Nga thận trọng theo dõi cuộc hòa hoãn Mỹ-Cuba

VOA

Thành viên của ban nhạc quân đội đứng dưới tác phẩm điêu khắc bằng sắt của Ernesto "Che" Guevara tại Quảng trường Cách mạng ở Havana, Cuba.

Thành viên của ban nhạc quân đội đứng dưới tác phẩm điêu khắc bằng sắt của Ernesto “Che” Guevara tại Quảng trường Cách mạng ở Havana, Cuba.


28.03.2016
Ông Omar Hernandez không đóng một vài trò trong việc xây dựng Cuba xã hội chủ nghĩa. Ông sinh năm 1963, 4 năm sau cuộc cách mạng Cuba, và cha mẹ ông đã từng ủng hộ nhà độc tài Fulgencio Batista bị lật đổ.
Nhưng lớn lên ở một thị trấn nhỏ trên đảo quốc này, ông Hernandez đã thấm nhuần ảnh hưởng của Nga: một luồng thác các tác phẩm văn học cổ điển Nga, các phim ảnh Xô Viết, phim hoạt họa và mọi thứ văn hóa tạp nhạp mà Liên bang Xô Viết đổ vào Cuba – tất cả đều nằm trong nỗ lực rộng lớn hơn của Moscow nhằm bành trướng ảnh hưởng Cộng sản ở Tây bán cầu.
Ông Hernandez nói, “Một căn nhà của Cuba là một căn nhà của Nga – truyền hình, tủ lạnh, mọi thứ trong đó. Tất cả đều là của Nga.”
Người Nga đã xâm nhập Cuba trong những ngày đó, tái thiết nền kinh tế Cuba thành một phiên bản của hệ thống tập trung hóa của họ và xây các phân xưởng và các nhà máy điện.
Cả khí tài quân sự nữa cũng là một phần lớn trong lượng hàng hóa mà các tàu bè Nga tháo dỡ xuống Cuba, cùng với các chính sách đã đưa thế giới đến bờ vực cuộc chiến tranh hạt nhân vào năm 1962, khi việc bố trí vũ khí hạt nhân Xô Viết ở Cuba nhắm vào Hoa Kỳ đã châm ngòi cho vụ khủng hoảng phi đạn Cuba.
Ảnh hưởng ồ ạt của Xô Viết đối với Cuba bắt đầu vào những năm 1960 là một yếu tố trong một làn sóng người di trú từ đảo quốc, với nhiều người Cuba đi lánh nạn sách nhiễu chính trị để sinh sống ở Hoa Kỳ và Châu Âu.
Người Cuba di trú vẫn còn những ký ức mãnh liệt về đời sống ở Cuba của ông Castro thường kể lại những chi tiết không vui về ảnh hưởng của Nga đối với La Habana – với những tòa nhà bê tông màu xám xịt và những chiếc xe hơi chất lượng thấp.
Nhưng ở Moscow, cuộc trao đổi giữa Xô viết và Cuba được mô tả một cách nồng nhiệt hơn trên các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát, khoa trương tình hữu nghị nồng ấm nẩy nở giữa nhân dân hai nước.
Những đám đông xuất hiện ở La Habana để nghênh đón Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm Cuba vượt xa so với những đám đông đổ xô đến Quãng trường Đỏ với hy vọng được nhìn thấy ông Fidel Castro trong chuyến thăm đầu tiên đến Liên bang Xô Viết.
Tấm bích chương với ảnh Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng hàng chữ "Chào mừng đến Cuba" bên ngoài một nhà hàng ở Havana, Cuba, ngày 17/3/2016.

Tấm bích chương với ảnh Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng hàng chữ “Chào mừng đến Cuba” bên ngoài một nhà hàng ở Havana, Cuba, ngày 17/3/2016.

Đồng chí Cách mạng của ông Castro Che Guevara cũng đã đến thủ đô Xô Viết, nơi ông thành lập hội hữu nghị Nga-Cuba cùng với anh hùng phi công vũ trụ của liên bang Nga Yuri Gagarin. Guevara, một cựu chiến binh râu ria trong chiến dịch du kích rừng rú đã đưa Castro lên nắm quyền, được nhiều người biết là đã đi dự những buổi trình diễn ở Nhà hát Bolshoi gần điện Kremli.
Quan hệ văn hóa phát triển giữa Cuba và Nga được ghi nhận trong những thước phim thời sự thời đó. Một bản nhạc phổ thông ăn khách của Nga vào năm 1962 có tựa là Cuba My Love – Cuba người tôi yêu, đã được trình bày bởi một ca sĩ nổi tiếng là Sinatra của Xô Viết – Muslim Magamaev, một giọng nam trầm của Azerbaijan thuộc liên bang Xô Viết.
Ký giả độc lập của Nga Konstantin von Eggert nói trong thập niên 1960, một thời điểm khi Thủ tướng Nikita Khrushchev của Nga bắt đầu nới lỏng một số hạn chế đã áp đặt dưới thời nhà độc tài Josef Staline, người Nga trung bình say mê Cuba và băng nhóm sống động của các nhà cách mạng để râu quai nón.
Ông nói, “Chúng tôi vẫn coi Cuba như một nơi ấm áp, nơi có nhạc tuyệt vời và nơi dân chúng mang nhiều lý tưởng hơn chúng tôi.”
“Như quý vị biết, khái niệm về Che Guevara đội mũ lưỡi trai, và những nhà cách mạng lãng mạn lập ra một quốc gia mới công bằng, một thế giới mới công bằng, một xã hội mới công bằng, cộng hưởng với khái niệm của thời kỳ Khrushchev cho rằng chủ nghĩa xã hội cơ bản là một điều gì rất tốt đẹp, rất lãng mạn và vĩ đại, nhưng đã bị Stalin làm hoen ố.”
Chính phủ Castro đã không hoàn toàn sánh được về mặt đàn áp và sợ hãi là đặc điểm của Liên bang Xô Viết, nhưng chính tình trạng thiếu quyền tự do đã khiến ông Omar Hernandez, lúc đó là một nha văn mầm non và kịch tác gia đang học về kịch nghệ Nga ở La Habana, bỏ chạy ra nước ngoài vào đầu thập niên 90.
Ông nói lên ý kiến của mình một cách quá tự do, theo ông Hernandez, là điều đã khiến nhiều bạn bè của ông ở Cuba bị bỏ tù. Ông đi tìm một cuộc sống mới, đầu tiên ở Tây Ban Nha, và sau đó ở Nga thời hậu Xô Viết.
Sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết đã làm thay đổi mối quan hệ giữa Nga và Cuba một cách đáng kể.
Đối diện với các vấn đề kinh tế của chính mình trong thập niên 1990, điện Kremli đã cắt đứt những khoản tài trợ mà họ đã dành cho chính phủ Castro từ nhiều thập niên. Sự kiện này gây ra một sự rạn nứt giữa Moscow và La Habana, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nay ông đang tìm cách đảo ngược tình trạng.
Đi thăm Cuba vào năm 2014, ông Putin đã xóa phần lớn khối nợ 32 tỷ đôla thời Liên bang Xô Viết mà Cuba còn thiếu và hứa hẹn một kỷ nguyên hợp tác mới.
Bất chấp cử chỉ của ông Putin, giám đốc về Nghiên cứu châu Mỹ Latinh tại Viện Khoa Học Nga ở Moscow, ông Vladimir Davydov, nói với đài VOA, rằng có một “sự bất động kéo dài” kể từ lúc Nga rút ra khỏi Cuba. Xu hướng đó còn trở nên phức tạp hơn vì những khó khăn kinh tế hiện thời ở Nga do giá dầu thế giới xuống thấp.
Ông Davydov nói: “Không có gì là bí mật khi nền kinh tế Nga của chúng tôi không ở vị thế tốt nhất vào lúc này. Thương mại và xuất khẩu Nga qua châu Mỹ Latinh và Cuba cũng bị thiệt hại.” Ông Davydov lập luận rằng một Cuba ngày càng cởi mở có nghĩa là sự cạnh tranh gia tăng để làm ăn với Cuba, và ông cho rằng các công ty Nga có thể đáp ứng với thách thức đó.
Về mặt chính thức, điện Kremli hoan nghênh chuyến thăm La Habana của Tổng thống Obama, cùng lời hô hào Hoa Kỳ và Cuba “chôn vùi những tàn dư cuối cùng của cuộc Chiến tranh Lạnh ở châu Mỹ.”
Một phát ngôn viên của tổng thống ở Moscow, ông Dmitri Peskov, nói nhiều thập niên “hợp tác thân hữu” của Nga với Cuba nay đang mang một đặc điểm mới.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Cuba Raul Castro tại Havana, tháng 11/2014.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Cuba Raul Castro tại Havana, tháng 11/2014.

Phát ngôn viên của ông Putin nói: “Chúng tôi muốn những người bạn Cuba của chúng tôi có quan hệ tốt với tất cả các nước láng giềng – kể cả Hoa Kỳ.”
Ông Peskov nêu ra rằng những lời kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ chấm dứt việc cấm vận kinh tế mà họ đã áp đặt đối với Cuba từ một nửa thế kỷ đã có tác dụng như một sự thừa nhận của Washington rằng những biện pháp chế tài đó – cũng y như những biệp pháp mà Nga đang phải đối mặt vì những hành động ở Ukraine – là một chính sách bế tắc.
Có một cảm nghĩ ngày càng mạnh nơi một số thành phần ở Moscow cho rằng quan hệ đặc biệt của Nga với Cuba có thể đi đến hồi kết thúc vào lúc Washington và La Habana đang hòa hoãn. Nếu đúng như vậy, theo ký giả Konstantin Eggert, thì điều đó chỉ là lẽ tự nhiên.
Ông Von Eggert nói, “Trước hết Cuba không phải là của Nga để mà bị mất. Nga ràng buộc với Cuba bằng một sự u minh của lịch sử thế kỷ thứ 20.”
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)