Việt Nam Thời Báo

Mỹ không thể rút lui để Trung Quốc thống trị châu Á

Thụy My
(Blog Thụy My)


Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hy vọng duy trì quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ dưới thời ông Trump.
(Le Monde 19/11/2016) Đối với Philip Golub, giáo sư trường đại học Mỹ ở Paris, Hoa Kỳ không thể bỏ rơi các đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương.

Là chuyên gia về quan hệ quốc tế, ông Philip Golub là một trong các tổng biên tập tại Bangkok của nhật báo Asia Times. Ông là giáo sư trường đại học Mỹ ở Paris, và đặc biệt đã viết cuốn Một câu chuyện khác của sức mạnh Mỹ (NXB Le Seuil, 2011) và East Asia’s Reemergence (Sự trỗi dậy trở lại của Đông Á – NXB Policy).

Trung Quốc đã có thể xoa tay hài lòng với suy nghĩ là Hoa Kỳ sẽ rút lui khỏi các cam kết ở châu Á ?

Tôi không nghĩ rằng người Mỹ sẽ nhường lại chỗ đứng của mình ở châu Á, dưới thời ông Trump làm tổng thống. Hoa Kỳ đã là cường quốc Thái Bình Dương từ thế kỷ 19, và nhất là từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc. Đây là khu vực lợi ích chiến lược quan trọng hàng đầu của Mỹ, và họ không thể tự cho phép bỏ rơi các đồng minh chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore…

Một sự rút lui đơn phương của Hoa Kỳ vào lúc Trung Quốc trở thành đại cường sẽ thách thức về cơ bản không chỉ sự thăng bằng trong khu vực, mà ngay chính sức mạnh Mỹ. Một chính sách như thế không có lợi gì cho ông Trump.

Trung Quốc sẽ làm gì nếu chính quyền mới của Mỹ áp đặt chủ nghĩa bảo hộ ở một mức độ nào đó ?

Khi từ bỏ hiệp định tự do mậu dịch TPP – tập hợp 12 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương nhưng không có Trung Quốc – ông Trump sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh đẩy mạnh dự án một khu vực tự do mậu dịch lớn mà Trung Quốc là trung tâm : FTAAP.

Trung Quốc tiếp tục nỗ lực để thiết lập các định chế quản lý kinh tế cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) đặt tại Thượng Hải, hay Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do khối BRICS (Brazil, Nga, Ân Độ, Trung Quốc, Nam Phi) thành lập.

Ông Obama mong muốn « xoay trục » về ngoại giao và kinh tế sang châu Á. Viễn cảnh này có nguy cơ sẽ bị xem xét lại…

Vâng, nhưng các định chế quốc phòng và an ninh của Hoa Kỳ và các nhân tố kinh tế quan trọng nhất sẽ kịch liệt phản đối ý định đơn phương rút lui của Mỹ khỏi châu Á. Nếu Donald Trump cố áp đặt biện pháp này, thì ông ta sẽ phải đối mặt với sự chống đối mạnh mẽ từ bên trong. Nhất là nếu Mỹ ra đi, sẽ để lại chỗ đứng quan trọng cho Trung Quốc mở rộng sự thống trị trong khu vực ; tạo ra một khoảng trống chiến lược mà Bắc Kinh sẽ lấp đầy.


Như vậy ông không tin là người Mỹ sẽ rút ra khỏi châu Á ?

Ê-kíp của ông Trump sẽ xác định một chiến lược kiểm soát Thái Bình Dương. Ngược lại, việc tiếp tục bành trướng tại châu Á-Thái Bình Dương có thể không cần đến việc hợp tác đa phương do chính quyền Obama triển khai.

Sự khác biệt quan trọng nhất giữa chính sách đang tiến hành hiện nay và những gì ông Trump tuyên bố – ông ta có vẻ chưa có ý tưởng gì rõ rệt – là việc từ bỏ những cam kết dân chủ của Mỹ, biểu hiện ở quyết định xích gần lại Miến Điện của ông Obama. Đối với ông Trump, sẽ khởi đầu một chính sách hoàn toàn thực dụng.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo