng, chắc chắn chúng ta sẽ phải thỏa thuận mua tàu của TQ, chứ chúng ta không thể lấy ODA của TQ mà đi mua tàu được của nước khác. Đó là lỗi sai ngay từ đầu khi lựa chọn Tổng thầu.
Theo Đất Việt
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)