Không chỉ quốc hội mà cả chính trường Việt Nam đang nóng rẫy bởi tiết lộ chưa từng có về túi ngân sách chỉ còn 45,000 tỷ đồng từ Bộ trưởng Kế Hoạch Và Đầu Tư Bùi Quang Vinh, cũng là một trong 200 ủy viên trung ương đảng.
Con số về thực trạng ngân sách trên đã góp công lớn cho việc giải mã lý do tại sao từ giữa năm 2015 đến nay, Bộ Tài Chính lại cố công vay mượn từ Ngân hàng Vietcombank 1 tỷ USD, đến Ngân hàng nhà nước 30,000 tỷ đồng, cho dù mới đây Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh còn cố ngụy biện về tình hình ngân sách “đã nằm trong kịch bản dự tính”.
Vào lần này, một “nhân chứng” mới đã xuất hiện. Đó là ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội. Hãy nghe ông trần tình với báo chí: “Tôi cho là áp lực điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2015 đang hết sức khó khăn, cho dù thu vượt hơn 16,000 tỷ, nhưng ngân sách trung ương lại hụt hơn 31,000 tỷ. Nguồn bù đắp trước mắt hiện nay là từ việc thoái vốn từ các doanh nghiệp được 10,000 tỷ. Như vậy còn 21,000 tỷ chưa có nguồn xử lý”.
Nhưng cùng lúc với lời tự thuật của ông Bùi Đức Thụ, còn có thông tin cho biết ngân sách nhà nước hụt đến 51,000 tỷ đồng chứ không chỉ là 31,000 tỷ. Tình hình đang “phát triển” đến mức mà cứ bất kỳ số tăng nào cho chuyện hụt ngân sách lại càng làm vô vọng hơn khả năng trả nợ của Bộ Tài Chính.
Bộ Tài Chính có khả năng trả nợ hay không? Đây là câu hỏi mang tính chết sống đối với cả nền ngân sách đang nhanh chóng suy kiệt của Việt Nam.
Cho tới nay, ngoài bản thuyết minh đi vay chỉ được tóm gọn bởi một câu “nhằm tạm thời giải quyết khó khăn ngân sách”, Bộ tài chính không công bố bất kỳ thông tin nào về khả năng trả nợ. Chính sự khuất lấp này đã gây nên nghi ngờ lớn nơi công luận.
Mối nghi ngờ trên càng được củng cố nếu người ta nhớ lại vào tháng Tư năm nay, Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ tài chính vay mượn từ quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Được Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình – người được coi là cánh tay mặt của Thủ tướng Dũng – quảng bá có đến 37 tỷ USD, dường như phía chính phủ xem quỹ này là một mỏ vàng tiềm năng để “rút ruột” không giới hạn.
Tuy nhiên ngay sau đó, nhiều phản ứng đã phát sinh từ giới chuyên gia và một số bộ ngành. Không khí trong Ủy ban thường vụ quốc hội cũng hoàn toàn không thuận lợi, đến mức đề xuất vay từ quỹ dự trữ ngoại hối đã tan thành bong bóng.
Còn giờ đây, chính phủ của Thủ tướng Dũng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ nếu để xảy ra hậu quả vỡ ngân sách. Sang năm 2016, tình hình vẫn chưa có gì đáng coi là lạc quan cho các nguồn thu về giá dầu, xuất nhập khẩu… Có chăng chỉ là chiến dịch thoái vốn từ các cơ sở kinh tế mà có thể đem về cho ngân sách vài chục ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, bội chi vẫn tăng và tăng mãi, kèm theo nạn tham nhũng tràn ngập ở mọi ngành, mọi cấp hành chính.
Triển vọng trả được nợ của Bộ Tài Chính từ việc vay mượn Ngân hàng nhà nước và Vietcombank cũng bởi thế là quá khó khả thi.
Lê Dung / SBTN