Thâm hụt ngân sách thường vượt mục tiêu quy định, nợ công liên tục được cảnh báo tăng cao. Tuy nhiên, những đề xuất bạo chi cho nhiều dự án ngàn tỷ vẫn không dừng lại.
Chi ngân sách kiểu ‘tôm hùm’
Việt Nam đặt ra mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống 4,5% GDP vào 2015. Tuy nhiên, thực tế những năm qua bội chi ngân sách luôn cao hơn mức này. Cụ thể, năm 2011: 4,4% GDP; năm 2012: 5,4% GDP; năm 2013: 6,6% GDP; năm 2014: 5,3% GDP; năm 2015 dự kiến khoảng 5% GDP
Nguyên nhân được giải thích là do tình hình kinh tế xã hội trong nước khó khăn nên thu ngân sách khó khăn, trong khi chi lại tăng cao,… Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia thì không thể bỏ qua yếu tố lạm chi, thiếu kiểm soát chặt chẽ, nhất là tại các địa phương.
Việc phân chia nguồn lực cho các dự án đầu tư công nói riêng và ngân sách nói chung ở Việt Nam đang có nhiều vấn đề. Những nơi được uống “bầu sữa ngân sách” đang thi nhau chọn “tôm hùm” – đó là ý kiến của Tiến sỹ Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Diễn đàn Tái cơ cấu đầu tư công gắn với tăng trưởng xanh diễn ra mới đây.
Thu khó khăn, nhu cầu chi đầu tư và trả nợ tăng. |
Ông Du lấy ví dụ, một địa phương xây tượng đài có vốn đầu tư lên tới trên 400 tỷ đồng. Số tiền này tương đương hơn 5% chi ngân sách và hơn 10% thu ngân sách năm 2010 của tỉnh. Việc tôn vinh hoặc có chính sách hợp lý những người có công với nước là cần thiết. Tuy nhiên, một công trình như thế có thực sự cấp bách, trong khi đất nước chưa thực sự khá giả và chúng ta đang có nhiều nhu cầu cần thiết hơn?.
Theo ông Du, “cơ chế ngân sách tôm hùm” có thể được hiểu là địa phương nào cũng muốn có những công trình quy mô, được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, mà không quan tâm đến hiệu quả và sự hữu dụng của chúng. Rất nhiều các dự án, công trình gần như không mang lại ý nghĩa về mặt quốc kế dân sinh.
Câu chuyện hàng loạt địa phương xin xây trụ sở hoành tráng thời gian qua, cũng nằm trong xu hướng chi tiêu ào ào như vậy. Nhìn vào số tiền một số tỉnh, thành xin để xây trụ sở có thể một phần nào điều này.
Cụ thể, Hải Phòng xin xây Trung tâm hành chính – chính trị, tổng vốn 10.000 tỷ đồng; Khánh Hòa hơn 3.000 tỷ đồng; Nghệ An hơn 2.100 tỷ đồng; Hà Tĩnh khoảng 2.000 tỷ,…
Cứ nghĩ số ngàn tỷ trên là tiền của địa phương, thế nhưng hầu hết các tỉnh, thành này đều xin ngân sách trung ương hỗ trợ. Hải Phòng xin hơn 6.800 tỷ đồng từ ngân sách. Hay như tỉnh Nghệ An, tổng chi ngân sách địa phương năm 2014 là hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương phải bổ sung 10.000 tỷ đồng.
Cùng với đó là tình trạng đầu tư công hết sức tràn lan. Một số tỉnh, thành phố chưa bố trí đủ vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành và dự án đang thi công dang dở, nhưng vẫn không ngừng khởi công các công trình mới.
Ví dụ tại Ninh Bình, tính đến cuối năm 2011 còn 599 công trình, dự án đã hoàn thành hoặc thi công dang dở với số vốn thiếu hơn 9.000 tỷ đồng, nhưng trong 2 năm tiếp theo vẫn quyết định phê duyệt 347 dự án mới với tổng mức đầu tư 6.943 tỷ đồng, là nguyên nhân phát sinh nợ đọng.
Trong khi đó, trên thực tế hiện nay có tới 80% địa phương chưa tự nuôi nổi mình, ngân sách thu không đủ chi, phải nhờ Trung ương trợ giúp. Điều này ngày càng làm cho ngân sách Trung ương thêm nặng gánh và thâm hụt, dẫn đến phải vay nợ nhiều.
Áp lực nợ công
Thâm hụt ngân sách ngày càng cao đã khiến cho nợ công/GDP tăng nhanh chóng và tiến đến gần ngưỡng trần 65% theo quy định của Quốc hội.
Ông Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách Quốc Hội, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa 13, diễn ra tháng 10/2015 cho biết, mặc dù nợ công hiện nay vẫn ở ngưỡng cho phép, dưới 65% GDP, nhưng bội chi ngân sách vẫn đang gây áp lực rất lớn, cân đối ngân sách khó khăn nên phải tiếp tục vay.
Kỷ luật ngân sách vẫn còn chưa chặt chẽ. |
Năm 2015 chúng ta trả nợ được 150.000 tỷ đồng nhưng bội chi ngân sách 226.000 tỷ và phát hành trái phiếu chính phủ 85.000 tỷ; năm 2016 bội chi ngân sách 254.000 tỷ, trả nợ 155.000 tỷ nhưng trong đó dự kiến vay 95.000 tỷ để đảo nợ. Bốn năm nay chúng ta không trả hết được các khoản nợ đến hạn, cho nên phải vay để đảo nợ. Cứ đà này thì nợ công liên tục tăng.
Con số Chính phủ công bố mới đây cho biết, đến ngày 31/12/2015, mức dư nợ công dự kiến khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,9% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5% GDP, trong phạm vi quy định. Tuy nhiên, dư nợ công những năm qua đã tăng từ năm 2011 đến năm 2015 tăng thêm khoảng 7% GDP.
Báo cáo này cũng cho biết, giai đoạn 2016-2020, dự kiến thu NSNN thời gian tới không tăng đột biến, trong khi nhu cầu chi NSNN phải tăng lớn để trả các khoản nợ đến hạn, đầu tư cơ sở hạ tầng,… Vì vậy, cân đối NSNN tiếp tục phải bội chi ở mức hợp lý để đầu tư phát triển
Theo đồng hồ nợ công toàn cầu, tại thời điểm ngày 4/6/2015 nợ công của Việt Nam sát mức 90 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 46,5% GDP. Tuy vậy, Ngân hàng Phát triển vhâu Á (ADB) cảnh báo nợ công Việt Nam có thể lên tới 60% GDP vào cuối năm 2016.
Theo các số liệu, nghĩa vụ trả nợ/tổng thu ngân sách Nhà nước là 22,6% trong năm 2013 và ước khoảng 26,7% vào năm 2014, vượt ngưỡng 25%.
Trong khi đó, theo thông lệ, chi để trả nợ trên 25% nguồn thu là điều cần được cảnh báo. Cho nên với bối cảnh thực trạng nợ công như vậy, thì đây là sự báo động rất cao, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định.
Theo VEF