Việt Nam Thời Báo

NewYork Times: Việt Nam và tầm quan trọng của TPP

(NDH) Tại sao Việt Nam cần phải gia nhập TPP? Những lợi ích gì Việt Nam sẽ đạt được? Những thuận lợi và khó khăn mà Việt Nam sẽ gặp phải để gia nhập là gì?

Việt Nam cần phải gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một kế hoạch thương mại được hậu thuẫn bởi Mỹ. Thỏa thuận này sẽ cho phép nền kinh tế Việt Nam có thể tiếp cận hoàn toàn với phần còn lại của nền công nghiệp toàn cầu.


Quan trọng hơn, TPP với sự tham gia của 12 nước không bao gồm Trung Quốc sẽ tái thiết lập mối quan hệ địa chính trị trong khu vực cũng như giúp ngăn chặn đà gia tăng ảnh hưởng của cường quốc này tại Biển Đông. Đây là một chiến lược quan trọng của Mỹ nhằm tái cân bằng chiến lược tại Châu Á.
Việt Nam có đường bờ biển 3.500 km tại Biển Đông, một vị thế chiến lược trong giao dịch thương mại quốc tế. Gần 1/3 lượng dầu thô thế giới và hơn 1/2 lượng khí tự nhiên hóa lỏng được chuyên trở qua khu vực này năm 2013. Đây cũng là tuyến đường ngắn nhất từ Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Đây cũng là hành lang di chuyển “ưa thích” của nhiều lực lượng hải quân, bao gồm Mỹ.
Tuy nhiên, Việt Nam không thể thực hiện vai trò địa chính trị quan trọng vốn có trên cho đến khi phát triển hoàn toàn về kinh tế. Việc gia nhập TPP sẽ giúp Việt Nam giao dịch thương mại tự do hơn, giảm sự tham gia của nhà nước trong nền kinh tế, giúp minh bạch hơn. Đây là những điều cần thiết hỗ trợ Việt Nam thực hiện được mục tiêu trên.
Sau nhiều năm đóng cửa kinh tế, Việt Nam đã có những tiến bộ đầy ấn tượng khi bắt đầu mở cửa với thị trường thế giới vào năm 1986. Việt Nam là một trong những nước có tăng trưởng GDP cao nhất thế giới giai đoạn 1990-2010. Năm 2007, Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại quan trọng. Bên cạnh đó, quốc gia Đông Nam Á này cũng là nước xuất khẩu gạo và cà phê lớn thứ 2 thế giới năm 2013. Năm ngoái, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng đầu của Tổ chức Các nước Đông Nam Á (ASEAN) sang Hoa Kỳ, vượt qua Malaysia và Thái Lan.
Mặc dù vậy, đây mới chỉ là giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Nền kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc quá nhiều vào vào những ngành công nghiệp tập trung cho xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động và có giá trị thấp. Việt Nam hiện đang có nguy cơ bị “kẹt lại” tại khu vực những quốc gia có mức thu nhập trung bình. Tốc độ tăng trưởng GDP đã chậm lại trong những năm gần đây. Xếp hạng của Việt Nam đứng cuối cùng trong số những nền kinh tế thuộc TPP, với GDP đầu người khoảng 1.910 USD, thấp hơn so với 6.660 USD của nước thấp thứ 2 là Peru.
Hiệp định TPP cung cấp một lộ trình cho giai đoạn phát triển thứ 2 của kinh tế cũng như xã hội Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết “Các thỏa thuận này đòi hỏi chúng ta phải cởi mở hơn. Vì vậy, thị trường của chúng ta phải trở nên năng động và hiệu quả hơn.”
Thỏa thuận TPP sẽ giảm đáng kể thuế nhập khẩu áp dụng cho các hàng may mặc Việt Nam vào thị trường các quốc gia thành viên, qua đó gia tăng cạnh tranh với hàng hóa tương tự từ các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan. Ngoài ra, TPP cũng quy định các hàng hóa Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu có xuất xứ địa phương. Điều này sẽ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, quy định này giúp giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, hiện đang cung cấp rất nhiều nguyên vật liệu trong ngành dệt may Việt Nam.
Hơn nữa, TPP sẽ yêu cầu các thành viên thực hiện quyền lao động tự do, quyền sở hữu trí tuệ, tính minh bạch trong luật pháp, quy định và việc thực hành chúng. Nhà đầu tư kỳ vọng chính phủ các thành viên TPP sẽ không cấp ưu đãi cho những doanh nghiệp quốc doanh hoặc cho phép họ ảnh hưởng quá nhiều đến giao dịch thương mại. Điều này có nghĩa là vai trò của các công ty nhà nước sẽ giảm đáng kể tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ rất cao trong nền kinh tế Việt Nam, như trong ngành ngân hàng, năng lượng và giao thông vận tải. Công cuộc tái cơ cấu khu vực này trước đây gặp nhiều đình trệ, nhưng hiện chính phủ Việt Nam đang quyết tâm thực hiên, một phần là do hoạt động thiếu hiệu quả của những doanh nghiệp này.
Điều này có nghĩa là ngày càng có ít trở ngại trong nước đối với Việt Nam khi gia nhập TPP. Chính phủ đã đồng ý cho các công đoàn được hoạt động độc lập tại các nhà máy, gia tăng quyền lợi cho người công nhân, Việt Nam cũng tăng cường thực hiện quy định sở hữu trí tuệ với những chiến dịch rà soát của cảnh sát đối với các cửa hàng vi phạm điều luật này
Một rào cản lớn trong kế hoạch trên đến từ Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng để chống lại sự tái cân bằng chiến lược của Mỹ tại Châu Á, bằng cách thúc đẩy khu vực tự do thương mại của riêng mình. Khởi đầu là Ngân hàng Đầu tư Phát triển Châu Á (AIIB) với hàng tỷ USD đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Việt Nam hầu như chắc chắn sẽ gia nhập TPP, dựa trên nhiều nguyên nhân về kinh tế, chính trị cũng như chiến lược. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì Việt Nam cũng cần có những kế hoạch tái cơ cấu đầy khó khăn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ nhận được nhiều áp lực từ trong và ngoài nước, đặc biệt từ Trung Quốc. Do đó, Việt Nam xứng đáng có được sự hỗ trợ từ nền kinh tế đứng đầu thế giới. Điều này cũng phù hợp với lợi ích của Mỹ trong việc ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.


Tin bài liên quan:

Agribank giảm lãi suất huy động VND về tối đa 6,3%/năm

Phan Thanh Hung

Diễn đàn Kinh tế mùa xuân: “Đổi mới hay là chết”

Phan Thanh Hung

Du lịch Việt Nam tuột dốc không phanh

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo