Theo Trí thức trẻ
Theo lãnh đạo VAMC, dù VAMC có thể mua được nợ xấu nhưng để bán nợ xấu đó ra cũng là một khó khăn.
Theo ông Đoàn Văn Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC), tính đến thời điểm hiện nay VAMC đã mua 251 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tổng số nợ được thu hồi lũy kế đến nay là 34 nghìn tỷ nợ xấu, tương đương 15%.
Kế hoạch đề ra cho VAMC trong 5 năm thu hồi tối đa 30-40%, tuy nhiên sau gần 3 năm, VAMC đã thu hồi được 15%.
“Tốc độ thu hồi của VAMC tăng dần, năm 2014 thu hồi được 15 nghìn tỷ, năm 2015 khoảng 12 nghìn tỷ và từ đầu năm đến nay là 11 nghìn tỷ. Trong năm 2016, VAMC đặt ra kế hoạch 30 nghìn tỷ và tốc độ thu hồi nợ những tháng cuối ăm bao giờ cũng tăng. Kế hoạch này dự kiến sẽ hoàn thành, và tỷ lệ nợ xấu sẽ giữ ở mức dưới 3%.”, đại diện VAMC cho hay.
Về khó khăn trong khâu xử lý nợ xấu, lãnh đạo VAMC cho biết vướng mắc lớn nhất hiện nay là hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ xấu. Ví dụ như việc bán nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước thì theo các quy định hiện hành, VAMC chỉ được phép bán nợ xấu cho các đơn vị có chức năng mua bán nợ xấu. Điều này hạn chế khá nhiều, hoạt động bán nợ xấu ra thị trường của VAMC
“Thị trường hiện nay rất khó khăn cho VAMC, mua nợ rồi nhưng giờ bán ra sao?”, vị lãnh đạo VAMC nêu quan điểm.
Sau 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào cuối tháng 5/2016.
Theo số liệu do các tổ chức tín dụng (TCTD) và VAMC báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016, đạt 59,71 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, bán nợ cho VAMC (8,88 nghìn tỷ đồng), khách hàng trả nợ (30,98 nghìn tỷ đồng), sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu (7,24 nghìn tỷ đồng).
Kim Tiền
Theo Trí thức trẻ