Sang năm 2016, tình hình thế giới sẽ bắt đầu một thời kỳ biến động chưa từng có từ chục năm nay. Bối cảnh này đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải nhận thức và quyết đoán nhanh chóng, chịu chấp nhận những thay đổi triệt để, có như vậy quốc gia mới phát huy và tận dụng được lợi thế đang có.
Từ hàng triệu người di dân…
Thời đại này của chúng ta đang chứng kiến một tình trạng di dân bất thường. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, khoảng 60 triệu người đang bỏ quê hương ra đi, chủ yếu từ châu Phi, từ các nước Trung Á, Trung Đông và Đông Âu. Đích đến của họ là các nước giàu mạnh tại châu Âu và châu Mỹ.
Xanh nhạt: ổn định; Vàng: rủi ro ít; Đỏ: rủi ro nhiều. Nguồn: https://riskmap.controlrisks.com/ |
Nếu so với phong trào di dân trong thế kỷ 20, tình hình ngày nay có điểm giống và điểm khác. Trong thế kỷ trước, phần lớn người ta ra đi vì lý do kinh tế. Khoảng từ năm năm nay, số người tị nạn tăng vọt, nhất là từ các nước Trung Đông với lý do chính là tị nạn chiến tranh. Các nước phương Tây, theo quy định của họ, không thể từ chối người tị nạn chiến tranh. Một điểm khác biệt nữa so với thời kỳ trước là, đại đa số người Trung Đông di tản đều theo Hồi giáo. Các nước phương Tây thì lại là các nước theo Thiên Chúa giáo, một tôn giáo có nhiều truyền thống và sinh hoạt rất khác với Hồi giáo.
Vì hai lý do kể trên, người ta không thể tách rời phong trào di dân hiện nay với cuộc xung đột đẫm máu tại Syria và không thể không suy tư về tình trạng xã hội của châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng, quốc gia đang để cho hàng triệu người Hồi giáo tá túc trong lãnh thổ của mình. Tình hình thế giới sẽ mang đậm dấu ấn của các biến chuyển này. Năm Bính Thân sắp đến sẽ chứng kiến nhiều đổi thay sâu sắc và nhanh chóng mà đất nước chúng ta không nhiều thì ít cũng sẽ có liên hệ.
…Đến hàng chục ngàn chiến binh áo đen
Cũng như mọi người di cư trên thế giới, người Syria không ai vui lòng từ bỏ quê hương, đến một nơi xa lạ về ngôn ngữ và tôn giáo. Nhưng họ phải ra đi vì lý do thực tế là chiến tranh đang lan tràn trên mọi ngõ ngách của đất nước họ. Là một quốc gia mà diện tích bằng khoảng nửa nước Việt Nam và dân số bằng một phần tư, Syria không phải là một nước lớn trên thế giới. Thế nhưng vị trí địa chính trị của Syria cũng như chính sách cai trị của nhà cầm quyền đương thời đã biến đất nước xinh đẹp này thành một bãi chiến trường da beo với nhiều mặt trận. Trong thời điểm này có ít nhất bốn phe đang tham gia vào cuộc nội chiến tại Syria: phe chính phủ, phe nổi dậy, nhóm người Kurds và phe IS (Islamic State).
IS với các chiến binh áo đen là một hiện tượng lạ trong thế giới Hồi giáo. Gồm những thành phần thuộc giáo phái Sunnist thuộc Hồi giáo, IS được hình thành từ 12 năm trước và khoảng năm năm trở lại đây tuyên bố thành lập “Nhà nước”. Họ thực thi một chính sách tàn bạo nhuốm màu cực đoan của thời kỳ Trung cổ, xây dựng một hệ thống quản lý và điều hành hẳn hoi để cai trị vùng họ chiếm đóng. Ba phe phái còn lại đều là đối thủ của IS, bản thân mối liên hệ giữa các phe đó cũng thù địch lẫn nhau và vô cùng phức tạp.
Các nước ngoài như Hoa Kỳ, khối châu Âu, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ảrập Saudi… mỗi nước hỗ trợ một phe nhóm khác nhau, với ý đồ rất khác biệt. Riêng siêu cường Trung Quốc cố tình giữ thế thụ động, không để mình bị kéo vào cuộc chiến. Nhưng liệu điều này còn giữ được lâu, khi Tân Cương nằm trong tầm ngắm của IS?
Cuộc chiến đầy tàn bạo và phức tạp tại Syria đã tạo nên một cuộc di dân ồ ạt chưa từng thấy, đồng thời là tiêu điểm của hoạt động quân sự của hầu hết siêu cường trên thế giới. Các cuộc đụng độ quân sự đã xảy ra và sẽ rất dễ xảy ra nữa, có thể dẫn đến thảm họa. Cách đây vài ba năm không ai ngờ một nước Syria với 22 triệu dân lại có thể là ngòi nổ cho một cuộc chiến toàn cầu.
Ngày 12-9, gần 40.000 người tụ tập tại Copenhagen (Đan Mạch) ủng hộ việc nhận hàng chục ngàn người tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn tại châu Âu. Ảnh: GETTY |
Từ gánh nặng xã hội âm ỉ…
Đến nay khoảng hơn một triệu người di cư đã đến Đức. Trong sự bức xúc nhân đạo và không phải là không có lý do pháp lý, Thủ tướng Merkel của Đức đã tuyên bố chấp nhận người tị nạn. Trong thời cao điểm, mỗi ngày có khoảng 10.000 dân nhập cư vào Đức. Nếu tính con số một triệu người di tản trong tổng số hơn 80 triệu dân Đức, ta thấy Đức thu nhận chỉ hơn 1% tỷ lệ di dân. Nhưng xã hội không chỉ là những con số thống kê. Lý do là dân di tản có ba đặc điểm chính: a) Hầu như tất cả đều trải qua một cuộc vượt biên đầy khổ ải, bị ám ảnh bởi cảnh ngộ kề cận sự chết, tâm lý thiếu ổn định, dễ sinh bạo lực, b) Chỉ có một số rất nhỏ có khả năng kiếm việc làm. Theo một con số thống kê gần đây chỉ một người trong 50 người tìm được công việc, c) Phần lớn đều sinh hoạt trong truyền thống Hồi giáo, nam giới có kẻ không chịu bắt tay phụ nữ, kể cả các quan chức chính phủ đến thăm viếng.
Nước Đức bỗng mang một gánh nặng xã hội bất ngờ, họ phải làm sao đưa một triệu người không chút “đồng văn đồng chủng” vào hệ thống kinh tế – xã hội và văn hóa của mình. Đức cũng bất lực trong việc kêu gọi các nước châu Âu khác chia sẻ gánh nặng này. Cũng qua điều này, cộng đồng châu Âu lại phơi bày một nhược điểm to lớn. Đó là châu Âu không hề “đoàn kết” như người ta mong đợi, hầu như tất cả chỉ nghĩ tới quyền lợi quốc gia ích kỷ của mình. Nếu cộng đồng châu Âu tan rã trong thời gian tới, điều này sẽ không làm ai ngạc nhiên. Ngoài ra trong nội bộ các nước châu Âu như Pháp, Đức, Thụy Điển, Ba Lan, Hungary… chủ trương quốc gia, bài ngoại, đã thắng phiếu rõ rệt trong thời gian qua. Châu Âu đang có một dạng “xoay trục” về phía hữu.
…Đến các vụ nổ kinh hoàng
“Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS” không dừng lại với những hoạt động khủng bố trong nội bộ Syria hay Iraq. Họ đã chủ trương tấn công trực diện những thế lực thù địch quốc tế. Đến nay ta có thể tin vụ máy bay Nga rơi trong tháng 10-2015 với 224 nạn nhân là do IS ra tay khủng bố. Chưa đầy hai tuần sau vụ khủng bố máy bay, một nhóm khủng bố IS đã tấn công tại Paris, giết chết 130 người.
Những tiếng nổ kinh hoàng, giết hại hàng trăm người, cho thấy IS đã tiến về châu Âu. Xem ra IS có những thành phần đang nằm im chờ mệnh lệnh tại Paris, Bruxelles hay Münich. Nhiều người nhìn hàng triệu dân di tản với cặp mắt nghi ngại. Có kẻ khủng bố ẩn danh trà trộn trong đó không, trong hàng trăm ngàn người không hề đăng ký với cơ quan công quyền? Sự tàn bạo của IS xem ra cũng có sức hút nhất định với một số người Âu, vì hàng trăm người quốc tịch Đức, Anh, Pháp hay Bỉ cũng tình nguyện gia nhập hàng ngũ của họ.
Nhưng những vụ nổ kinh hoàng đó cũng có một tác dụng tích cực. Các cường quốc thấy mình phải liên minh với nhau, kể cả với Nga. Họ thấy phải định nghĩa lại thứ tự ưu tiên, nên chăng phải chấp nhận chính quyền Syria của Tổng thống Assad để dồn mọi nỗ lực chống IS. Nhiều nhà chiến lược phương Tây đã tự thấy mình quá thiển cận trong chính sách đối với Nga và các nước Hồi giáo. Không thiếu những đầu óc đã soát xét lại chủ trương từ chục năm trước của Hoa Kỳ đối với Saddam Hussein hay Gaddafi, tự hỏi nếu Hoa Kỳ không can thiệp thô bạo, phải chăng lịch sử đã không sản sinh ra IS.
Năm mới, biến động và rủi ro
Sang năm 2016 tình hình thế giới sẽ bắt đầu một thời kỳ biến động chưa từng có từ chục năm nay. Châu Âu sẽ chịu thử thách liệu còn tồn tại như một cộng đồng kinh tế hùng mạnh. Mối đe dọa này đến từ tình hình kinh tế của Hy lạp, Tây Ban Nha và thái độ của Anh. Chủ trương quốc gia của Ba Lan và Hungary cũng là một yếu tố cho sự tồn vong của châu Âu. Nói chung mối hiểm nguy đích thực là chính sách ích kỷ của các nước trong khối châu Âu, tính chất liên minh vì lý tưởng và lợi ích chung ngày càng bị khoét rỗng.
Nga đang lâm vào suy thoái và thái độ của cường quốc này khó đoán trước, nhất là trong chính sách với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine. Mối quan hệ Nga và Hoa Kỳ xưa nay luôn luôn đóng một vai trò then chốt trên thế giới, nay bị đe dọa trầm trọng bởi tình hình giá dầu thô lao dốc và vụ máy bay Nga bị bắn rơi tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trung Quốc chủ trương “tọa sơn quan hổ đấu” nhưng kinh tế của họ đã bắt đầu rơi vào khó khăn nghiêm trọng. Họ phải trả giá cao cho việc phát triển quá nóng trong thập niên qua bằng một cấu trúc kinh tế thiếu vững chắc và một môi trường ô nhiễm tệ hại.
Cả Nga lẫn Trung Quốc đều khó khăn nhưng hai siêu cường này sẽ không từ bỏ một chính sách cứng rắn về quân sự. Đó là vấn đề nan giải cho Hoa Kỳ, châu Âu và các nước nhỏ khác như Thổ Nhĩ Kỳ hay Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ dành sức đối phó tại Syria và Trung Đông, đối thủ chủ yếu của Hoa Kỳ trước sau sẽ là Nga chứ không phải là Trung Quốc. Do đó chính sách “xoay trục” về châu Á của Hoa Kỳ hẳn sẽ chưa thực hiện trong 2016.
Trong tình hình nóng bỏng hiện nay, may thay Việt Nam không quá liên lụy và giữ vững được sự ổn định. Trong báo cáo Riskmap 2016(1), ta thấy bản đồ Việt Nam mảnh mai mang một màu xanh nhạt (ổn định) bên cạnh màu vàng (rủi ro ít) của Trung quốc và màu đỏ (rủi ro nhiều) của Thái Lan và Myanmar. Việt Nam với màu xanh nhạt cùng với các nước ổn định như Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Úc, Nhật… là tin vui đầu năm cho những ai quan tâm đến vận mệnh nước nhà.
Sự ổn định của Việt Nam hiển nhiên là do vị trí địa chính trị thuận lợi của đất nước, không bị lôi vào vòng xoáy của vùng tranh chấp nói trong bài này. Nó cũng xuất phát từ một quá trình phát triển kinh tế đều đặn trong những năm qua, trong một nền an ninh tương đối vững chắc. Sự ổn định này cũng dựa vào tâm lý của con người Việt Nam là cởi mở, ôn hòa với tất cả mọi quốc gia, chấp nhận mọi tôn giáo, vui lòng hội nhập vào một thế giới đa cực.
Trong năm mới khi nhiều nơi bị ảnh hưởng bởi các tranh chấp quốc tế và các nước khác bị rủi ro đe dọa, Việt Nam có cơ may đóng vai trò thay thế khi các nhà đầu tư rút lui khỏi các vùng lốc xoáy của kinh tế và chính trị. Hơn thế nữa, Hiệp định TPP có thể là một xung lực đưa nền kinh tế tiến thêm một bước chưa hề có.
Các triển vọng đó, tuy nhiên, đòi hỏi các nhà lãnh đạo một đức tính then chốt: nhận thức chính xác và dứt khoát, hành động chủ động và kiên quyết. Trong một thế giới thay đổi từng ngày, các nhà lãnh đạo càng phải nhận thức và quyết đoán nhanh chóng, chịu chấp nhận những thay đổi triệt để, kể cả trong những lĩnh vực tưởng chừng như bất khả xâm phạm trong ý thức hệ, chính trị và tổ chức xã hội.
(1) https://riskmap.controlrisks.com/
Theo TBKTSG