Ku Búa
@ Café Ku Búa
Đây là bài đầu tiên trong số lượt bài mà tôi muốn đề cập đến những vấn đề mà Tony Buổi Sáng (TBS) không đề cập đến vì lý do nào đó. TBS đã làm rất tốt vai trò của mình trong việc cải thiện bản thân, giúp các bạn trẻ thay đổi tư duy. Nhưng có rất nhiều điều tôi nghĩ mà tôi có thể bổ sung cùng với những đóng góp của TBS.
Tony Buổi Sáng nói: “Làm sao để sống với 6 triệu/tháng?”
Café Ku Búa nói: “Tại sao bạn không sống được với 6 triệu/tháng?”
Một công nhân, như TBS ví dụ, với mức lương 6 triệu thì phải đóng bao nhiêu thuế? Nếu bạn cho rằng bạn không đóng thuế gì thì bạn quá sai lầm. Chính phủ, tất cả chính phủ chứ không riêng gì Việt Nam, đều ban hành và áp dụng hàng trăm loại thuế khác nhau để đánh lừa người dân. Thay vì an phận và chấp nhận tư duy “mình nên làm gì để sống với lương 6 triệu,”có bao giờ bạn tự hỏi hay suy nghĩ khác như:
- Vì sao lương bình quân của người Việt Nam chỉ 6 triệu?
- Vì sao hầu hết hàng hóa ở Việt Nam đều đắt hơn ở những nước khác? Nghĩa là sức mua của người lao động Việt Nam thấp hơn lao động nước khác?
- Sống với 6 triệu thì làm sao mà sống được?
- Sao không phải 10 triệu hay 20 triệu?
Nguyên nhân chính sẽ làm bạn bất ngờ, không hề ngẫu nhiên đâu. Nguyên nhân chính, từ góc nhìn vi mô và vĩ mô, suy cho cùng cũng chỉ vì 3 nguyên nhân:
- Thuế
- Tham nhũng
- Lạm phát (sự mất giá của đồng tiền)
MỘT CÔNG NHÂN LƯƠNG 6 TRIỆU/THÁNG ĐÓNG BAO NHIÊU THUẾ?
Một công nhân lương 6 triệu 1 tháng đóng bao nhiêu thuế trong một năm? Anh ta tiêu cứ cho là hết 6 triệu đi thì anh ta đã đóng bao nhiêu tiền thuế?
Chi tiêu của anh ta như sau:
Nhà cửa 1.5tr/tháng
Đồ ăn 1.5tr/tháng
Tiền gửi gia đình 2tr/tháng
Xăng 500,000 VND/tháng
Sau đây là những khoản thuế anh ta phải đóng mỗi tháng:
- Thuế BHXH 26% (doanh nghiệp đóng 18%, người lao động 8%), nhưng thực chất tiền đó đến từ lương của người lao động. 26% x 6tr = 1,560,000 VND
- Bảo Hiểm Y Tế 4.5% (Doanh nghiệp đóng 3%, người lao động đóng 1.5%). 4.5% x 6 tr = 270,000 VND
- Bảo Hiểm Tai Nạn 2% (Doanh nghiệp 1%, người lao động 1%). 2% x 6 tr = 120,000 VND
- Phí công đoàn 2% (doanh nghiệp đóng, nhưng thực chất là người lao động đóng). 2% x 6tr = 120,000 VND.
- Thuế VAT. 10% x 1.5tr đồ ăn x 1.5tr tiền nhà trọ = 300,000 VND.
- Thuế VAT của tiền gửi gia đình (gia đình lấy tiền đó mua đồ) = 2tr x 10% = 200,000 VND
- Thuế xăng dầu: 500,000 VND x 40% = 200,000 VND
- Thuế lạm phát 10%/năm. 6tr x 10% / 12 tháng = 50,000 VND
- Thuế đút lót hành chính: ước tính tầm 200,000 VND/tháng.
- Thuế lót CSGT nếu bị kêu vô, ước tính mỗi tháng 100,000 VND.
Tổng cộng = 1,560,000 + 270,000 + 120,000 + 120,000 + 300,000 + 200,000 + 200,000 + 50,000 + 200,000 + 100,000 = 3,120,000 VND/tháng
Mỗi năm đóng = 3,120,000 x 12 tháng = 37,440,000 VND = 37.4 triệu.
Tính % của thu nhập = 37.4/(6×12) =51.94%.
Trung bình, một người công nhân với mức lương 6 triệu/tháng mỗi năm phải đóng 37.4 triệu tiền thuế, chiếm 51.94% thu nhập của anh ta.
Nếu tính luôn phí hải quan 10%, phí bảo kê, tầm 5%, vốn làm cho giá cả mắc hơn bình thường, thì mỗi năm anh ta phải đóng tầm 66.9%.
BẠN ĐÓNG BAO NHIÊU THUẾ BẢO HIỂM XÃ HỘI?
Thuế Bảo Hiểm Xã Hội (BHXH) hiện tại là 26%. Người lao động đóng 8% của lương và doanh nghiệp đóng 18%. Câu hỏi “Người lao động đóng bao nhiêu phần thuế BHXH?”
Nếu bạn đọc ở trên thì câu trả lời quá đơn giản, 8%. Còn 18% kia là doanh nghiệp trả, người lao động đâu có trả. Nhưng hãy suy ngẫm kỹ lại.
Từ phía cạnh doanh nghiệp, thuế BHXH là một trong những chi phí họ phải trả để thuê người lao động. Ngoài thuế BHXH thì họ phải trả lương, bảo hiểm y tế (BHYT), bải hiểm tai nạn, kinh phí công đoàn và vô số những phúc lợi khác cho người lao động.
Để đơn giản hóa vấn đề. Giả sử lương của người lao động là 100đ thì chi phí để doanh nghiệp phải trả để thuê người lao động là:
18% thuế BHXH: 18đ
3% thuế BHYT: 2đ
1% thuế bảo hiểm tai nạn: 1đ
2% phí công đoàn: 2đ
Tổng cộng: 100đ lương + 18đ BHYT + 3đ BHYT + 1đ BHTN + 2đ phí công đoàn = 124đ. Nghĩa là ngoài tiền lương 100đ thì doanh nghiệp phải trả thêm 24đ để thuê người lao động.
Đọc tới đây thì có thể bạn sẽ nói: “Rồi sao? Liên quan gì? Người lao động chỉ phải trả 8% thuế BHXH thôi.” Hãy suy nghĩ kỹ lại. Cái tiền 18% BHXH mà doanh nghiệp đóng là một chi phí, cũng như phúc lợi của họ để thuê người lao động cùng với vô số các chi phí khác. Nghĩa là tiền đó là một phần trong gói lương của người lao động.
Nếu doanh nghiệp không phải đóng 18% đó, thì nó sẽ thuộc về người lao động. Nghĩa là thay vì được trả 100đ thì họ sẽ được trả 118đ. Cái 18% BHXH đó thuộc về người lao động.
Bây giờ có thể bạn không tin tôi hoặc bối rối và vẫn chưa hiểu. Nhưng bạn có thể hỏi bất cứ một người nào đã từng khởi nghiệp, đã từng kinh doanh hay đã từng trả lương cho người khác. Doanh nghiệp không hề trả 18% thuế BHXH. Người trả là người lao động. Vì 18% đó là một phần trong lương của họ được trích ra để trả.
Nhưng vì sao chính phủ lại chia ra làm 2 mục: doanh nghiệp 18% và người lao động 8%? Sao họ không nói rằng “bạn phải đóng 26% thuế BHXH?” Dễ hiểu thôi. Giả sử như bây giờ nếu chính phủ giữ nguyên mức thuế 26%, thay vì chia thành 2 mục, họ đổi tên và chính sách thành: “người lao động phải nộp 26% lương của mình vào quỹ BHXH”.
Lúc đó phản ứng của bạn sẽ ra sao? Nguy cơ rất cao là bạn sẽ phản đối. Nhưng nếu họ dùng thuật ngữ để đẩy hướng dư luận sang “bạn chỉ cần đóng 8% thôi còn 18% còn lại doanh nghiệp sẽ trả” thì phần đông chúng ta sẽ ủng hộ.
Vì chúng ta tập trung vào thuật ngữ và phần đóng của doanh nghiệp mà nghĩ rằng phần đó là doanh nghiệp đóng. Nhưng thực tế thì chính bạn là người đóng 18% đó. Đó là cách chính phủ dùng thuật ngữ để đánh thuế bạn gián tiếp.
Giờ thì bạn đã suy nghĩ khác chưa? Tôi sẽ hỏi lại:
Thuế Bảo Hiểm Xã Hội (BHXH) hiện tại là 26%. Người lao động đóng 8% của lương và doanh nghiệp đóng 18%. Câu hỏi “Người lao động đóng bao nhiêu phần thuế BHXH?”
AI ĐÓNG THUẾ DOANH NGHIỆP?
Tôi bắt đầu bài viết này với một câu hỏi mà gần như mọi người sẽ cho rằng nhảm nhí: “ai đóng thuế doanh nghiệp?”
Các chính trị gia, các nhà hoạt động xã hội và các tổ chức dân sự luôn nói rằng doanh nghiệp bốc lột, doanh nghiệp phải đóng thuế nhiều hơn, doanh nghiệp phải làm cái này cái kia. Họ cho rằng các công ty, các tập đoàn kinh tế lợi dụng sức lao động để thu lợi nhuận về cho riêng mình, nên việc gia tăng thuế doanh nghiệp là điều phải làm để bảo vệ xã hội và công dân. Nhưng “ai đóng thuế doanh nghiệp?”
Nếu tôi phải đoán thì bạn sẽ nói: “hỏi gì mà ngu vậy? Thuế doanh nghiệp thì doanh nghiệp đóng. Doanh nghiệp không đóng thì ai? Thằng này đúng xàm.”
Nhưng sự thật thì không phải vậy. Chúng ta hãy suy ngẫm và phân tích nhé.
Chính phủ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên xe ô tô, vậy nghĩa là xe ô tô sẽ đóng thuế? Chính phủ áp dụng thuế xăng dầu, vậy là xăng dầu sẽ đóng thuế? Chính phủ áp dụng thuế VAT lên hàng hóa, hàng hóa sẽ đóng thuế? Chính phủ áp dụng thuế môi trường, môi trường sẽ đóng thuế? Chính phủ áp dụng thuế mua bán bất động sản, căn nhà bạn mới bán sẽ đóng thuế? Không hề.
Chiếc ô tô, xăng dầu, hàng hóa ở siêu thị, môi trường hay bất động sản dù bị áp đặt thuế nhưng họ không hề đóng thuế. Chỉ có con người mới đóng thuế.
Vậy ai là người đóng thuế cho những thứ nói trên? Chính bạn. Bạn đóng thuế xăng dầu khi bạn đổ xăng. Bạn đóng thuế VAT khi bạn mua hàng ở siêu thị. Bạn đóng thuế ô tô khi bạn mua chiếc xe mới. Bạn đóng thuế bất động sản khi bạn mua cái chung cư kia.
Để trở lại câu hỏi ban đầu “Ai đóng thuế doanh nghiệp?”, chúng ta hãy định nghĩa doanh nghiệp là gì. Doanh nghiệp là một tổ chức kinh doanh, một thực thể pháp lý. Nó được thành lập bởi con người và điều hành bởi con người. Doanh nghiệp là một tập thể bao gồm nhiều con người. Doanh nghiệp chính là con người.
Khi chính phủ áp đặt một loại thuế nào đó lên doanh nghiệp, việc họ làm là áp đặt thuế lên những con người làm việc cho doanh nghiệp và những con người tiêu thụ những sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ đóng vai trò là người thu tiền thuế thay cho những người nói trên. Người đóng thuế doanh nghiệp là ông giám đốc, anh trưởng phòng, chị kế toán, các anh chị nhân viên và công nhân, và những khách hàng trả tiền để mua hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không hề đóng thuế doanh nghiệp, người đóng thuế là những người làm cho doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp. Không hề có cái thứ gọi là ‘thuế doanh nghiệp’ vì doanh nghiệp không hề trả thuế. Nó chỉ là một ngộ nhận. Không hề có ‘thuế doanh nghiệp’ vì khi doanh nghiệp bị áp đặt thuế, chỉ con người mới đóng thuế.