VNTB: Sau thời gian “thảo luận sôi nổi”, rốt cuộc Quốc hội đại diện cho quyền lực nhân dân đã ưu đãi tối đa cho quyền lợi quan chức: giữ nguyên 3 mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”; không những thế còn giảm số lần lấy phiếu tín nhiệm từ 2 lần xuống chỉ còn 1 lần trong mỗi nhiệm kỳ.
Vào lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên giữa năm 2013, một số đại biểu đã cho rằng chỉ riêng việc ấn định 3 mức tín nhiệm như trên đã mặc định xác suất giữ ghế đến 66% cho giới quan chức điều hành kinh tế xã hội – vốn bị Chủ tịch nước Trương Tấn Sang xem là “yếu kém”.
Tại kỳ họp quốc hội lần này, không ít đại biểu cũng nhắc lại việc chỉ nên duy trì 2 mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” để các quan chức kiêm nhiệm đại biểu có cơ hội “tự sửa mình” hoặc khá hơn nữa là “được từ chức”.
Nhưng xem ra, chủ nghĩa cải lương và hình bóng nhóm thân hữu đã thấm nhuyễn vào cơ thể Quốc hội đến mức người dân đã hoàn toàn có lý khi xem Quốc hội không còn “của dân, do dân và vì dân” nữa. Với cơ chế mới về 3 mức tín nhiệm và chỉ duy nhất 1 lần lấy phiếu tín nhiệm trong suốt nhiệm kỳ, đại đa số “đày tớ” sẽ tràn đầy cơ hội thở phào nhẹ nhõm để tiếp tục “hành là chính” và sau đó “hạ cánh an toàn”.
—————————-