Một thế giới
Khu biệt thự của gia đình Phó Ban nội chính tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Sỹ Kỷ – Ảnh: Tuổi Trẻ
Một nền quản trị quốc gia như thế nào sẽ hạn chế, ngăn ngừa được tai họa tham nhũng? Hay ai cũng hiểu, chỉ giả vờ… không hiểu?
Không chỉ có hot girl Thanh Hóa, mới ở cấp trưởng phòng Sở Xây dựng một tỉnh khó khăn đã có tài sản khủng khiến dư luận xã hội đòi hỏi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra. Những ngày này, xã hội cũng râm ran bàn tán về quần thể biệt thự và những công trình xây dựng tổng cộng hơn nghìn m2 trên đất nông nghiệp. Bao quanh khu biệt thự này là một bức tường kiên cố cao gần 3m, rào kẽm gai và có một con đường bê tông rộng 3m, dài trên 261m dẫn vào nhà. Đó là cơ ngơi của ông Nguyễn Sỹ Kỷ – nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Păk giai đoạn 2011 – 2015, hiện là Phó Trưởng ban Nội chính tỉnh Đăk Lăk.
Chạy xe ôm xây biệt thự?
Có điều, phản ứng của gia đình ông Nguyễn Sỹ Kỷ trước dư luận xã hội về việc gia đình ông ngang nhiên vi phạm luật đất đai là khá kỳ lạ. Bà vợ đòi tự tử, khiến người dân thấy ngượng hộ. Còn ông Nguyễn Sỹ Kỷ cãi chầy cãi cối rằng, ông từng phải chạy xe ôm tích cóp mới xây nổi biệt thự, khiến cánh xe ôm thấy xấu hổ vì tự thấy mình quá… bất tài.
Cũng có thể thuở hàn vi ông từng mưu sinh – chạy xe ôm, tích cóp từng đồng tiền lao động vắt kiệt mồ hôi. Nhưng nếu chỉ chạy xe ôm mà xây được biệt thự, cam đoan ngành xe ôm trong xã hội sẽ phát triển mạnh nhất. Và người viết bài này cũng sẽ… chuyển nghề.
Thế nhưng dư luận xã hội chưa quên trước đây hai tháng, báo Lao động ngày 17.1 đưa tin, ông Nguyễn Sỹ Kỷ bị Tỉnh ủy Đăk Lăk cảnh cáo, bởi trong thời gian làm Chủ tịch UBND huyện Krông Păk (nhiệm kỳ 2011 – 2016), ông đã có hàng loạt sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, để lại nhiều hậu quả cho nhiệm kỳ mới. Như ký hợp đồng thừa hàng trăm giáo viên, bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục thừa tới 35 ghế, tự ý chia tách thành lập trường mới, giao đất cho doanh nghiệp trái thẩm quyền.
Cái cơ chế xin – cho của huyện Krông Păk dưới thời ông thật có đất…. phát.
Thế nên không phải vô lý khi có những ý kiến như của ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH cho rằng, cần kiểm tra Phó Ban Nội chính Đăk Lăk lấy tiền đâu xây biệt thự? Bởi, lẽ ra, là cán bộ tỉnh thì phải làm gương cho nhân dân noi theo, đằng này lại xây biệt thự lớn trên đất nông nghiệp, thì cần xử lý nghiêm (Trí thức trẻ, ngày 03.4).
Đến thời điểm này, chưa biết vấn đề biệt thự của ông Nguyễn Sỹ Kỷ sẽ được xử lý thế nào. Hay rồi sẽ lặng lẽ chìm vào im lặng đáng buồn. Dù được biết, UBND phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) vừa ban hành quyết định yêu cầu gia đình ông Kỷ trong vòng 10 ngày phải khắc phục hậu quả do vi phạm xây dựng nhà ở không phép trên đất nông nghiệp, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (VietNamNet, ngày 31.3).
Thì mới đây, người ta lại phát hiện ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai xây nhà vườn rất kiên cố trên mảnh đất hơn 2.000 m2 là đất nông nghiệp. Xử lý ra sao với những quan chức ngang nhiên giẫm đạp pháp luật? Nên nhớ rằng cách đây ít lâu, nhà xây trái phép của một vị nguyên là đại tá công an ở Đăk Lăk cũng đã từng bị cưỡng chế tháo dỡ do xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
“Làm giàu không khó”
Ca từ đó ngẫu nhiên có vẻ ứng nghiệm trong thời kim tiền này với một số quan chức từ cấp cơ sở trở lên, dù nợ công, nợ xấu của quốc gia vẫn luôn là một mối lo thường trực, dù công cuộc phòng chống tham nhũng ở nước Việt này xem ra vẫn… rất khó.
Từ năm 2014, đại diện Chánh Thanh tra Chính phủ đã nhìn nhận: Tham nhũng ở Việt Nam 03 năm qua ổn định. Mà ổn định tức là gì? Dưới đầu đề “Tham nhũng ổn định là chết”, báo Công lý (ngày 23.9.2016) cho biết, Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2015 do Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố, điểm số của Việt Nam là 31/100 điểm vẫn giữ nguyên từ 03 năm trở lại đây. Thứ hạng công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu.
Rõ ràng tham nhũng là tai họa để lại rất nhiều hậu họa cho một quốc gia. Nhất là tàn phá niềm tin của người dân vào chính thể chế đó, xã hội đó. Bởi mất niềm tin là mất tất cả, dù có thể còn đó đất đai, nhà cửa, xã tắc…
Hàng ngàn, hàng vạn bài báo, ý kiến của các nhà quản lý xã hội, nhà nghiên cứu, các chuyên gia về lĩnh vực này kiến nghị các giải pháp, nhưng tham nhũng vì sao vẫn “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”? (xin mượn ý câu Kiều của cụ Nguyễn Du). Như vậy, muốn diệt trừ tham nhũng, phải xem xét tham nhũng nảy nòi từ đâu, dù lòng tham con người thì ở quốc gia nào cũng là dạng… tiềm năng. Nhưng tại sao có quốc gia khỏe mạnh, thành công, và ngược lại có quốc gia ốm yếu và chưa thành công trong việc diệt trừ tham nhũng?
Cách đây nhiều năm, người viết bài đã có một nhận xét trong một bài viết trên Tuần Việt Nam, có thể coi là đặc điểm của xã hội nước Việt: Ở nhiều nước văn minh, tiên tiến, phát triển – trước khi tham gia chính trường, nhiều quan chức đã là những người giầu có. Còn ở ta, nhiều người chỉ trở nên giàu có sau khi trở thành… quan chức. Đặc điểm đó, liệu có phải vô tình là…. “con đẻ” của những khiếm khuyết của một nền quản trị quốc gia?
Ai cũng biết, quản lý kinh tế thị trường theo định hướng XHCN hiện nay của nước Việt thoát thai từ cơ chế quản lý bao cấp đã hơn 30 năm nay. Dù vậy, về cơ bản nền kinh tế – với doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo vẫn đậm đặc là cơ chế xin – cho, ban phát. Cơ chế xin – cho đó thực chất vẫn chi phối mạnh mẽ việc điều hành hệ thống kinh tế, hệ thống quản lý xã hội, thông qua việc ký kết các dự án, xây dựng các công trình kinh tế, văn hóa, xã hội. Là chất xúc tác của lợi ích nhóm, của quan hệ hợp tác “win- win”. Vấn nạn tham nhũng là không tránh khỏi. Hiện tượng quan chức có tài sản khủng là không tránh khỏi.
Cơ chế xin – cho còn tạo cho những chiếc ghế quyền lực từ cấp cao đến cấp thấp những đặc quyền – đặc lợi, và sự đặc quyền đặc lợi đó cứ mặc nhiên nảy nở ở bất cứ kẽ hở nào. Mà việc ngang nhiên vi phạm như trường hợp ông Nguyễn Sỹ Kỷ xây nhà trên đất nông nghiệp không phải ít. Trong khi đó, cấp quản lý xã hội lại… ngoảnh mặt làm ngơ. Sự đặc quyền – đặc lợi đó còn thể hiện ở bất cứ vấn đề nào – từ chế độ thi đua khen thưởng cho tới chiếc ô tô công được thanh lý. Cho đến con vịt, con gà, con dê sau lũy tre làng được phân phối cho hộ nông dân nghèo cũng … khôn ngoan “đi theo lợi ích nhóm”, vào nhà cán bộ thôn, xã.
Cơ chế xin – cho lại được nền “kinh tế tiền mặt” hỗ trợ đắc lực, khiến cho kẻ tham nhũng còn nhởn nhơ hết ngày dài lại đêm thâu.
Trong khi đó, pháp luật chưa đóng vai trò thượng tôn, ngược lại, còn luôn phải “cầm tay chỉ việc”. Mà sự thiếu công tâm kỳ lạ trong một số vụ án, khiến báo chí phải nói thẳng: “Dựng một chuồng gà bị khởi tố, xây 40 biệt thự chỉ phạt tiền”.
Một nền quản trị quốc gia như thế nào sẽ hạn chế, ngăn ngừa được tai họa tham nhũng?
Hay ai cũng hiểu, chỉ giả vờ… không hiểu?
Kỳ Duyên