Việt Nam Thời Báo

Nghi công an Bình Định đánh chết người, dân phản ứng mạnh

——————-

VOA

Vào đêm 2/1, người dân ở một xã của tỉnh Bình Định đã vây đánh 2 nhân viên công an vì nghi họ đã đánh chết một người địa phương.
Thông tin trên mạng xã hội và một số báo Việt Nam cho hay vụ việc xảy ra trong khoảng 22h15 đến 22h30 ngày 2/1, khi công an bắt một nhóm đánh bạc tại một khu chợ thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước.
Tin cho hay khoảng 20-30 người đánh bạc đã “bỏ chạy tán loạn” khi thấy 6 nhân viên công an, nhưng không có thông tin chi tiết về diễn biến cụ thể nào đã làm anh Phạm Đặng Toàn, 29 tuổi, bị thiệt mạng trong vụ này.
Mạng xã hội và báo chí nói người dân đã đưa nạn nhân đến một bệnh viện và bắt giữ hai công an có tên Trần Đức Thuận và Nquyễn Ngọc Khánh vì nghi hai người này đã đánh chết anh Toàn. Có thông tin là nhiều người không kiềm chế tức giận đã đánh và bắt hai nhân viên công an quỳ gối.
Sáng 3/1, thượng tá Võ Quý Tuấn, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bình Định, cho báo chí biết nhà chức trách “đang làm rõ nguyên nhân tử vong của anh Phạm Đặng Toàn” và “điều tra những người vây đánh 2 chiến sĩ công an để xử lý theo quy định pháp luật, đảm bảo khách quan”.
Không có con số thống kê chính thức về các vụ dân tử vong liên quan đến các vụ bắt bớ của công an Việt Nam song tin tức về các vụ như vậy xuất hiện khá thường xuyên trên báo chí và mạng xã hội.
Hồi tháng 3/2015, Bộ Công an Việt Nam ra báo cáo cho biết có 226 người chết trong các nhà tạm giam, tạm giữ vì “bệnh lý và tự sát”. Những người này chưa bị coi là tội phạm.
Từ Hà Nội, anh Trịnh Bá Phương, một người đấu tranh vì quyền đất đai, nói với VOA về hành xử bạo lực của công an Việt Nam:
“Tình trạng chung ở Việt Nam thì do thể chế độc tài, và cái thể chế lấy công an để cai trị người dân, trong thời gian vừa qua, trong những năm gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ người dân bị công an đánh chết. 260 người chết trong vòng ba năm thì tôi nghĩ con số báo cáo đó chỉ là một phần nổi thôi. Trên thực tế, rất nhiều người bị chấn thương, thương tật, rồi nhiều người ở những nơi không có thông tin, truyền thông, mạng xã hội, thì hầu hết các vụ đó không được thông tin. Ở Việt Nam tôi thấy là đặc biệt trong các nhà tù nhiều người bị chết và các con số đó chưa được thống kê”.
Anh Phương, con của nhà hoạt động Cấn Thị Thêu đang ngồi tù, cho biết thêm bố mẹ, em trai anh và bản thân anh nhiều lần bị công an đánh đập dã man khi đấu tranh về quyền đất đai trong những năm qua.
Theo Báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ phát hành đầu năm 2016, nhiều nhân viên Bộ Công an Việt Nam có hành động giết người tùy tiện hoặc trái luật cũng như lạm dụng bạo lực gây chết người. Báo cáo Nhân quyền nói trong hầu hết các trường hợp, nhà chức trách Việt Nam chỉ cung cấp rất ít thông tin về việc điều tra, và có một vài vụ chính quyền buộc một số quan chức phải chịu trách nhiệm.
Nhà đấu tranh Trịnh Bá Phương nói với VOA nhiều người Việt Nam hy vọng Luật Magnitsky của Mỹ về trừng phạt các quan chức đàn áp hoặc vi phạm nhân quyền có thể tác động thay đổi cách hành xử của các quan chức Việt Nam, kể cả giới công an. Anh nói trong thời gian tới nhiều người sẽ ghi lại các bằng chứng về những quan chức, nhân viên nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền để chuyển cho phía Mỹ và mong Mỹ có các biện pháp trừng phạt.
—————-

Nếu không giết người, liệu họ có quỳ gối?













Quảng Tín (Danlambao) – Với quyền lực vô song, bản chất khát máu, hung hãn, lộng quyền và coi thường mạng sống người dân của mình, thì liệu hai Công an Trần Đức Thuận và Nguyễn Ngọc Khánh có chịu quỳ gối trước mặt người dân, bên cạnh giường tử thi – nếu họ không phải là hung thủ gây ra cái chết của anh Phạm Đình Toàn?

Vụ án mạng xảy ra rạng sáng ngày 03/01/2017 tại xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định khi Công an tiến hành truy quét một tụ điểm đánh bạc với hình thức Bầu cua. Người bị tử vong là anh Phạm Đình Toàn, 29 tuổi trú tại xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước.

Ngay trong sáng cùng ngày, trang Zing.vn dẫn lời ông thượng tá Võ Quý Tuấn, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bình Định: “Qua công tác khám nghiệm hiện trường và tử thi, nạn nhân chết không có dấu vết bị đánh. Ngược lại, clip cho thấy rõ, nhóm người quá khích đã đánh hội đồng khiến hai cảnh sát phải nhập viện cấp cứu”. 

Trong khi đó ông Phạm Hoàng Hậu, chú ruột anh Toàn cho hay: “Công an đã đánh cháu tôi gục tại chỗ, sùi bọt mép, bạn bè thấy vậy đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn nhưng Toàn đã chết trên đường đi” – trang Tuoitre.vn dẫn lời ông Hậu.

Một đoạn video có thời lượng 1giờ 24 phút 21 giây liên quan đến vụ án mạng trên đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội Facebook sáng ngày 3 tháng 1. Đoạn video ghi lại cảnh người dân vây quanh và dẫn hai Công an là Trần Đức Thuận và Nguyễn Ngọc Khánh vào quì trước thi thể nạn nhân Toàn. Một vài thanh niên có lẽ vì quá phẫn nộ đã có hành động đánh và đạp vào người hai Công an nói trên trong tiếng kêu gào thảm thiết của người nhà nạn nhân và những lời miệt thị, nguyền rủa thậm tệ của người dân nhằm vào hai Công an này, không có bất cứ sự kháng cự nào từ phía hai Công an.



Đây là một trong rất nhiều vụ thương vong liên quan đến lực lượng Công an “còn đảng còn mình” trong nhiều năm trở lại đây. Công lý là điều hoàn toàn hoang tưởng một khi nạn nhân bị tử vong liên quan đến lực lượng Công an vốn đã gây rất nhiều nỗi sợ hãi trong dân chúng. 

Ở một đất nước “Công an trị” thì với quyền lực vô song được pháp luật dung túng và tiếp tay thì có lẽ vụ án trên cũng sẽ khép lại với kết luận như ông thượng tá Võ Quý Tuấn đã trình bày.

Nhưng có một chi tiết trong đoạn video được nhắc ở trên mà người xem khó có thể bỏ qua: với quyền lực vô song, bản chất khát máu, hung hãn, lộng quyền và coi thường mạng sống người dân của mình, thì liệu hai Công an Trần Đức Thuận và Nguyễn Ngọc Khánh có chịu quỳ gối trước mặt người dân, bên cạnh giường tử thi – nếu họ không phải là hung thủ gây ra cái chết của anh Phạm Đình Toàn?

04.01.2017


Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.