BBC
Mười ngày trước khi Tổng thống Obama thăm Việt Nam, báo nước ngoài bình luận về khả năng Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí.
Hôm 9/5, tạp chí Foreign Policy tường thuật, bất chấp sự phản đối từ phía các thượng nghị sĩ và những người ủng hộ nhân quyền, Nhà Trắng đang cân nhắc việc bán vũ khí cho Hà Nội – lần đầu tiên kể từ năm 1975.
Lo ngại về hành vi hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông, Hà Nội liên tục gây sức ép để Washington bỏ cấm vận vũ khí, cho phép Hà Nội mua thiết bị quân sự công nghệ cao như radar giám sát hoặc máy bay do thám. Hai năm trước, Washington đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm cho phép bán vũ khí liên quan đến “an ninh hàng hải.”
Nhưng trong khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xem bước đi này là động thái chiến lược quan trọng trong việc đối phó với Trung Quốc, các nhóm nhân quyền và một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ lo ngại Nhà Trắng sẽ không nhận được điều tương xứng từ Hà Nội cho việc bỏ cấm vận vũ khí.
Dù tán đồng việc mở rộng quan hệ Mỹ-Việt, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy “quan ngại về tự do ngôn luận” và mong muốn chính quyền Obama giải thích Hà Nội dự kiến sẽ thực thi vấn đề nhân quyền thế nào một khi Hoa Kỳ cho phép bán vũ khí sát thương.
‘Quá sớm’
“Tại thời điểm này, việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là quá sớm và không xứng đáng, trừ khi Hà Nội có những bước xử lý hồ sơ nhân quyền yếu kém”, ông John Sifton, Giám đốc khu vực châu Á của Human Rights Watch cho biết.
Nhà Trắng đã điều trần về động thái này trong những tuần gần đây, các quan chức và trợ lý Quốc hội nói với Foreign Policy. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter công khai ủng hộ việc này trong bài phát biểu tại buổi điều trần ở Thượng viện tháng trước khiến các thượng nghị sĩ ngạc nhiên.
Tuy vậy, quyết định cuối cùng còn tùy một phần vào kết quả các cuộc hội đàm của hai phái viên ngoại giao Hoa Kỳ tại Hà Nội trong tuần này.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel có mặt ở Hà Nội để thảo luận quan hệ song phương Mỹ – Việt, Biển Đông và các vấn đề Asean, theo thông cáo của phía Mỹ.
Cùng lúc đó, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Tom Malinowski cũng có mặt, để bàn về nhân quyền.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay ông Malinowski thúc giục Hà Nội “thả tù nhân chính trị vô điều kiện” và thực hiện cải cách tương ứng với các điều ước quốc tế về nhân quyền.
Khi được hỏi về sự thay đổi có thể trong chính sách về Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Katina Adams nói “nhân quyền vẫn là yếu tố then chốt.”
Những người ủng hộ bỏ lệnh cấm vận vũ khí nói rằng Việt Nam đã đạt được tiến bộ về vấn đề nhân quyền và rằng hồ sơ của Việt Nam còn đỡ hơn nhiều một vài đồng minh của Hoa Kỳ như Ả rập Saudi, Ai Cập…
“Động cơ chính yếu” đằng sau yêu cầu bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam mang tính chính trị hơn là quân sự, ông Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á của Học viện Quốc phòng Úc, nhận định.
Đến nay, Hà Nội chưa cung cấp cho Washington danh sách những vũ khí muốn mua và việc Hoa Kỳ bỏ cấm vận vũ khí chưa hẳn là giữa hai nước sẽ có những giao dịch quốc phòng lớn, các chuyên gia cho biết.
Vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất quá đắt đỏ trong thời điểm này.
“Việt Nam muốn có sự chuyển giao công nghệ vũ khí”, ông Thayer nói.
Hôm 9/5, Reuters tường thuật, việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí có thể chọc giận Bắc Kinh.
Trung Quốc đã lên án việc chính quyền Obama gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí năm 2014 như là sự can thiệp vào sự cân bằng quyền lực trong khu vực.
Ngay cả khi Hà Nội tìm kiếm mối quan hệ ấm áp hơn với Hoa Kỳ, các quan chức Hoa Kỳ biết phe bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn nghi ngờ Washington muốn làm suy yếu chế độ độc đảng của họ.
Phát biểu tại Hà Nội hôm thứ Ba 10/5, ông Russel cho biết việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí vẫn “đang được xem xét”, và ông nhấn mạnh rằng cam kết của Việt Nam về nhân quyền là trọng tâm cho mọi quyết định.
Hiện chưa rõ ông Obama tán thành hay phản đối việc gỡ bỏ cấm vận vũ khí trước chuyến thăm.
Dân biểu Loretta Sanchez nhận định: “Việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí khiến Hà Nội tiếp tục quấy rối, bắt giữ và giam cầm công dân”.
Nếu sau cùng ông Obama chọn không gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí ở thời điểm này, có khả năng ông sẽ xoa dịu Hà Nội bằng việc tạo ra một “nhóm làm việc” để vạch ra lộ trình để đạt được điều đó, một quan chức Hoa Kỳ cho biết.