Việt Nam Thời Báo

Người dân khu phố chợ Đà Lạt: không đồng tình quy hoạch, nhưng biết làm sao bây

 

Minh Châu

(VNTB) Ghi nhận ý kiến của một số người dân đang buôn bán, sinh sống ở khu vực trước chợ Đà Lạt và cầu thang “Mộng Đẹp” vào chiều ngày 10-4-2019, hầu hết đều không đồng tình với nội dung “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng” đã được ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đặt bút ký, phê duyệt ngày 12-2-2019 trong Quyết định số 229/QĐ-UBND.

Không đồng tình, nhưng chẳng biết lên tiếng ai sẽ chịu nghe?

“Có không đồng tình thì bọn tôi cũng đâu biết phải làm thế nào? Chính quyền họ đã quyết rồi mà! Mà từ đó đến giờ, làm gì có chuyện mấy ổng lấy ý kiến của người dân và chịu sửa theo góp ý của dân chúng đâu…”. Ông Ngô Văn Dân, cựu chiến binh (Hội Cựu chiến binh Đà Lạt), nói.

Theo bản đồ án này, một số công trình chợ cũ Đà Lạt (nay là rạp Hòa Bình, có thời còn mang tên 3 tháng 4 – ngày kỷ niệm giải phóng thành phố Đà Lạt), một địa chỉ gắn với lịch sử phát triển thành phố Đà Lạt sẽ bị đập bỏ, thay vào đó là một công trình hình khối tròn, bọc kính, mái trải thảm cỏ.

Ngoài ra, các công trình gắn với sinh hoạt văn hóa, thương mại thành phố trước nay như khách sạn Nice Dream (trước 1975, có tên Mộng Đẹp ở vị trí của thương xá Latulipe hiện nay, cầu thang nơi đây cũng được người dân quen gọi là cầu thang Mộng Đẹp), Thương xá Latulipe cũng sẽ bị tháo dỡ. Công trình lớn như khách sạn TTC (Golf 3 cũ) cũng bị giải tỏa.

“Tôi sinh ra và sống gần 30 năm ở Đà Lạt, gia đình ba đời nhà tôi cũng ở đây, mà giờ tôi mới biết thông tin này. Tại sao chính quyền không tổ chức lấy ý kiến nhân dân Đà Lạt về bản quy hoạch đó? Đà Lạt có được những giá trị nào, thì đó chính là đóng góp từ chính các cuộc lưu dân đến vùng đất này, chứ không phải từ những cuộc khẩn hoang của nhà nước. Vậy nên, Đà Lạt là tài sản chung của cộng đồng, không chỉ là dân ở Đà Lạt mà còn là khắp Việt Nam, nên họ không thể tùy tiện hành xử như thế này với một báu vật của dân tộc”. Bà Nguyễn Thị Huyền, tiểu thương bán vải ở chợ Đà Lạt, chia sẻ.

“Đà Lạt của ngày xưa những tà áo chiều về tan học vương vương hoa Dã Quỳ vàng bên đường, con dốc, hoa hồng và mùi nhựa thông trong gió, hoa đào e ấp ven hồ… Giờ là hối hả, là những mất mát khi thoáng trở về ngôi nhà gỗ ngày xưa nay còn đâu?…

Hồi đó, năm 10 tuổi, con gái đi học mặc áo dài, tôi nhớ đã theo mẹ của mình ra chợ Đà Lạt để mua những thước vải áo dài đầu đời của tuổi học trò. Giờ tôi đã 70 tuổi rồi, và chợ Đà Lạt của hồi nào giờ đang bị đe dọa trở thành quá vãng. Buồn lắm chứ. Tôi chẳng thấy Hội Phụ nữ địa phương tổ chức lấy ý kiến chuyện quy hoạch ấy, nên đến khi họ dán công bố ở rạp Hòa Bình thì chúng tôi mới rõ, và mọi chuyện cũng đã xong xuôi hết rồi…”. Bà Thư, bán hàng len ở bên hông chợ đêm Đà Lạt, nói.

Bà Thư từng làm kế toán ở ngân hàng. Bốn người con của bà đều thành đạt, với 3 cử nhân, 1 tiến sĩ.

Tài liệu lưu trữ ở Khoa Kiến trúc đại học Yersin Đà Lạt, cho biết vào năm 1959, khi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ được Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm giao cho nhiệm vụ thực hiện Họa đồ Thiết kế và phân lô chu chợ mới Đà Lạt (nay là chợ Đà Lạt), nếu ông là người cách tân bằng mọi giá, thì có lẽ khu quảng trường Hòa Bình và khối nhà chợ cũ (trước đó là chợ Cây, nay là rạp Hòa Bình) đã bị đập bỏ, xây mới bằng những công trình theo kiến trúc tân kỳ.

Kịch bản nào có thể xảy ra?

Ông Dũng, cựu giảng viên đại học Đà Lạt, trải lòng: “Ai cũng biết Đà Lạt mang đậm kiến trúc của Pháp, được mệnh danh là tiểu Paris. Hãy làm Đà Lạt hiện tại ổn định quy hoạch trước khi mở rộng Đà Lạt. Việc quy hoạch cho tương lai phải gắn liền với thiên nhiên, sinh thái, ấy là thứ vô giá hiếm nơi nào như Đà Lạt được sở hữu. Ai phá bỏ thiên nhiên thì người ấy có tội với Đà Lạt. Tôi nghĩ rằng Đà Lạt nên đô thị hóa theo phong cách sinh thái, nhà nhà có vườn, phố phố có hoa, con đường có cây xanh hệt như 44 năm về trước!”.

Ông Hữu Sơn tự giới thiệu mình chỉ là một gã nhà quê, nhưng ông vẫn hiểu Đà Lạt mang trong mình những đặc trưng riêng về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan rừng, di sản kiến trúc Pháp độc đáo, thành phố giàu tính nhân văn, thành phố du lịch và dã ngoại. Do vậy, với Đà Lạt, vấn đề đặt ra là phải giữ gìn nguyên tắc bảo tồn để phát triển.

“Muốn vậy, Đà Lạt phải tìm ra một ngưỡng, một giới hạn cần bảo tồn để giữ lấy nét đẹp của Đà Lạt xưa. Nếu không, Đà Lạt sẽ chẳng còn là Đà Lạt. Hiện nay các kiến trúc xây dựng mới hiện đại đang có xu hướng lấn át các công trình cũ của Đà Lạt. Đã đến lúc phải xem đô thị di sản – cảnh quan Đà Lạt như một cơ thể sống với sức chịu tải có hạn. Nếu bài toán giới hạn được đặt ra thật khoa học và hợp lý, thì việc ứng xử với các nhà cao tầng đô thị mới được giải quyết thấu đáo”. Ông Sơn biện giải.

Nhà báo V.V.H, nguyên trưởng văn phòng của một tạp chí thuộc Hội Luật gia Việt Nam, diễn giải việc người dân tuy không đồng tình với nhiều nội dung “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt”, song họ chỉ biết than vãn dạng trà dư, tửu hậu. Vì với thực tế Việt Nam chỉ có một đảng cầm quyền, thiếu động lực cạnh tranh trong quản trị quốc gia với các đảng phái luân phiên nhau từ lá phiếu của người dân, nên khi góp ý nhiều khi chỉ rước thêm phiền toái cho chính mình.

“Vụ quy hoạch khu vực trung tâm Hòa Bình với đồi Dinh tỉnh trưởng, nếu ai đó được tiếp cận hồ sơ sẽ thấy mọi chuyện gần như đã thỏa thuận xong về cơ bản từ năm 2016. Giờ chỉ là điểm rơi của phê duyệt, vì nhiệm kỳ của chính quyền địa phương còn chẳng bao lâu nữa; nhất là trong giai đoạn đảng cộng sản đang cơ cấu nhân sự.

Rất có thể bước vào nhiệm kỳ mới, ê kíp lãnh đạo mới của Đà Lạt sẽ có những điều chỉnh nội dung “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt”, theo hướng những diện tích dễ dàng giải tỏa, thu hồi như chợ cũ Đà Lạt tức rạp hát Hòa Bình hiện nay, như khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng sẽ nhanh chóng được tư nhân đầu tư. Còn nhiều điểm khác như khách sạn Nice Dream, Thương xá Latulipe, khách sạn TTC (Golf 3 cũ) thì rất có thể đâu vẫn y đó!”. Nhà báo V.V.H chia sẻ.

Nếu xem một thành phố cũng là một cơ thể sống và luôn có linh hồn, thì Đà Lạt đầy di sản tinh tế trong tâm thức mọi người suốt 126 năm qua kia đang bị tan rã, phân hoại. Quyền lợi của chính người dân đã phải ra đi. Để nhường chỗ cho điều gì, ai biết?

http://www.vietnamthoibao.org/…/vntb-nguoi-dan-khu-pho-cho-…

VNTB- Người dân khu phố chợ Đà Lạt: không đồng tình quy hoạch, nhưng biết làm sao bây giờ?

Việt Nam Thời Báo thuộc Hội nhà báo độc lập Việt Nam – IJAVN
[ad_2]

Source

Tin bài liên quan:

VNTB – Ðà Lạt là gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đại Quang Minh tài trợ ý tưởng quy hoạch: Phủ kín đất xây dựng Khu đô thị phía Đông Đà Lạt

Do Van Tien

VNTB – Tiệm kem ở xứ lạnh

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.