Việt Nam Thời Báo

Năm 2015, EVN cần tăng giá điện để … bù lỗ treo

VNTB: EVN, với sự đỡ đầu khuất tất qua nhiều năm của Bộ Công thương, đã không thể có được lý lẽ giải thích thỏa đáng cho tương lai tăng giá điện đến 9,5% vào năm 2015.

Một lần nữa, giới chuyên gia phản biện và dư luận xã hội cần lên tiếng quyết liệt để chặn đứng mưu tính tăng giá điện của nhóm lợi ích trên đầu người tiêu dùng, lồng trong bầu không khí kinh tế suy thoái và nạn thất nghiệp tăng vọt.  

Petrolimex đã giảm giá xăng dầu đến 12 lần trong 3 tháng qua và giúp kích thích doanh nghiệp động đậy, tại sao EVN lại không thể hoặc không muốn làm như thế? Trách nhiệm nào cho Bộ Công thương và Phó thủ tướng chính phủ Hoàng Trung Hải?

 —————————–


EVN đã đề xuất nhiều giải pháp đề bù đắp vào các khoản chi phí treo; trong đó có phương án tăng giá điện. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tăng được giá điện.


Theo Infonet 
Chiều ngày 30/12/2014, Bộ Công thương tổ chức họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo số liệu của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), trong năm 2013, sản lượng điện thương phẩm thực hiện đạt 115,28 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất hệ thống điện ở mức 8,87%. Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần đạt 441,81 tỷ đồng. Tổng cộng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2013 của EVN là 4.938,44 tỷ đồng.
Tại cuộc họp có ý kiến cho rằng, EVN đề xuất tăng giá điện trong bối cảnh các chi phí đầu vào của EVN đang giảm do giá dầu giảm mạnh. Năm 2013 và 2014, EVN đều có lãi. Khi xin tăng giá tiếp thì sẽ là lãi chồng lãi. Vậy dựa trên căn cứ nào để EVN xin đề xuất tăng giá điện trong thời gian tới?
Giải đáp thắc mắc này, ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, EVN đã công bố lỗ giai đoạn 2010-2011 là 12 nghìn tỷ đồng; lỗ chênh lệch tỷ giá 26 nghìn tỷ đồng. Theo báo cáo kiểm toán đã nêu, số dư còn lại chỉ còn 8.800 tỷ đồng chênh lệch tỉ giá; toàn bộ lỗ sản xuất kinh doanh đã bù hết.
Bên cạnh đó, việc giá dầu, giá khí giảm, lẽ ra giá điện cũng phải giảm, theo ông Tri, về mặt nguyên lý là đúng. Tuy nhiên, trên thực tế giá dầu khi giảm thì khí của PM3 cung cấp cho nhiệt điện Cà Mau cũng giảm xuống, khí cấp trên bao tiêu phải trả giá cao hơn; giá khí trong bao tiêu thì cố định, nhưng theo lộ trình cũng cần tăng giá.
Về lộ trình tăng giá của các mặt hàng than, khí theo quy định của Chính phủ, ông Tri cho biết, giá than tiếp tục tăng và không có điều chỉnh theo giá dầu do mua trong nước. Giá khí tăng bình quân khoảng 2,5%/năm theo giá Đô la. Trong thời gian tới, Chính phủ đang cân nhắc, có thể sẽ điều chỉnh giá khí.
Về việc điều chỉnh giá điện trong thời gian tới, ông Tri nhận định, “Đây là một câu hỏi luôn luôn nóng”. Đồng thời, ông Tri cũng khẳng định, năm 2014 sẽ không tăng giá điện.
Tuy nhiên, do năm 2014 EVN không tăng giá điện nên một loạt các chi phí treo. Mặc dù EVN chưa quyết toán năm 2014, nhưng theo tính toán sơ bộ của EVN thì các khoản chi phí treo bao gồm:
Do điều chỉnh giá than cho sản xuất điện nên chi phí tăng thêm là 2.271 tỷ đồng; điều chỉnh giá khí trên bao tiêu là 1.414 tỷ đồng; biến động tỉ giá mất 128 tỷ đồng (con số thấp – gần như không biến động). Do cơ cấu sản lượng thủy điện nhiều hơn kế hoạch được giao nên EVN đã giảm chi phí được 2.055 tỷ đồng.
Thuế tài nguyên nước tăng từ 1/2/2014 từ 2% lên 4%; EVN phải nộp thêm hơn 1.504 tỷ đồng. Chi phí tiếp cận lưới điện nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ là 1.019 tỷ đồng. Chi phí lắp đặt các tụ bù là 267 tỷ đồng và một số chi phí nhà máy phải chi thêm theo quy định của Chính phủ là khoảng 1.800 tỷ đồng.
Bổ sung chi phí môi trường rừng năm 2011-2012 của các nhà máy thủy điện nhỏ là 166 tỷ đồng. Chênh lệch tỉ giá là 8.811 tỷ đồng vẫn treo. Tổng cộng, chi phí lỗ treo của EVN là 15.000 tỷ đồng.
Ông Tri cho biết, EVN đã đề xuất nhiều giải pháp đề bù đắp vào các khoản chi phí treo này; trong đó có phương án tăng giá điện. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tăng được giá điện.
Ngoài ra, EVN cũng đề xuất một số giải pháp khác như:
Thứ nhất, EVN kiến nghị Chính phủ, khoản chênh lệch tỷ giá 8.800 tỉ theo chế độ kế toán hạch vào giá thành nhưng hiện nay giá chưa tăng được nên EVN xin Chính phủ tạm hoãn. Theo quyết định 854 của Thủ tướng, phân bổ chênh lệch tỷ giá đến hết năm 2015 phải xong, nhưng với tốc độ như hiện nay, EVN cũng xin hoãn lại một thời gian nữa.
Thứ hai, một số khoản chi phí thanh toán cho Petrol Việt Nam do giá khí tăng, EVN xin phép cho thanh toán chậm lại. Đối với các khoản chi phí khác như thuế … EVN vẫn cố gắng nộp đầy đủ.
Do vậy, hàng tháng EVN đều báo cáo Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, giá thành hiện tại để cân nhắc điều chỉnh giá điện. Bên cạnh đó, Bộ sẽ cân nhắc tìm các giải pháp hiệu quả để kìm hãm việc tăng giá điện.
Khánh Nhi – Nguyệt Quế
Infonet

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo