10-10-2016
Ngay sau khai mạc hội nghị trung ương 4 khóa 12, một loạt báo chí giật tít của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “chống diễn biến hoà bình. Chống tự chuyển hoá“.
Thông thường, khi đất nước rơi vào cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nợ công thì không tìm được nguồn để trả, doanh nghiệp thì không ngừng đóng cửa hoặc giải thể, ngân sách luôn trong tình trạng thâm hụt thì đại hội của một đảng cầm quyền sẽ phải tập trung vào nghiên cứu để tìm kiếm giải pháp chấn hưng cho kinh tế đất nước thoát khỏi suy thoái.
Nhưng không, bất chấp nền kinh tế có tràn ngập khó khăn, nhưng họ vẫn còn cách để “giật gấu vá vai”. Họ vẫn còn các trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước nằm ở các trung tâm đô thị, vẫn còn một số doanh nghiệp nhà nước. Hết tiền, họ sẵn sàng giao bán. Bán cho doanh nghiệp trong nước không được thì bán cho doanh nghiệp nước ngoài. Bán đắt không được thì bán rẻ. Một khi đã chấp nhận bán thì họ cũng dư ra hàng chục nghìn tỉ để xây dựng mới các cơ quan hành chính nhà nước ở ngoài ngoại ô. Chính sách này đang rất hợp lý bởi nó giúp cho trung tâm các đô thị không bị quá tải giao thông. Thật là nhất cử lưỡng tiện.
Còn về phía người dân, tuy chỉ có trước đó vài ngày, sự kiện người dân mấy tỉnh miền Trung biểu tình lên tới hàng chục nghìn người, chiếm lĩnh và làm chủ công ty Formosa cũng chẳng làm cho tổng bí thư lo ngại. Chỉ cần vài trung đoàn cơ động và chó nghiệp vụ được điều đến thì tình hình sẽ yên ngay. Không việc gì phải đưa vào chương trình của hội nghị.
Chính vì vậy, hội nghị trung ương 4 khóa 12 lần này tổng bí thư lo ngại nhất không phải là vấn đề kinh tế mà là vấn đề “tự diễn biến, tự chuyển hoá”. Tự diễn biến, tự chuyển hoá đến độ tổng bí thư phải thốt lên rằng: “có thể hậu quả khôn lường”. Nghĩa là có thể làm tan vỡ đảng cộng sản hay sụp đổ chế độ.
Không phải ngẫu nhiên mà tổng bí thư nói vậy. Sự kiện ở tỉnh Yên Bái đã làm rung chuyển cả nước, chưa bao giờ một uỷ viên trung ương đảng và một tỉnh ủy viên bị bắn chết ngay tại trụ sở uỷ ban tỉnh, mà người thủ ác lại chính là đảng viên, đồng chí của họ.
Về mặt lãnh đạo, từ trước đến nay tổng bí thư là người nắm chức vụ bí thư quân uỷ trung ương, một chức vụ mà khó ai có thể coi thường. Vậy mà giờ đây tổng bí thư cũng không thể yên lòng. Việc tham gia vào ban thường vụ đảng uỷ công an là một minh chứng cho sự không yên lòng của tổng bí thư.
Vậy điều gì đã làm cho tổng bí thư không yên lòng? Điều làm cho tổng bí thư không yên lòng là bên công an đã làm mất một con tốt Trịnh Xuân Thanh.
Báo chí đánh tới tấp vào Trịnh Xuân Thanh từ tháng 6/2016. Vậy mà tháng 8/2016 bên công an vẫn không sử dụng biện pháp nghiệp vụ để cầm chân Trịnh Xuân Thanh. Trong khi, ngành công an chỉ cần có dấu hiệu biểu tình ở tận đẩu, tận đâu thì tất cả những người bất đồng quan điểm trên cả nước đều bị cầm chân tại nhà. Điều đó cho thấy bên công an đã “mất cảnh giác” và làm cho cụ tổng bị mất mặt. Giờ tổng bí thư cũng đành phải chịu vì dù sao thì vào thời điểm đó Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa hề bị truy nã. Dù có phe cánh giúp Trịnh Xuân Thanh hay không thì rõ ràng tổng bí thư không có được sự giúp sức nhiệt tình của bên công an là chắc chắn. Bởi vì đây là vụ mà tổng bí thư là người chỉ đạo.
Trở lại hội nghị trung ương 4 của đại hội lần thứ 12. Tổng bí thư muốn “chỉnh đảng” trong một xu hướng tự diễn biến và tự chuyển hoá ngày càng gia tăng mà có thể hậu quả khôn lường. Liệu tổng bí thư có làm nổi không khi mà quỹ thời gian không hề ủng hộ ông?
Tổng bí thư cũng phải nên biết, giờ đây mâu thuẫn nội bộ đảng của ông không còn là vấn đề mâu thuẫn lý thuyết nữa rồi, mà nguy hiểm hơn lại là mâu thuẫn lợi ích. Sự mâu thuẫn này có thể biến một quan thượng thư thành một tội đồ, nhà tan cửa nát chứ không chỉ là nghỉ hưu, hạ cánh an toàn nữa.
Nên chăng… tổng bí thư hãy thuận theo ý trời.
(Ba Sàm)